ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-6-25 04:56:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Con Trúm

Báo Cà Mau (CMO) Đối với giống nòi nó, gen di truyền đời này qua đời khác là “sự trung thành và lòng biết ơn với chủ". 

Huống chi nó được sống trên đời này là do chủ của nó cứu mạng. Nó là giống chó săn thượng hạng, nên khi mẹ đẻ ra, người chủ thợ săn chỉ lựa chọn một vài con để lưu truyền nòi giống, bổ sung những “chiến binh” dũng mãnh cho bầy đàn. Nó và ba anh chị em khác không nằm trong số có hơi mũi giỏi, có hàm cắn hay, nên bị người chủ ban đêm đem tuốt ra sau vườn quăng xuống ao sâu với lời ban ơn: “Tụi bây đi đầu thai kiếp khác”.

Hai đứa em và anh nó kêu la thảm thiết, cố vùng vẫy trong nước rồi chìm dần xuống đáy ao. Còn nó không hiểu tại sao lại nhô được lên chỗ cạn, cặp mép bờ có chút đất nhô ra vừa đủ để nó tựa đầu lên thoi thóp thở. Nó nằm đó với những tiếng rên yếu ớt cho đến lúc hừng đông. 

Ông Hai đi giở trúm đặt lươn thấy nó còn sống, ông cởi áo ra lau khô cho nó và úm nó đem về… Ngày ba bữa ông khuấy sữa vô bình cho nó bú. Mười sáu ngày sau, nó mở mắt chào đời, được đặt tên là con Trúm vì ông Hai nói đi giở trúm mới gặp được nó. 
Con Trúm càng lớn càng khôn ngoan, ông Hai dạy gì nó cũng làm được. Bảo đưa hai tay ra bắt, bảo nằm, bảo bò, bảo lết và quăng gáo dừa ra xa kêu nó chạy ra tha vào, nó đều làm theo. Muốn ăn con gà nào trong bầy chỉ con gà cho nó, nó rượt bắt đúng con gà đó tha vô.

Ông Hai coi nó như con cháu trong nhà.

Đêm đêm, khi thắp nhang cho vợ trên bàn thờ xong, ông nằm đưa võng phì phà điếu thuốc ngẫm nghĩ chuyện đời… Con Trúm bao giờ cũng nằm dưới chân ông, nó cạp tay, cạp chân và lúc hăng lên nó nhảy lên ngực liếm cổ, liếm mặt ông. Một năm sau nó trổ mã thành “đàn ông”, lông đen mướt rượt, một xoáy quặn trên cổ, một xoáy trên sống lưng như xoáy ngựa làm tướng nó oai phong đến lạ thường. Mấy cô chó cái tới mùa động đực… đều muốn ve vãn nó.

Minh hoạ: Khởi Huỳnh 

Tháng hạn, khi nước ao hồ rút khô, ông Hai thường dẫn nó ra bờ giồng bắt chuột, bắt rùa. Con Trúm đánh hơi giỏi lắm. Nó biết chỗ nào có rùa, có rắn. Loại rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, tháng mưa ăn ốc đắng, ăn củ năn và mấy con bọ điên điển cánh đen, chuyên làm ổ dưới giề rễ của mấy bụi bông súng mọc sâu dưới sình. Mùa khô, rùa vùi mình vô gốc chuối, cỏ ủ. Chỗ nào có hơi rùa, con Trúm vừa sủa, vừa bươi đất lia lịa rồi thọc mõm lôi rùa ra. Nhưng nếu gặp hang rắn hổ thì nó sủa nghe tiếng khác, tiếng giật mồi của loài chó săn như tiếng kèn xung trận, nó giật “quấu quấu quấu quấu” liên hồi. 

Nghe tiếng giật mồi của nó, ông Hai biết có rắn lớn trong hang. Ông lấy dao phát cỏ xung quanh hang cho trống rồi lấy chĩa đâm xuống hang để tìm rắn. Chĩa đâm trúng, rắn gồng lên dội tay, ông phải ghìm tay lại, lấy sức đâm mạnh xuống. Khi nghe tiếng rắn “khù khù” như vịt xiêm thì lấy leng đào đất từ từ bắt rắn...

Vào rừng chồi đi săn phải đi từ hừng đông, lúc sương chưa tan mới săn được kỳ đà, chồn mướp, chồn hôi hay chồn đèn.

