Theo Ðiều 35, Nghị định số 10/2021/NÐ-CP, quyết toán vốn đầu tư xây dựng, dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn khi cấp có thẩm quyền có văn bản dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện dự án.
Theo đó, quy định rõ trách nhiệm của nhà thầu, chủ đầu tư trong lập hồ sơ. Tại Khoản 5 của điều này quy định, chủ đầu tư chậm thực hiện quyết toán sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Khoản 7, Ðiều 35 nêu trên quy định chủ đầu tư có trách nhiệm giải quyết công nợ, tất toán tài khoản dự án tại cơ quan thanh toán vốn đầu tư trong vòng 6 tháng, kể từ khi có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành... Quy định là vậy, tuy nhiên trên thực tế tại Cà Mau, theo ghi nhận của phóng viên qua chuyến giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh trong tháng 10 và 11/2023, tính đến thời điểm 31/8/2023, việc quyết toán, tất toán, thu hồi tạm ứng khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng còn nhiều tồn tại, kéo dài, quá hạn gần 2 nhiệm kỳ và nhiều dự án gần như đi vào bế tắc với số tiền hàng tỷ đồng.
Bài 1: Không còn khả năng tất toán
Trong các địa phương, huyện Ðầm Dơi còn nhiều công trình hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa nộp báo cáo quyết toán, dẫn đến trễ hạn quyết toán theo quy định. Theo báo cáo của UBND huyện này, địa phương còn 24 công trình trễ hạn quyết toán theo quy định với giá trị nghiệm thu gần 16 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do chủ đầu tư chưa quan tâm chỉ đạo quyết toán công trình hoàn thành, chủ yếu giai đoạn từ năm 2021 trở về trước.
Trong số này nhiều nhất thuộc về xã Quách Phẩm, với trên 8 tỷ đồng và tất cả đều là các công trình giao thông nông thôn theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. “Số thu trong dân không thực hiện được nhưng công trình đã có khối lượng và nhà thầu tự nguyện bù đắp phần này, nhưng việc quyết toán không được do chưa có văn bản mang tính pháp lý từ nhà thầu, trong khi hiện nhà thầu đã phá sản”, ông Trần Anh Chót, Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, nêu thực tế.
Tại huyện Cái Nước, số lượng và giá trị các dự án hoàn thành đã có quyết định phê duyệt quyết toán nhưng chưa tất toán 8 dự án, với tổng giá trị trên 83 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đang thực hiện thu hồi nộp ngân sách và 5 dự án đang trong quá trình bố trí vốn để thanh toán khối lượng sau quyết toán.
“Các chủ đầu tư được ngành chuyên môn hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng trong quá trình gửi hồ sơ, tài liệu để được thẩm tra quyết toán, xử lý tất toán, từ đó việc thực hiện lập hồ sơ gửi thẩm tra quyết toán đảm bảo theo đúng thời gian quy định, chất lượng hồ sơ gửi đề nghị thẩm tra tương đối đầy đủ đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NÐ-CP. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án chưa được xử lý tất toán kịp thời, nguyên nhân là do khó khăn trong quá trình thu hồi vốn từ các nhà thầu, vì một số nhà thầu nay đã giải thể, bên cạnh đó một số dự án đang trong quá trình bố trí vốn để thanh toán khối lượng sau quyết toán”, ông Huỳnh Hùng Em, Phó chủ tịch UBND huyện Cái Nước, thông tin.
Ở huyện Phú Tân, số lượng và giá trị các dự án hoàn thành kéo dài nhiều năm không còn khả năng tất toán, với tổng số dự án đã phê duyệt quyết toán nhưng chưa tất toán 210 dự án, giá trị trên 121,3 tỷ đồng.
“Tình hình kéo dài thời gian tất toán dự án nguyên nhân do luân chuyển cán bộ, cán bộ mới chưa tiếp cận kịp thời các quy định về công tác quyết toán, tất toán dự án hoàn thành, một số dự án do nhà thầu không còn hoạt động, giải thể nên nợ buộc phải thu nhưng không thu được”, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân, nêu thực tế và cho rằng đây là nguyên nhân khách quan.
