(CMO) Trong kháng chiến chống Mỹ, Cà Mau ngoài tư cách của một vùng căn cứ cách mạng anh hùng, còn là cái nôi sản sinh ra nhiều ngòi bút tài năng trên lĩnh vực văn học và báo chí. Những cái tên đã đi vào sử sách, đi vào lòng người như Nguyễn Mai, Nguyễn Bá, Nguyễn Thanh, Lê Chí…
Nhà văn Nguyễn Thanh (giữa) lúc sinh thời cùng đồng nghiệp. Ảnh: Huỳnh Lâm
Đất và người Cà Mau trong gian khó, trong bom đạn, trong những đêm trắng ngập màu tang tóc vẫn không thôi đẹp lung linh, vẫn ngời lên một vẻ bình dị mà anh hùng đến kiêu hãnh. Mảng ký viết về đề tài kháng chiến Cà Mau nằm trong dòng chảy ấy, nhưng có những điểm nhấn riêng: chân thực, đầy ắp cảm xúc và tác động sâu sắc đối với những người chưa biết về chiến tranh.
Trong số những ngòi bút Cà Mau, có Nhà văn Nguyễn Thanh. Nhà văn Lê Đình Trường, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cà Mau, đánh giá, Nhà văn Nguyễn Thanh là một trong những gương mặt rất quen thuộc của văn chương Nam Bộ và ĐBSCL. Ký là một bộ phận sáng tác gần như ít nhất trong gia tài ông để lại. Cả đời ông đi, suy ngẫm và viết. Ký chỉ là những khoảnh khắc ông cho ngòi bút mình “thư giãn”, tìm thấy những gì chân phương nhất, “đời” nhất để mở rộng lòng mình. Nhưng không vì thế mà những trang viết của ông lại thiếu chiều sâu. Ở đó, người ta vừa thấy một Nguyễn Thanh nhẹ nhàng, kín đáo, nhưng cũng đi đến tận cùng cảm xúc, sống chết cùng nhân vật và không kém tinh tế, tài hoa.
Mảng đề tài chiến tranh, một dấu ấn lớn trên trang viết của Nguyễn Thanh đi vào thể loại ký một cách tự nhiên và độc đáo. Ông viết về Đất Mũi, nơi một thời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng chân hoạt động trong những ngày miền Nam ngập trong bóng đêm bom đạn mà lòng vẫn mường tượng ra một ngôi nhà: “Nền nhà cũ ở nhằm cái chỗ đất lở nên thành ra biển sạch trơn rồi”. Trên nền nhà ấy, Nguyễn Thanh nghĩ về cảnh Tổng Bí thư Lê Duẩn bàn công việc với ông Hắc Hổ, ông Bông Văn Dĩa… Nhà văn Nguyễn Thanh thường có những liên tưởng bất ngờ và hợp lý.
Ngôn từ của ông không hoa mỹ; ngôn từ chỉ đủ và chính xác để lột tả bản chất sự việc, câu chuyện. Đọc ký của ông, người ta thấy minh triết, mạch lạc, không bị rối theo cảm xúc hay dư thừa về chi tiết.
Nguyễn Thanh ca ngợi những anh hùng trong kháng chiến, ca ngợi nhưng không thần thánh hoá. Ông vẫn viết về nhân vật của mình như một người đồng đội, đồng chí, như một người nông dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cà Mau. Người Cà Mau từ rừng đước, rừng tràm, từ bưng biền và từ những “dòng sông bùn”, vì hoàn cảnh chiến tranh đã phải từ bỏ tất cả để đi vào cuộc chiến.
“Người con gái Hưng Mỹ” viết về Anh hùng LLVTND Phạm Thị Bay, nữ Bí thư đã thề quyết tâm và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Giải phóng Cái Nước tự lực, tự cường.
Hay Ông già Bá Đỏ, cùng với vợ, con và cháu - ba thế hệ móc đất đắp con lộ nối ra “lộ đá Cái Nước”, cho “anh em” có điều kiện vượt tuyến lửa công tác.
