ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 21:41:23
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Có con chim khách

Báo Cà Mau Sáng nay bà Xiu được đánh thức sau giấc ngủ li bì, miên man từ ngày này sang ngày khác. Không phải bằng tiếng càu nhàu của hai cô con dâu tị nhau đút ăn, thay rửa cho mẹ chồng. Không phải tiếng quát tháo chửi bới của mấy ông con trai sáng ra đã nồng mùi rượu. Cũng không phải tiếng nhăn nhó dè bỉu của mấy đứa cháu mỗi lần đi qua phòng bà.

Sáng nay bà Xiu được đánh thức sau giấc ngủ li bì, miên man từ ngày này sang ngày khác. Không phải bằng tiếng càu nhàu của hai cô con dâu tị nhau đút ăn, thay rửa cho mẹ chồng. Không phải tiếng quát tháo chửi bới của mấy ông con trai sáng ra đã nồng mùi rượu. Cũng không phải tiếng nhăn nhó dè bỉu của mấy đứa cháu mỗi lần đi qua phòng bà. Mà đó là tiếng hót của một con chim lạ. Véo von. Thánh thót. Như khơi dậy bao nhiêu mùi hương. Như đánh động bao nhiêu cảm xúc. Làm bừng tỉnh từng dây thần kinh trong cơ thể tê liệt của bà Xiu.

Bà đã nằm một chỗ gần sáu năm trời, mỗi ngày đều thấy từng tế bào trong cơ thể chết dần mòn, bong tróc. Ðã nhiều lần bà Xiu ước gì mình không tỉnh dậy. Không có người mẹ nào muốn mình trở thành gánh nặng cho con cháu. Ðể mỗi ngày đều nghe thấy chúng tị nạnh và cắn đắng với nhau. Nhưng hôm nay, khi nghe tiếng chim hót ngoài vườn, bà đã ước gì mình được sống thật khoẻ mạnh. Có thể bước đi bằng đôi chân này để dò dẫm ra sau vườn xem chú chim gì đang hót…

Minh hoạ: Minh Tấn

Bà nằm đó tưởng tượng ra màu lông của chú chim. Hẳn phải là màu xanh da trời, hay màu trắng của những đám mây? Nên tiếng hót mới trong trẻo cao vút như chạm tới đỉnh trời. Cũng có thể nó mang màu nâu của đất đai đồng ruộng. Thứ màu sắc giản dị, ấm áp, gần gũi ấy đã dần biến mất ở nơi này kể từ khi xây dựng khu công nghiệp. Ðất ruộng bị chuyển đổi. Người dân đổ xô xin làm công nhân. Những người già sống nhờ chút tiền lãi ngân hàng gửi tiết kiệm sau khi được đền bù đất. Hương lúa chín chỉ còn lại trong ký ức của bà. Những thửa ruộng cuối cùng còn sót lại cũng bị bỏ hoang, nghe nói cỏ đã mọc um tùm. Chú chim này cũng có thể mang màu của khói. Những ống khói công nghiệp đang nhuộm cả bầu trời nơi này. Có thể chú chim nhỏ mới vừa nhoài người bay ra khỏi khói. Cả thân thể nó đang dần ngấm khói. Biết đâu cả tiếng hót rồi cũng sẽ khản đặc khói. Ôi chao…

Sau vụ tai nạn giao thông, bà Xiu bị chấn thương cột sống phải nằm liệt giường. Ðám con cháu cãi nhau ỏm tỏi chia chác vài chục triệu tiền đền bù rồi tống bà vào buồng kín. Căn buồng này vốn là cái kho để đồ, giờ được chia làm hai. Một bên là đống cày bừa, thúng mủng không dùng đến, còn một bên trở thành thế giới của người mẹ già cô độc. Lúc còn khoẻ mạnh kiếm đồng tiền thì con cháu đông vui. Lúc nằm một chỗ trở thành gánh nặng thì tiếng người cũng thưa thớt dần đi. Lâu dần bà chỉ còn nghe thấy tiếng chuột chạy lục đục phá phách xung quanh. Nhiều khi giường bà trở thành lối đi của chuột. Ðôi chân bà tê liệt không còn cảm giác gì. Một buổi sáng nào đó nghe đứa cháu nhòm qua lỗ gió thốt lên “Í ơi, chân bà bị chuột khoét rồi kìa”. Lúc ấy bà mới biết một phần thịt da mình đã mất.