Tháng hạn, rừng tràm khô nước, mấy chỗ trảng trống và mấy con lung, mặt đất khô rang. Nhưng chỗ mấy ổ bọng dưới gốc tràm chết khô, sình bùn chưa quến đặc, cá lóc, cá trê, cá rô quậy thành rọ bùng bình bên dưới. Chúng chen chúc sống với nhau để chờ mưa xuống. Lũ chồn và kỳ đà, rắn ri cá, ri tượng thường đến đó để kiếm ăn…

Tính từ ngày ông Hai lượm con Trúm về nuôi là chín năm sáu tháng, ông có cuốn sổ ghi thành tích săn mồi của con Trúm:

Tổng cộng nó bắt được:

- Ba trăm năm chục con chuột
- Mười hai con chồn mướp
- Mười bốn con chồn hôi
- Bốn con chồn đèn
- Mười bảy con kỳ đà
- Hai mươi mốt con rùa vàng
- Mười chín con rùa quạ
- Hai mươi lăm con rùa nắp
- Năm mươi chín con rắn hổ.

Chín năm sáu tháng, ông chưa từng đánh nó một roi. 

Nó lúc nào cũng hủ hỉ bên ông. Nó thích ông bắt ve, bắt bọ chét cho nó và thích bàn tay của ông vỗ vỗ trên đầu nó. Nó hiểu từng cử chỉ và lời nói của ông. Đi đâu khỏi nhà ông chỉ cần dặn.

- Giữ nhà nghe con!

Có lần đi đám giỗ xa nhà, ông nhậu say đến sáng mới về, con Trúm giữ nhà không mất một thứ gì. Bởi vậy ông quý nó hơn vàng, hơn bạc…

***

Căn bệnh tai biến mạch máu não quái ác làm ông Hai suýt chết, may nhờ làng xóm chở ông đi cấp cứu kịp thời và nhờ thằng con trai làm ăn khá giả ở thành phố. Thuốc men mắc mỏ cỡ nào anh Hải, con ông cũng mua nên ông Hai chỉ lé một bên mắt và liệt một bên vai. Vợ chồng Hải không cho ông về quê nữa, tụi nó cằn nhằn: 

- Vợ chồng con năn nỉ tía ra ở đây cả ngàn lần rồi mà tía cứ khăng khăng bám ruộng, bám rừng. Muốn mướn người ở chăm sóc cho tía, tía cũng không cho… Đây sắp tới mà tía đòi về trỏng nữa là tụi con tự tử chết trước mặt tía cho tía vừa lòng…

Ông Hai nói run run:

- Còn nhà cửa, ruộng rừng thì sao!?

- Chừng nào tía hết bệnh trăm phần trăm thì mới tính. Nhà cửa, ruộng rừng con mướn cô Bảy trông coi rồi!

Ông thương dâu con hiếu thảo nên ở lại nhưng nhớ ruộng, nhớ rừng, nhớ con Trúm, ông thở dài nói nhẹ hều:

- Tía thương con Trúm… Hay là con cho nó ra đây!?

- Để con đặt làm chuồng cho nó trên tầng thượng rồi chở nó ra đây cho tía.

Ông Hai cười và vuốt vuốt tay Hải như biết ơn:

- Tía vui…

***

Chỗ ở của con Trúm đặt cạnh chuồng của hai con Chihuahua, loài chó nhập từ nước ngoài đắt tiền của giới nhà giàu. Chuồng của con Trúm được làm bằng sắt tròn sơn đen, mỗi bề hai mét, có cửa ra vào màu vàng, mái chuồng lợp bằng nhựa tái sinh giả ngói, vừa đẹp, vừa mát mẻ. Hải là kiến trúc sư nên có con mắt thẩm mỹ, làm hai chuồng chó giống như hai ngôi biệt thự thu nhỏ. Khách khứa, bạn bè đến chơi đều trầm trồ khen đẹp.