Đỗ Phú Thứ một mình chiến đấu với giặc, trận chiến cách nhau chỉ một vách nhà lá, một đống rơm, vậy mà cả đám quân giặc hoảng hồn, bị triệt hạ bởi tinh thần và khí phách của một chiến sĩ cách mạng. Đỗ Phú Thứ ngã xuống, song qua ngòi bút của Nguyễn Thanh là bất tử.
Một mảng đề tài khác, thống thiết cảm xúc của Nhà văn Nguyễn Thanh là miêu tả về tội ác của giặc. Đó là “địa ngục trần gian” với cái tên mỹ miều: Hải Yến - Bình Hưng. Một bà mẹ đi cấy vần công, một tên cố vấn Đại uý Mỹ và bọn Tàu phù khát máu. Chúng đổ bực tức (vì bị quân ta đón đánh trong một trận càn) lên Xóm Đìa tội nghiệp. Chúng bắn người mẹ, đập đầu đứa con mới 4 tháng tuổi để trả thù(!). Mất mát được Nhà văn Nguyễn Thanh miêu tả đột ngột, vô lý và tột cùng đau đớn: “Đất trộn sữa, máu”. Đất này, Xóm Đìa ở một góc xa xôi của Cà Mau không sợ lũ ác ôn ăn thịt người.
Nguyễn Thanh miêu tả về cảnh ăn thịt người của bọn Tàu phù, cảnh một gia đình 10 người của ông Tám Sồi bị giặc thảm sát. Cảnh Út Sến bị trụng nước sôi, trồi đầu lên vỉ sắt rồi quẫy đạp và từ từ đứt hơi. Tất cả đều được ông dừng lại miêu tả một cách bình tĩnh nhưng ẩn sau đó là nỗi đau quặn thắt. Chiến tranh, trên quê hương này, những con người chỉ muốn một cuộc sống bình thường, vậy mà bao nhiêu điều khủng khiếp kéo tới.
Nhưng trên tất cả, Cà Mau vững vàng ở tuyến lửa. Một người phụ nữ cũng bẻ được trận càn xe bọc thép. Một anh du kích, một bờ đìa cũng đủ làm quân giặc điếng hồn. Qua ngòi bút của Nguyễn Thanh, từ đứa con nít, ông già, người phụ nữ… tất cả đều là những dũng sĩ trong cuộc chiến này. Mất mát, đau thương nhưng không hề run sợ và bi luỵ. Những trang ký nặng trĩu sự kiện, nặng trĩu chi tiết và thật tới mức người ta có thể cảm nhận, có thể hình dung.
Nguyễn Thanh có một độ lùi nhất định khi viết về chiến tranh. Ông không cổ suý cho hận thù, mà mang một tinh thần nhân văn, hoà giải, cởi mở. Hậu quả chiến tranh là gì, là những thân phận bị “hắt qua bên lề” cuộc sống: một người vợ của du kích lỡ lầm với người ở bên kia chiến tuyến; một đứa con bị di chứng chiến tranh đâm ra “khùng điên”; những đồng đất thở dài vì sau chiến tranh, hết chiến tranh mà hoá ra "chiến tranh với cái nghèo" vẫn lẩn khuất đâu đó bằng những trớ trêu, nghịch cảnh. Để rồi ông nghiệm ra, chiến tranh là điều không ai mong muốn. Trên mảnh đất này, chiến tranh sẽ là ký ức đau buồn và rất cần thời gian và nghị lực bền bỉ của con người để vượt qua.
Nhà văn Lê Đình Trường đúc kết, rằng vẻ đẹp trong văn của Nguyễn Thanh rất kín đáo. Riêng với thể loại ký ở mảng đề tài chiến tranh, người ta còn thấy ở Nguyễn Thanh một bút lực dồi dào ở khả năng nắm bắt khoảnh khắc, chi tiết và góc nhìn tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm. Ký của ông mạch lạc, đầy chi tiết đắt, giản dị nhưng vẫn trang trọng. Văn của ông có thể đi ra từ những “dòng sông bùn”, từ một xóm nhỏ vô danh xa xôi nào đó, nhưng cái đích cuối cùng là lấp lánh những giá trị nhân sinh.
(Nhân đọc “Người ra biển từ những dòng sông bùn”)
Quốc Rin