(CMO) Thấy trời dần le lói ánh nắng, vợ chồng ông Tư Tài (Nguyễn Tấn Tài, ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời) mừng như mở cờ trong bụng. Chẳng kịp lùa miếng cơm nguội nào, ông Tư Tài bảo vợ mau mau chống xuồng ra đào đất đắp tiếp mấy liếp rẫy, kẻo ông trời lại mưa bất chợt.
4 năm chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang màu, vườn, cá kết hợp, ông Tư Tài đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được “quả ngọt”. Nhờ mạnh dạn thay đổi mô hình sản xuất mà đời sống của gia đình, với nhiều thế hệ trong một nhà như ông không còn chạy cảnh lo gạo từng bữa. Trải qua mười mấy vụ trồng màu, ông Tư Tài nghiệm ra rằng “1 công rẫy bằng 7 công ruộng” là có thật. Hơn cây lúa thì có hơn đó, bởi nếu trời thương, giá cả được chăng thì 1 vụ màu với 10 công đất này cho huê lợi 50-70 triệu đồng là chuyện bình thường. Ngặt nỗi, cũng như bao nghề nông khác, nghề rẫy cũng phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết.
Nông dân tát nước để cứu lúa. |
Như đợt hạn hán gay gắt chưa từng có cuối năm rồi kéo dài đến năm nay, liếp rẫy héo mòn, chết dần, rồi cơn bão số 1 đầu năm cũng làm cho bao nhiêu bờ dưa leo, khổ qua đang say trái tàn lụi, thu nhập mấy tháng ròng chỉ được vỏn vẹn chục triệu đồng, lỗ cả vốn. Và cũng không đâu xa, cơn mưa dầm 3 ngày 3 đêm mới đây cũng đã làm mấy bờ khổ qua, dưa leo đang tươi tốt đứng trước nguy cơ tàn sớm.
Ông Tư Tài buồn bã cho biết: “Nước ngập cả rễ luôn. Thấy vậy, vợ chồng tôi dầm mưa đào đất đắp vào mấy gốc, đỡ cây đứng lên. Cũng mướn bà con làm tiếp mà mưa quá, người ta chịu không nổi, vậy là hai vợ chồng tự làm. Mong là nếu hư rễ cái cũng còn rễ con. Nếu trời nắng lại, nước rút, xịt thuốc dưỡng cứu được phần nào. Nhưng chắc chắn sẽ giảm về năng suất, còn nếu ông trời mà tuôn mưa xối xả như hổm rày nữa thì coi như xong luôn”.
Tranh thủ trời nắng, vợ chồng ông Nguyễn Tấn Tài (ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời) đắp lại gốc dưa leo. |
Những cơn mưa lớn kéo dài kèm theo dông lốc trong những ngày qua không chỉ gây thiệt hại hơn 35 ha hoa màu tại xã Khánh Lộc và Khánh Bình mà còn ảnh hưởng đến việc nuôi cá bổi của một số nông dân, đặc biệt là đối với diện tích lúa hè thu đang chín rộ và bước vào thu hoạch rải đều tại các địa phương vùng ngọt. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, mưa lớn kéo dài đã làm cho hơn 797 ha lúa hè thu bị ngập, đổ ngã, thiệt hại không nhỏ đến năng suất vụ mùa.
Vốn là địa phương thường gặp tình trạng nước dâng mỗi khi vào mùa mưa hay vào vụ lúa, vậy nên, trước khi bắt tay vào nuôi cá bổi, anh Nguyễn Văn Hiển (Ấp 4, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) đã chủ động đắp cao bờ bao. Vậy mà vẫn không tránh khỏi việc nước tràn bờ trong những cơn mưa lớn.
Anh Hiển cho biết: “Nước ao cá dâng cao, tràn qua bờ luôn. Thấy vậy, tôi tức tốc dầm mưa chạy đi mua lưới mành rồi chặt cây, rào lại 2 ao nuôi ở chỗ nào bờ thấp, bị tràn, để trời có mưa nữa thì cá cũng không hao hụt”.
Còn đối với anh Đoàn Văn Hưng, cùng ấp, vụ lúa hè thu năm nay coi như buồn nhiều hơn vui. Từ đầu vụ tới khi lúa chín rộ, cái gì cũng thuận: cây lúa phát triển tốt, giống, phân, thuốc ít hơn mọi năm, anh Hưng mừng thầm trong lòng, hy vọng vụ này thu được kha khá. Tát nước cạn ruộng, chuẩn bị kêu máy gặt thì mưa dầm dề ngày này qua ngày khác, rồi theo cơn mưa, gió, lúa đổ ngã, nhiều nơi còn ngã hẳn trong nước, bắt đầu lên mộng.
Anh Hưng cho biết: “60% lúa bị sập, chỗ nào máy gặt được thì gặt, còn sập quá thì bỏ luôn, chớ mướn cắt tay tốn tiền còn nhiều hơn. Vụ này coi như thất rồi. 2 ngày nay nắng đỡ nên chút nữa có máy đến gặt”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Phúc Huy (Ấp 4, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) cho biết thêm: “Để hỗ trợ bà con nhanh chóng thu hoạch lúa, hợp tác xã huy động toàn bộ máy gặt, tranh thủ thu hoạch sớm để bà con đỡ thiệt hại”.
Hiện nay, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương vận động các chủ máy gặt kịp thời thu hoạch lúa cho bà con nông dân, hy vọng còn chút niềm vui./.
Ngọc Minh