Nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời áp dụng cơ giới hoá vào khâu thu hoạch lúa vụ 2.
Toàn tỉnh hiện có 1.745 máy cày các loại được sử dụng để làm đất, trong đó máy cày lớn 130 máy, máy cày tréc, máy xới 1.615 máy, đã đáp ứng được khâu làm đất trên 90% diện tích đất canh tác lúa của từng vụ. Do đặc thù, ở hầu hết các địa phương, cánh đồng có quy mô nhỏ từ vài chục đến vài trăm héc-ta, nhiều cánh đồng vẫn còn bờ bao xung quanh, bờ vườn chia cắt nên khâu làm đất chủ yếu là sử dụng máy nhỏ để dễ vận hành.
Trong khâu chăm sóc lúa bao gồm làm cỏ, bón phân, phun thuốc... hiện chỉ mới áp dụng cơ giới trong phun thuốc. Qua khảo sát, hiện toàn tỉnh có khoảng trên 60% số hộ nông dân sử dụng bình bơm động cơ để phun thuốc trừ sâu bệnh trên ruộng, khoảng 5% số hộ nông dân sử dụng máy phun công suất lớn tự chế, trên 30% nông dân vẫn còn dùng bình phun tay. Các khâu còn lại như làm cỏ, bón phân, gieo sạ... vẫn còn làm thủ công.
![]() |
Nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời áp dụng cơ giới hoá vào khâu thu hoạch lúa vụ 2. |
Về khâu thu hoạch lúa, hiện nay toàn tỉnh có 110 máy gặt đập liên hợp (GÐLH) Kubota-DC 60 (huyện Trần Văn Thời 90 máy, U Minh 10 máy, Thới Bình 10 máy). Ngoài ra, hằng năm, máy GÐLH từ các tỉnh Bạc liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng... đưa vào khoảng trên 50 máy. Nhờ đó, đáp ứng được khâu thu hoạch trên 70% diện tích lúa vụ hè thu và vụ 2, giảm được thu hoạch lúa bằng thủ công.
Khâu phơi sấy hiện có khoảng 30 máy sấy. Trong đó có 27 máy sấy chạy lũ F2 công suất 2 tấn/mẻ và 3 máy sấy vĩ ngang công suất 150-200 tấn/mẻ của 2 doanh nghiệp và Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau. Hiện các máy sấy F2 đã hư hỏng không còn hoạt động. Như vậy, so với đầu tư máy GÐLH, đầu tư máy sấy lúa của nông dân không phát triển. Do phơi sấy nông hộ không đảm bảo, nhất là vụ hè thu, thiếu nhân công lao động nên nông dân trên 70% sản lượng lúa tươi bán cho thương lái.
Những khó khăn
Ðặc thù sản xuất ở Cà Mau là phụ thuộc nước trời, hệ thống thuỷ lợi chưa hoàn chỉnh nên chưa chủ động được khâu tưới tiêu, vì vậy hoạt động của máy GÐLH vẫn còn hạn chế ở một số vùng đất ngập sâu không tháo nước được. Những năm, lúa hè thu khi thu hoạch bị mưa dầm, chân ruộng ngập sâu, máy hoạt động hiệu suất thấp so với vụ 2 (đông xuân) nên giá thu hoạch tăng thêm 10-15%.
Mặt khác, diện tích canh tác trên nông hộ còn manh mún nhỏ lẻ, cánh đồng bị chia cắt bờ vườn nên việc đưa cơ giới máy cày lớn, máy GÐLH hoạt động vận hành, di chuyển cũng khó khăn. Ngoài ra, đối với các vùng sản xuất lúa mùa cấy (15.000 ha), lúa tôm (43.000 ha) do điều kiện đất ngập sâu, ruộng có mương bao xung quanh khó đưa vào vận hành máy GÐLH nên khâu thu hoạch bằng máy chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, giá thành máy GÐLH còn cao (máy của Nhật trên 600 triệu đồng), chậm thu hồi vốn nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư. Khâu bảo trì, sửa chữa máy cũng gặp khó khăn do trong tỉnh chỉ mới có 1 cơ sở sửa chữa, bảo trì các máy nông nghiệp.
Nhiều năm qua, tỉnh vẫn chưa hình thành được THT hoặc HTX dịch vụ nông nghiệp khép kín từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch, phơi sấy vận chuyển nên nông dân không có người thuê mướn, nhất là những năm thu hoạch lúa hè thu gặp thời tiết mưa dầm gây thất thoát có khi lên đến 10-15% sản lượng lúa. Ðối với doanh nghiệp kinh doanh máy nông nghiệp ngoài tỉnh, do địa bàn Cà Mau xa xôi, diện tích lúa ít nên họ chưa quan tâm thị trường Cà Mau, cơ hội tiếp cận cơ giới hoá của người dân cũng hạn chế và thiếu tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật.
Ngoài cây lúa, các cây trồng khác (cây rau) khâu cơ giới hoá cũng chưa được người dân quan tâm ứng dụng. Về cơ chế chính sách, mặc dù Chính phủ ban hành Quyết định 68/2013/QÐ-TTg về việc hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, nhưng do cơ chế chính sách còn ràng buộc, nông dân tiếp cận nguồn vốn này cũng hạn chế, đây cũng là nguyên nhân chưa đẩy mạnh được việc ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ở Cà Mau.
Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới vào sản xuất
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện một số giải pháp để từng bước cải thiện, nâng cao ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất cụ thể như: Quy hoạch sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn, đầu tư hệ thống thuỷ lợi khép kín tiểu vùng để chủ động trong khâu tháo nước tạo điều kiện cho việc ứng dụng cơ giới hoá, nhất là khâu thu hoạch lúa thuận lợi hơn. Có chính sách hỗ trợ đào tạo cho nông dân các nghề như lái máy cày, máy GÐLH, sửa chữa máy móc.
Tổ chức nhiều cuộc hội thảo trình diễn giới thiệu về máy móc như: máy cày, máy xới, máy ủi, máy sạ lúa, máy cấy, bón phân, máy phun thuốc, máy gặt đập trên cây lúa; các máy móc làm đất, gieo tỉa hạt, hệ thống tưới nước cho cây rau, đậu... tạo điều kiện cho nông dân được tham quan, tìm hiểu. Ðẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, chuyển đổi các giống lúa cứng cây ít đỗ ngã để tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hoá. Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay theo Quyết định 68/2013/QÐ-TTg để đầu tư mua máy móc thiết bị đưa vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận và giảm áp lực thiếu lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cần hỗ trợ liên kết nhóm người dân làm thuê để hình thành các tổ dịch vụ thực hiện công việc đồng áng (gieo sạ, cấy dặm, cấy lúa, gặt lúa bằng tay...). Ðặc biệt, các HTX, THT, CLB khuyến nông tuỳ điều kiện cần xây dựng mô hình dịch vụ nông nghiệp (dịch vụ làm đất, bơm nước, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, phơi sấy...)
Bài và ảnh: Nguyễn Trần