Mỗi tuần người giúp việc tắm cho con Trúm một lần bằng dầu gội ve thơm mùi bạc hà, nó dị ứng mùi bạc hà nên khịt khọt mũi liên tục. Nó thích nhất là về đêm, từ trên lầu thượng nhìn xuống thành phố rực rỡ ánh đèn với muôn màu sắc. Sáng, chiều nó được người giúp việc dắt xuống đường để đi vệ sinh, mỗi lần đi ngang qua chỗ ông Hai nằm nó đều dừng lại liếm bàn tay yếu ớt của ông. Lần nào ông Hai cũng nghiêng mình qua nhìn và vỗ vỗ trên đầu nó…

Ngôi biệt thự của anh Hải nằm trong khu dự án mới nên nhà cửa còn thưa thớt. Cạnh ngôi biệt thự còn nhiều nền đất chưa xây dựng, cỏ và rác um tùm. Có lần đang đứng đái, nó thấy con chuột cống đang ăn cỏ ống cạnh rào, nó giật dây xích khỏi tay người giúp việc và lao tới chụp liền. Nó ngoạm con chuột cống và phóng về nhà định khoe với Hải, nhưng bị một cú đá bê vô vách mà chưa hiểu vì sao mình bị đá!? Hải lấy cây chổi lông gà nhịp nhịp trên mình nó nói bằng giọng tức giận:

- Con chuột cống lở loét thấy ghê, mày mà tha vô nữa là tao đập chết mày nghe!

Nó nằm im re, không dám nhúc nhích vì sợ bị đòn thêm. 

Hải thương hai con Chihuahua lắm, vì nó biết “bông-dua” và chổng hai chân trước, đưa đít lên trời đi mấy vòng như xiếc mà không ngã. Bạn bè Hải lại nhà xem nó biểu diễn, ai cũng vỗ tay tán thưởng. Mỗi lần nghe Hải khoe với bạn bè là hai con chó nhập từ Mexico đó đắt tiền lắm thì nó thấy tủi thân và thầm nghĩ: Hai con chó nhỏ như chó mới đẻ, gặp con cóc còn thụt lùi, sủa xanh mặt. Bắt tay, bắt chân, múa may thì có hay ho gì? 

Nó dư sức làm mấy trò đó, nhưng ông Hai và tổ tiên nó đã dặn: “Làm chó phải biết giữ nhà, biết vào rừng săn thú và ra đồng bắt chuột…”. Trong bốn bức tường bằng song sắt, ngày hai bữa đầy đủ thức ăn, không phải lo giữ nhà, không bắt chuột, vợ chồng hai con Chihuahua có vẻ mãn nguyện và yên tâm tận hưởng những ngày hạnh phúc bên nhau. 

Nhưng con Trúm thì buồn, nỗi buồn như những áng mây trôi dạt trên trời cao. Nó nhớ mấy “cô bồ” trong ruộng, nhớ mấy thằng bạn vện, bạn phèn và những chiều đi bắt rùa, bắt chuột. Nó nhớ mảnh rừng chồi phía sau mé ruộng với đủ thứ dây leo, nào ô rô, cóc kèn, bòng bong, dớn, choại và những cụm tơ hồng bên chùm dây giác trái tím, trái xanh. Nó nhớ tiếng gù của con cu đất, cu xanh; tiếng véo von của lũ chim bạc má vây quanh bụi chà là gai để ăn những quầy trái chín đỏ mọng như son…

Ôi!... Hình như có cơn gió nào đó trong ruộng, trong rừng thổi qua, mang theo mùi mật ong ngọt lịm, mùi bông tràm thơm hắt và cả mùi khói đốt đồng lẫn mùi con ốc khét trên bờ giồng. Nó ngủ thiếp đi, trong giấc mơ nó thấy cùng ông Hai đang lội trên mấy bờ giồng bắt chuột… Nó tỉnh dậy và gai ốc nổi lên, lòng nó xốn xang ray rứt, gan ruột bỗng nóng lên như lửa cháy rừng. Nó nhận biết có điều gì sắp xảy ra. Bỗng ở dưới nhà có tiếng khóc, tiếng la!

- Trời ơi! Tía mất, tía chết rồi!...

Nó nằm nép mình bên góc cửa trước quan tài ông Hai, đuổi xô gì nó cũng không đi. Bốn ngày không ăn uống, nó vẫn nằm đó, mặc cho tiếng trống, tiếng kèn, tiếng mỏ, tiếng kinh; mặc cho tiếng khóc than thương tiếc, nó vẫn nằm đưa mắt nhìn lên tấm hình đặt trước quan tài của ông Hai. Nó thấy ông Hai nhìn lại nó và đưa tay vỗ vỗ lên đầu nó…

Khi xe tang đưa linh cữu ông Hai về quê, con Trúm đi theo. Đoàn xe chạy chậm chậm qua vài con đường của thành phố để linh hồn ông Hai nhìn lần cuối cùng, con Trúm cũng đi chầm chậm theo xe. Nhưng khi ra tới đường cái, xe chạy nhanh, con Trúm tăng tốc sải như ngựa chạy theo. Vợ anh Hải chỉ con Trúm gọi chồng trong nước mắt:

- Anh ơi! Con Trúm! Con Trúm!!!