Những ngày đầu bà hay hỏi các con xem trời nắng hay mưa? Ðang giữa trưa hay vừa chuyển sang chiều? Con mèo đợt này đẻ mấy con? Năm nay mấy dây bí có ra nhiều hoa cái? Con ơi hình như nhà mình có khách đến chơi? Mẹ nghe thấy tiếng chó cắn ầm ĩ từ ngoài cổng. Hình như đã đến mùa hồng chín. Ðêm qua mẹ nghe vài tiếng rụng. Con mèo già đi đâu không thấy nó kêu? Thằng Tùng, con Tí bận gì mà mấy hôm nay không thấy vào nói chuyện với bà? Ðáp lại những câu hỏi của bà đôi khi chỉ là sự bực dọc, cáu bẳn hoặc lặng im. Dần dà bà hỏi như một sự độc thoại để trò chuyện với chính mình, để căn phòng còn có tiếng người vang lên xua đi cái lạnh lẽo, u tối và hôi hám. Chỉ có bầy chuột đáp lại tiếng bà, những âm thanh ngoài kia đều trở nên xa lạ.

Ngày xưa ông nhà cứ bảo bà cố đẻ thật nhiều con trai để được nhờ. Bà bốn lần đau đẻ hạ sinh được ba trai, một gái. Lúc nhỏ chúng ốm đau quặt quẹo, mụn nhọn lở loét đầy người. Có những đêm vừa bế con trên tay bà vừa kề miệng hút nhọt cho con. Nhà không có một đồng, bà vay mượn khắp nơi lấy tiền chạy chữa cho con. Những ngày ôm con đứng lơ ngơ ở bến xe thèm một ổ bánh mì cũng không dám mua. Bao đêm trắng thèm vài phút chợp mắt cũng không dám ngủ.

Qua được đận bệnh tật lại đến khi đói kém. Những mùa hạn kéo dài khiến đồng ruộng cạn khô. Không một hạt mầm nào nảy nở thành mùa vụ. Vợ chồng bà phải đi làm thuê khắp nơi đổi lấy sắn ngô mong no ấm bụng con.

Những ngày tháng nghèo khổ ấy hoá ra còn hạnh phúc chán so với lúc đủ đầy. Anh em vui vẻ nhường nhau phần cơm, hớt về mình phần sắn. Mẹ con còn ôm ấp vỗ về nhau những ngày tàn đêm lạnh. Giờ chúng đã lớn khôn. Có vợ con đủ đầy, tự kiếm được miếng ăn thành ra thấy mẹ già chỉ thêm vướng bận. Bà biết thể nào cũng có lúc đám con cháu mong mình chết đi cho rảnh nợ. Hằng ngày nghe tiếng rít qua kẽ răng của mấy nàng dâu bà nhớ đến tiếng gió rét năm xưa rít qua những mảng tường đất thủng. Lạnh đến thấu tâm can.

Bà đoán tóc trên đầu mình đã bạc trắng từ lâu. Chúng ngứa ngáy râm ran chờ một bàn tay động vào xoa dịu. Chúng khiến bà nhớ tới đứa con gái duy nhất của mình. Nó ngoan ngoãn, thảo hiền nhưng lại lấy chồng xa, một năm đôi lần bắt tàu về thăm mẹ. Gói ghém manh áo mới, chút quà quê, lọ dầu gió, vài thang thuốc nam lặn lội lên tận miền núi mua về biếu mẹ. Bàn tay nó tuy gầy gò nhưng mềm mại lắm. Ðộng đến đâu trên cơ thể bà là dễ chịu tới đó. Nó thay rửa, giặt giũ cho mẹ. Nó kể chuyện chồng con đến là vui. Nó ngồi nhổ những sợi tóc ngứa trên đầu bà. Nó nói tóc mẹ vẫn còn đen và mượt lắm mà sao nghe giọng nó nghèn nghẹn trong cổ họng.

Một năm bà cũng chỉ được nhìn thấy thấp thoáng bầu trời, khu vườn và mảnh sân nhỏ mỗi khi con gái về thăm. Ấy là khi cửa sổ trong buồng được mở bung ra. Nắng, gió và âm thanh tươi rói của đời sống ngoài kia vọng vào. Bà cảm thấy trong người khoẻ hơn. Thèm được ngồi dậy đi lại, thèm gặp gỡ mọi người, thèm ăn một món ngon. Nhưng chỉ cần con gái bước chân ra khỏi cổng nhà là cửa sổ lập tức đóng chặt lại. Thế giới của bà đã bị cô con dâu cả cài then. Ðể mùi hôi hám không bay ra ngoài. Ðể khách khứa đến nhà không nhòm ngó chê bai. Ðể mỗi lần đi qua không phải rùng mình vì nghĩ đến mấy chỗ thịt thối rữa dưới lưng bà.

