(CMO) Trong nhiều công trình tại Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phường 1, TP Cà Mau) có ngôi nhà sàn Bác Hồ. Ngôi nhà sàn được xây dựng từ trước đó khá lâu và quanh chuyện xây dựng nhà sàn của Người cũng có nhiều điều thú vị.
Nhà sàn Bác Hồ ở Cà Mau, công trình tâm huyết, thể hiện tấm lòng yêu kính Bác của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cà Mau được vợ chồng Kỹ sư Phạm Hữu Liêm - Lê Thị Liễu, đề xuất ý tưởng xây dựng cách nay 28 năm. |
Năm 1989, khi khu dược liệu của Xí nghiệp Dược Minh Hải giải tán, Ðảng uỷ, Ban giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu ngày nay), đứng đầu là Kỹ sư Phạm Hữu Liêm (Tư Liêm), quyết định mua lại khu đất trên để xây dựng công trình kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác, lấy tên là Lâm viên 19/5. Lâm viên được xây dựng theo mô hình tỉnh Minh Hải thu nhỏ, trong đó có khu rừng tràm U Minh, rừng đước Năm Căn, dừa Phú Tân, nhãn Bạc Liêu, dâu Cái Tàu, khu vui chơi giải trí và khu sưu tập động thực vật. Mục đích công trình này nhằm giúp người dân có chỗ tham quan, vui chơi giải trí, vì khi đó điều kiện sinh hoạt văn hoá tinh thần của Nhân dân còn hết sức hạn chế. Kỹ sư Lê Thị Liễu được giao đảm nhận chức vụ Phó giám đốc, sau là Giám đốc Lâm viên.
Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, cùng với sáng kiến dẫn dụ chim trời của Kỹ sư Lê Thị Liễu thành công, tạo lập được vườn chim trong lâm viên, nơi đây trở thành điểm nhấn không chỉ đông đảo người dân và thiếu nhi trong tỉnh tới tham quan, vui chơi mà còn thu hút người dân các tỉnh lân cận và du khách khi đến Cà Mau. Ðặc biệt, có rất nhiều lãnh đạo Trung ương xuống Cà Mau cũng ghé thăm lâm viên và hết sức trầm trồ, tán thưởng.
Là công trình dâng quà mừng sinh nhật Bác như thế cũng thật xứng tầm, nhưng ông Tư Liêm và bà Lê Thị Liễu (cũng là vợ ông) vẫn chưa thấy hài lòng. Tâm niệm của ông bà còn muốn làm được một việc ý nghĩa hơn, đó là phục dựng ngôi nhà sàn của Bác tại nơi này để người dân trực tiếp vào tham quan. Lòng dân Cà Mau yêu kính Bác thì đã rõ, ai cũng mong được một lần ra Hà Nội để thăm Lăng Bác, vào thăm nhà sàn Bác từng sống và đau đáu việc nước non. Nhưng liệu được bao nhiêu người có điều kiện để đi? Ðây là điều làm ông bà luôn ngẫm ngợi, trở trăn.
“Lần đó, chú Võ Văn Kiệt xuống, ghé thăm lâm viên và rất khen ngợi. Thấy vậy, tôi bày tỏ mong muốn với chú về việc làm nhà sàn Bác và làm đúng theo thiết kế, tỷ lệ, y như nguyên mẫu nhà sàn của Bác ở Hà Nội. Chú Kiệt nghe và hết sức ủng hộ. Vậy là xin chủ trương của tỉnh để thực hiện…”, bà Liễu kể lại trong xúc động, bồi hồi.
Ðể phục dựng y như nguyên mẫu cũng thật kỳ công. Bà Liễu vẫn nhớ như in: “Tôi hỏi thăm và đi ra tới Quân khu 5 gặp đội thi công nhà sàn Bác ngày trước, đặt vấn đề muốn làm nhà sàn giống như vậy. Họ nói bản quyền chú Sinh cầm, chú ấy về hưu ở trên miền núi Quảng Ngãi. Vậy là lại dày công đi tìm…”.
“Chú Sinh” bà Liễu kể chính là Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, một trí thức tài năng, thiết kế nhiều công trình dấu ấn, trong đó có nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội. Bấy giờ ông đã ở tuổi 83, sức khoẻ giảm sút, tuy vậy cảm động trước tấm lòng và niềm mong muốn của Kỹ sư Lê Thị Liễu, ông vẫn thu xếp để vào Cà Mau hỗ trợ xây dựng công trình ý nghĩa đặc biệt này.
Không chỉ mời đúng người, bản vẽ gốc, mà gỗ xây dựng bà cũng nhờ ông Ninh và đội thi công chọn lựa, mua giúp cho được loại gỗ tốt và vận chuyển từ miền Trung vào. Khi đó cũng gặp rất nhiều trở ngại, nhất là chi phí đội lên cao hơn dự toán, dẫu vậy bà vẫn cương quyết giữ nguyên ý định. Thấy được thực tâm của bà, cuối cùng mọi việc cũng được lãnh đạo tỉnh giải quyết.
