(CMO) Khoảng nửa tháng nay, dọc theo các tuyến lộ nông thôn, người dân tất bật thu hoạch năn tượng, đem phơi khô. Loại cỏ hoang dại này hiện nay có thể mang về khoản thu nhập kha khá cho bà con.
Cỏ năn tượng mọc tự nhiên hoặc được người dân trồng để tạo môi trường và thức ăn trong nuôi tôm, xuất hiện nhiều ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... Loại cây này phát triển rất nhanh và sống khoẻ quanh năm mà không cần bất kỳ loại phân bón nào. Trước đây, có khi năn tượng phát triển quá nhiều, người dân phải cắt bỏ. Tuy nhiên, hiện nay năn tượng mang về khoản thu nhập kha khá nên ai cũng phấn khởi thu hoạch, phơi khô.
Trên những cánh đồng, vuông tôm mọc nhiều năn tượng, người dân tranh thủ thu hoạch từ sáng sớm để phơi cho kịp nắng. |
Ông Trần Việt (Ấp 2, xã Khánh An, huyện U Minh) phấn khởi: “Ði cắt năn tượng cũng cực lắm, nhưng được cái là nhiều bà con cho không, mình cắt năn coi như người ta đỡ tốn tiền thuê nhân công cắt bỏ, còn mình thì có năn tượng đem về phơi, cộng với năn tượng trong vuông của mình nữa. Nếu 1 công năn tượng cắt lên được 10 tấn năn tượng tươi, đem phơi khô có thể được hơn 1 tấn, bán 5-6 triệu đồng. Ðây là khoản thu nhập rất khá cho nông dân chúng tôi”.
Người mang tiềm năng về loài cỏ dại này thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ là anh Nguyễn Trường Giang (xã Trí Phải, huyện Thới Bình). Anh Giang đã mạnh dạn làm đầu mối khai thác và thu mua năn tượng của bà con nông dân khắp các nơi trong tỉnh Cà Mau, giao cho công ty gia công sản phẩm. Giá thu mua năn tượng tươi từ 600-700 đồng/kg, giá năn tượng khô từ 6.000-7.000 đồng/kg. Trung bình từ 7-8 kg năn tươi sau khi phơi sẽ thu được 1 kg năn khô. Sợi năn tượng đạt yêu cầu là phải to, khô ráo, dài từ 1-1,2 m.
Năn tượng sau khi thu hoạch sẽ được đem phơi cho khô ráo. |
Trung bình 7-8 kg năn tượng tươi sau khi phơi sẽ thu được 1 kg năn tượng khô. |
Anh Giang cho biết: “Cỏ năn tượng không còn xa lạ với bà con nuôi tôm ở Cà Mau. Nhận thấy tiềm năng từ loại cây cỏ này và Cà Mau là vùng nguyên liệu năn tượng rất lớn nên tôi đã liên kết với công ty chuyên làm những sản phẩm đan đát mỹ nghệ, để thu mua năn tượng của bà con, rồi giao nguyên liệu cho công ty. Năn tượng có ưu điểm dai, chắc, sợi nhỏ nên có thể đan những sản phẩm như túi xách, nón thời trang và sản phẩm trang trí, được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng. Trong tháng này chúng tôi thu mua được khoảng 50 tấn để cung cấp về công ty. Với mong muốn góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho bà con tại quê hương mình, tôi đã đề xuất công ty đến Cà Mau mở lớp dạy nghề đan đát ngay tại vùng nguyên liệu ở địa phương”.
Ðể thuận tiện cho việc thu gom nguồn nguyên liệu, anh Giang liên kết với người dân mở đại lý thu mua ở mỗi khu vực có nguồn năn tượng dồi dào. Hiện nay, không chỉ huyện Thới Bình, U Minh mà anh Giang còn mở rộng ra các huyện như: Cái Nước, Phú Tân để khai thác nguồn nguyên liệu thiên nhiên này. Từ đó đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân.
Là một đại lý thu mua năn tượng (ấp Nhà Máy B, xã Tân Phú, huyện Thới Bình), anh Phạm Văn Ghép hy vọng: “Tại đây có nguồn nguyên liệu rất lớn. Nếu được phía công ty và chính quyền địa phương hỗ trợ đào tạo nghề đan đát sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ năn tượng cho bà con nơi đây thì sẽ giảm chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm phải chăng, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt có triển vọng xuất khẩu. Và tôi nghĩ đây cũng là tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm trong tương lai ở Cà Mau”.
Cà Mau nổi tiếng với nghề đan đát từ lục bình, tre, trúc. Nay với nguồn nguyên liệu dồi dào từ cỏ năn tượng, loài cỏ dại cứ ngỡ bị bỏ đi, lại có thể trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bền, đẹp, không chỉ thiết thực với cuộc sống, thân thiện môi trường, mà còn góp phần mang lại hy vọng về cuộc sống ấm no hơn cho bà con nông dân nơi cực Nam Tổ quốc./.
Thảo Mơ - Nhật Minh