* * *

Những ngày sau đó sáng nào bà cũng được đánh thức bởi tiếng chim hót véo von đâu đó ngoài vườn. Như thể nó đến thăm bà, hót để bà nghe. Ý nghĩ ấy khiến bà thấy được an ủi phần nào. Ðã bao lâu nay bà không được nói chuyện với ai. Anh em họ hàng cũng chỉ Tết mới ghé thăm chốc lát. Những người hàng xóm tốt bụng còn bận cơm áo gạo tiền.

Cuộc sống chảy trôi mỗi ngày chỉ có bà là nằm một chỗ. Nên rồi ai cũng sẽ quên một bà già bệnh tật. Ðến cả mấy đứa cháu bà ẵm bồng từ lúc còn đỏ hỏn giờ cũng chê bà bẩn thỉu. Chúng vào đưa cơm cho bà phải lấy tay bịt mũi. Ðặt vội chén cơm rồi bỏ chạy thật nhanh. Nếu không có tiếng hót của chú chim kia thì vọng lại trong thế giới của bà chỉ toàn là âm thanh ký ức. Tiếng của những bữa cơm chiều thằng cả khen món cá mẹ kho ngon. Con dâu thứ nói thèm ăn món vịt om sấu. Mấy đứa nhỏ biếng ăn chỉ tài nũng nịu bà. Ðứa ôm vai, đứa bá cổ, đứa giằng tay này, đứa níu tay kia. Bà từng ngộp thở vì yêu thương như thế. Giờ chỉ còn lại tiếng chim. Bà như người thỉnh kinh vạn dặm xa xôi chân mỏi, bụng đói bỗng nghe thấy tiếng chuông chùa vọng lại. Chao ôi…

Bà Xiu nằm đó chập chờn ý nghĩ về chú chim bé nhỏ. Bà đã thôi thắc mắc màu lông của chú chim. Cũng thôi tự hỏi nó là giống chim gì? Bà gọi nó là con chim khách. Giống một người khách quý đến thăm nhà. Bà thường nhắm mắt chìm vào giấc ngủ giữa tiếng chim lảnh lót ngoài vườn. Bà không còn thấy tủi phận, cũng không trách cháu con. Bà thấy trong tiếng chim có tiếng của người chồng quá cố đang gọi tên bà. Bà cứ đi theo ông, mê man cho đến khi tiếng cửa buồng kèn kẹt kêu lên. Con dâu cả hôm nay đon đả khác hẳn thường ngày. Nó lau người, thay quần áo và bưng cho bà một chén cháo rõ thơm. Bà linh cảm có chuyện gì đó bất thường.

Một lát sau anh con cả bước vào. Cầm theo một tờ giấy chi chít chữ. Nó nói bà giờ đã già, không biết còn sống được bao lâu. Chuyện chia đất đai lo hương hoả cũng nên tính dần không muộn. “Ðể sau này vợ chồng con còn tiện bề thờ cúng bố mẹ cho phải đạo”. Ấy là chúng nói những lời tử tế thế thôi. Chứ bà thừa biết mấy đứa con trai gầm ghè tranh nhau cái nhà và mảnh vườn này. Bà còn sống ngày nào thì chúng còn chưa dám làm gì. Bà mà tắt thở chắc chúng lôi nhau ra cắn xé. Nghĩ đến đấy bà nghe thấy tiếng nước mắt mình rớt xuống manh chiếu rách.

Hôm nay bà bỗng nhiên cảm nhận được luồng gió đang thổi vào buồng. Cửa sổ được mở, gió len lỏi chạm nhẹ vỗ về da thịt bà. Gió dịu dàng như bàn tay cô con gái phương xa. Gió cùng tiếng chim đến gần hơn, trong trẻo hơn. Gió cũng đẩy tiếng bước chân bực dọc của con trai bà đi khuất. Những ngày sau ấy bà chờ mãi có ai đó đi vào để hỏi xem chú chim đó màu gì? Nó còn ở vườn hay đã bay đi? Nhưng bà cứ chờ. Chờ mãi. Chờ cho đến khi những lỗ gió đã chuyển màu đen kịt. Trong đầu bà vang lên câu hỏi của mấy đứa con trai “bà muốn để lại mảnh vườn đó cho ai?”. Cho ai ư? Nếu có thể bà muốn giữ mảnh vườn đó cho con chim nhỏ. Ðể đất lành chim đậu mỗi sớm mai...

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.