Vậy rồi sau hơn 7 tháng thi công, ngôi nhà sàn của Bác đã hoàn thiện, được khánh thành trong niềm hân hoan vô hạn của mọi người. Hoà trong niềm vui chung đó, có những giọt nước mắt mừng vui, hạnh phúc vô song của vợ chồng Kỹ sư Phạm Hữu Liêm - Lê Thị Liễu. Ðó là vào năm 1995, dịp kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của Bác.
Nhà sàn Bác gồm 2 tầng, tầng trên có phòng ngủ và phòng làm việc. Tầng dưới bố trí bộ bàn dài cùng 11 chiếc ghế, là nơi Bác hội họp, tiếp khách. Những đồ vật Bác dùng hàng ngày hết sức đơn sơ, giản dị. Ðó là chiếc bình thuỷ đựng nước nóng và chai thuỷ tinh để đựng nước nguội. Là chiếc quạt giấy và 1 chiếc quạt làm bằng lá cọ được lấy ở ngoài vườn (nghe nói, Nhật Bản có tặng cây quạt máy, nhưng Bác không sử dụng tới). Ðó là chiếc máy đánh chữ hết sức cũ kỹ; chiếc đồng hồ báo giờ thông dụng; chiếc nón cối Bác thường đội; chiếc đài radio Bác thường nghe tin tức; tờ báo Nhân Dân, mấy quyển sách “Người tốt việc tốt”, sách xây dựng Ðảng trên bàn làm việc Bác đọc hàng ngày… Chiếc giường Bác ngủ được làm bằng gỗ, cũng hết sức đơn giản, bên trên trải bằng chiếu lác.
Nón cối Bác dùng khi đi cơ sở, chiếc radio Bác nghe tin tức hàng ngày. |
Chiếc bàn làm việc của Bác. |
Máy đánh chữ, phương tiện làm việc của Bác. Sinh thời Bác có thói quen hay tự đánh các văn bản của mình. |
Giường ngủ của Bác. |
Chị Trần Chúc Ly, thuyết minh viên nơi đây, thông tin, hầu hết vật dụng ở nhà sàn này (tuy chưa đầy đủ như nơi Bác ở) đều được Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội cung cấp. Họ đi sưu tầm rồi mang về chỉnh sửa, phục chế sao cho giống hệt nguyên mẫu. Việc bố trí các vật dụng cũng đúng y vị trí ngày trước Bác dùng. Ngay cả kệ sách, mặc dù lượng sách không đủ, nhưng các quyển sách vẫn được đánh số và nằm đúng vị trí như kệ sách thật nơi Bác ở. Trên kệ có rất nhiều sách tiếng nước ngoài như: Nga, Anh, Pháp…
Phía trước nhà sàn có hàng rào dâm bụt, hoa lài, hoa ngọc lan, mấy cây dừa… rồi ao cá. Tất cả đều được tái hiện đúng vị trí như khuôn viên nhà sàn Bác ở Hà Nội.
Năm 2013, lâm viên được xây dựng thêm nhiều hạng mục như Ðền thờ Bác, nhà trưng bày, nhà chiếu phim tư liệu về Bác và một số hạng mục khác, đồng thời đổi tên thành Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giờ đây, mỗi năm nơi này đón vài chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thắp hương bày tỏ lòng yêu kính Bác. Ðây cũng là nơi diễn ra các hoạt động dâng hương, báo công dâng Bác mỗi dịp lễ, Tết của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cà Mau. Là nơi các trường tổ chức ngoại khoá cho học sinh tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác; cũng là nơi thường diễn ra các hoạt động kết nạp đảng viên, đoàn viên, lễ ra quân, về nguồn... nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Là những người con miền Nam học tập trên đất Bắc, với ông bà Tư Liêm, công trình nhà sàn Bác Hồ ngoài lòng thành kính Bác, còn như sợi dây gắn kết nghĩa tình Nam - Bắc. Cũng từ công trình này đã làm nền móng, để giờ hình thành cả khu tưởng niệm Bác, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu hơn về cuộc đời, nhân cách của Bác, góp phần thiết thực cho việc học tập và làm theo gương Người. Vì vậy mà niềm vui và hạnh phúc trong lòng ông bà càng được nhân lên gấp bội. Có lẽ cũng vì vậy mà hôm thăm lại ngôi nhà sàn Bác Hồ, tôi thấy bà xúc động lặng người, trên gương mặt người phụ nữ ngấp nghé tuổi 80 này, có giọt lệ chảy ra làm ướt nhoè những vết chân chim nơi đuôi mắt./.
Trang Thăm