Hải vừa khóc, vừa kêu dừng xe. Con Trúm nhảy lên ngồi kế bên vợ chồng Hải… Ngày mở cửa mả cho ông Hai xong, Hải và gia đình về thành phố, kiếm con Trúm hoài mà không thấy nó đâu nên đành dặn cô Bảy:

- Thấy nó về giùm cho nó ăn, bảy, tám ngày nay nó chưa ăn uống gì nghe cô Bảy.

Vài ngày sau, vào một đêm trăng sáng, người ta nghe nhiều tiếng chó tru, tiếng tru như tiếng khóc than bay vút lên trời… Con Trúm chết bên ngôi mồ của chủ nó…/.

Truyện ngắn của Văn Định 

Tám Nhanh làm giàu

(CMO) Thực ra gọi ông là Tám Nhanh là theo thứ bên vợ, bà Tám Nhã (Trần Thị Nhã). Ông Tám Nhanh sinh năm 1963, là con duy nhất của Liệt sĩ Võ Văn Năm. Cha ông hy sinh khi bà Nguyễn Thị Dẽ đang mang thai ông.

Nét chấm phá từ bức tranh giảm nghèo

(CMO) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,76%, vượt kế hoạch đề ra, tương đương với 687 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đời sống của người dân đang từng ngày khởi sắc, bức tranh kinh tế - xã hội huyện nhà có nhiều thay đổi. Năm nay, bà con huyện Ngọc Hiển đón cái Tết ấm no, sung túc hơn.

50 năm - vọng mãi bản anh hùng ca

(CMO) Tết này nữa là tròn 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong khí thế hừng hực của cách mạng miền nam, ngày ấy quân và dân Cà Mau đã thấy hoà bình, thống nhất đang đến thật gần.

Năm mới thắng lợi mới

(CMO) Năm 2017, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là nỗ lực lớn, là tiền đề quan trọng để Cà Mau thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ của năm bản lề 2018.

Vững tâm bước vào năm mới

(CMO) Là tỉnh cách xa trung tâm chính trị, kinh tế của vùng và cả nước, điều kiện đi lại hết sức khó khăn; là "đứa con út chót" ở nơi cuối cùng Tổ quốc giữ gìn biên cương lãnh thổ nên Cà Mau được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.

Cho ngày xuân bình yên

(CMO) Không khí xuân đã tràn ngập trên các nẻo đường, người người, nhà nhà nô nức xuống phố hoà vào lễ hội của mùa xuân. Hoà trong dòng người ngược xuôi, tấp nập là hình ảnh các lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. họ luôn căng mình, túc trực 24/24, giữ bình yên cho ngày xuân.

Trao nông dân cơ hội làm giàu

(CMO) Năm 2017, huyện Thới Bình mạnh dạn tổ chức và liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều nông dân quan tâm áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Chó "độc nhãn"

(CMO) Quê tôi, mùng Ba Tết là ngày mặc định ai có con "gửi" thầy cúng đều mang nhang, đèn, gà thả vườn đến vái lạy, thay tom. Nhà tôi hơn mười năm trở lại đây cũng được cái vinh hạnh gần giống vậy. Người nhờ vả, người đồn đại theo hướng tôn vinh nhưng sau trước gì cũng vẹn tình, quà cáp hoặc phong thư... Có điều, họ không "thần tượng" tôi mà là con chó “độc nhãn”.

Trên dòng kinh Tám Khệnh

(CMO) Dòng kinh Tám Khệnh hôm nay trong tiết trời se se lạnh bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường. Những chiếc ghe chở cá tươi nối đuôi nhau cập bến. Không cần đợi lệnh phân công của ông chủ, lần lượt nhóm thanh niên khuân vác cá lên bờ, còn nhân công làm thuê thì bắt tay vào công việc thường nhật: phân loại cá, làm cá, phơi cá. Tiếng trò chuyện, tiếng nói cười huyên náo cả một khúc sông.

Động lực giảm nghèo

(CMO) Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo là việc làm không mới đối với huyện Phú Tân và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm. Song, cái mới ở đây là sự phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ đó, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo phấn đấu tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.