Với TP Cà Mau, hiện có 3 công trình hoàn thành, đã có quyết định phê duyệt quyết toán nhưng chưa tất toán tại Kho bạc Nhà nước tỉnh với số tiền trên 27,8 tỷ đồng, trong đó lớn nhất tại dự án mở rộng, sửa chữa Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Phường 5.
Cũng như huyện Phú Tân, ông Bùi Tứ Hải, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho rằng, việc tất toán các công trình này kéo dài và không còn khả năng tất toán là do nguyên nhân khách quan. Cũng được đánh giá là không còn khả năng tất toán do công trình đã hoàn thành quá lâu.
Thực trạng trên không chỉ đối với cấp xã, huyện, mà còn xảy ra tại các chủ đầu tư là cấp sở, ngành tỉnh, với số tiền rất lớn. Tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện đang ở con số trên 1,43 ngàn tỷ đồng cho 17 dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán nhưng chưa tất toán. Tại Sở Giáo dục và Ðào tạo hiện còn dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học năm 2020, đến thời điểm 31/8/2023 chưa được phê duyệt quyết toán với số tiền rất lớn, lên đến trên 140 tỷ đồng.
Tại Sở Giáo dục và Ðào tạo, đến thời điểm 31/8/2023 còn dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học năm 2020 chưa được phê duyệt quyết toán với số tiền rất lớn, lên đến trên 140 tỷ đồng.
“Nguyên nhân chậm quyết toán dự án do xuất phát từ công tác quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng vì phải chờ hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng phê duyệt, để tổng hợp quyết toán chung toàn bộ dự án; một số chủ đầu tư chưa tuân thủ quy trình, trình tự thủ tục trong đầu tư xây dựng, chưa quan tâm đúng mức đối với công tác quyết toán dự án hoàn thành”, ông Ðoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính, đánh giá.
Dự án mở rộng, sửa chữa Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Phường 5, TP Cà Mau, đến thời điểm 31/8/2023 chưa tất toán, với số tiền trên 13 tỷ đồng.
Thời điểm cuối tháng 8/2023, số dư tạm ứng quá hạn trên 32,7 tỷ đồng, thuộc 19 chủ đầu tư, với 63 dự án kéo dài qua nhiều năm khó có khả năng thu hồi. Trong đó, hơn 17,8 tỷ đồng do nhà thầu phá sản, trên 2,4 tỷ đồng do chủ đầu tư giải thể; hơn 4 tỷ đồng do các dự án đình hoãn không thực hiện và trên 8,4 tỷ đồng do các nguyên nhân khác. Theo đó, cấp tỉnh tập trung nhiều nhất tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 14 dự án, với số tiền trên 4,4 tỷ đồng; cấp huyện có Ðầm Dơi, với 7 dự án, trên 1,6 tỷ đồng. Cùng con số dự án với Ðầm Dơi, nhưng Ban Quản lý dự án công trình xây dựng có số dư tạm ứng quá hạn cao nhất, hơn 9,7 tỷ đồng. |
Ông Khởi cho rằng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhưng chưa được các chủ đầu tư quan tâm phối hợp với cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước Cà Mau, để thực hiện quyết toán dự án hoàn thành và tất toán tài khoản dự án; đồng thời, đã đề xuất, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành đúng thời gian quy định.
Theo con số thống kê của Sở Tài chính, trong 181 công trình đã có quyết định phê duyệt quyết toán cấp tỉnh có đến 153 dự án, công trình có quyết định phê duyệt quyết toán trên 6 tháng. Qua đó cho thấy, các chủ đầu tư thiếu quan tâm, thực hiện chưa đúng quy định về thời gian xử lý tất toán dự án hoàn thành.
Trần Nguyên
Bài 2: Vất vả bổ sung hồ sơ