(CMO) Để hoạt động khai thác đi vào trật tự, đúng quy định, các ngành chức năng, đơn vị quản lý tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đến tuyên truyền, vận động, tiêu biểu nhất là xây dựng mô hình hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề.
Hiệu quả khai thác được nâng cao lại hạn chế xâm hại nguồn lợi thuỷ sản là 2 lợi ích lớn nhất từ việc chuyển đổi ngành nghề cho cư dân ven biển mang lại. Kết quả này được minh chứng bằng mô hình thực tiễn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là thiếu vốn mà việc chuyển đổi nghề đến nay chưa thể đạt kết quả như nhiều người mong đợi.
Qua thống kế sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 1.300 tàu khai thác thuỷ sản công suất dưới 20CV có đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ngư dân tận dụng phương tiện thuỷ gia dụng không đăng ký để khai thác ven bờ, theo mùa, tác động không nhỏ đến nguồn lợi thuỷ sản.
Hiện còn rất nhiều ngư dân tận dụng phương tiện thuỷ gia dụng để khai thác ven bờ, vừa thiếu an toàn, vừa sát hại nguồn lợi thuỷ sản. |
Đẩy te - nghề khai thác ven bờ xâm hại nặng nề nguồn lợi thuỷ sản, cần sớm chuyển đổi. |
Chia sẻ về thực tế này, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Nguyễn Việt Triều cho biết, từ nhiều năm trước, Chi cục Thuỷ sản đã xây dựng phương án tổng thể về chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân ven biển trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do nhu cầu kinh phí để chuyển đổi quá lớn, trong khi nguồn ngân sách tỉnh đang gặp khó khăn, từ đó, UBND tỉnh chỉ cho thí điểm 10 hộ trên 3 mô hình chuyển đổi. Chủ yếu là những hộ sát hại nguồn lợi thuỷ sản với sự tham gia đối ứng của chủ hộ 50%, Nhà nước hỗ trợ 50%.
Cụ thể, từ đầu năm 2018 có 9 hộ hành nghề te được hỗ trợ chuyển sang nghề lưới rê và 1 hộ chuyển sang nghề ốc mực với sự trợ lực của Nhà nước. Sau thời gian triển khai, các ngư dân tham gia đều đánh giá đây là những mô hình mang lại hiệu quả cao, phù hợp với trình độ, tay nghề hiện tại của ngư dân.
Là một trong những hộ tham gia chuyển đổi từ te sang lưới rê, ông Trần Văn Khải, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, cho biết, chuyển sang loại hình khai thác mới, loại hải sản đánh bắt cũng thay đổi theo hướng giá trị hơn. Trước kia chủ yếu là cá tạp, giờ đối tượng khai thác chính là cá ba thú, cá đù, tôm, mực nang… Giờ đây, mỗi chuyến biển (sáng đi, chiều vô bờ), thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 700.000 đồng. “Đây là thu nhập khá cao so với trước”, ông Khải bộc bạch.
Huyện Ngọc Hiển có khoảng 499 phương tiện đánh bắt và 600 phương tiện thuỷ nội địa tham gia khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên, thời gian qua việc chuyển đổi ngành nghề khai thác thuỷ sản hiệu quả thấp.
Liên quan đến vấn này, ông Triều cho biết thêm, đã tiến hành tổng kết, đánh giá các mô hình chuyển đổi ngành nghề thí điểm. Hiệu quả có, nhân rộng cũng có, tuy nhiên, việc nhân rộng còn ít, chủ yếu do nguồn vốn tự bỏ ra để đầu tư ngư lưới cụ chuyển đổi nghề ngư dân đang gặp khó khăn. Một phần do tư tưởng còn ỷ lại của ngư dân, chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề cả Nhà nước và người dân đều gặp khó. Từ đó, việc chuyển đổi dù biết mang lại hiệu quả, nhưng việc triển khai nhân rộng còn rất chậm. Hiện nay, Chi cục Thuỷ sản tiếp tục báo cáo UBND tỉnh tìm thêm nguồn kinh phí hỗ trợ ngư dân, song song đó có thêm những giải pháp khác hữu hiệu hơn trong chuyển đổi nghề. “Chị cục đang vận dụng nhiều nguồn, nhiều cách, nhiều hướng khác nhau để thực hiện công tác này”, ông Triều cho biết.
Đó là thực trạng đang đặt ra, thế nhưng, để giải quyết được câu chuyện này, cần có thêm thời gian bởi liên quan đến nguồn kinh phí lớn. Trước mắt, để hạn chế đến mức thấp nhất hình thức khai thác xâm hại nguồn lợi thuỷ sản, các ngành và chính quyền địa phương chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác vi phạm vì nghề biển bền vững./.
Nguyễn Phú