(CMO) Chuyển đổi số (CÐS) đã trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, CÐS được đề cập như một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) của Ðại hội Ðảng lần thứ XIII. Chiến lược CÐS quốc gia xác định ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên CÐS trước. Ðiều này thể hiện sự tin tưởng và cũng là trọng trách lớn lao mà Ðảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành ngân hàng.
Bài 1: Thay đổi chiến lược - Chủ động đổi mới
Ngày nay, với nguồn thông tin đa chiều, các ngân hàng chạy đua CÐS đang trở thành xu thế tất yếu. Khi đó, khách hàng có xu hướng lựa chọn giao dịch với các ngân hàng uy tín và có giá trị thương hiệu cao để đảm bảo an toàn cho tài sản số của mình. Ðể đáp ứng nhu cầu khách hàng, các ngân hàng chủ động thay đổi diện mạo từ việc mở rộng toàn bộ mô hình kinh doanh, đưa ra các sản phẩm công nghệ số chiến lược, vừa tạo thuận lợi, đảm bảo an toàn khi giao dịch cho khách hàng.
Ông Võ Kiên Giang, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Cà Mau, cho biết, để thu hút khách hàng trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng phải thay đổi chiến lược, chủ động đổi mới. Trong đó, việc phát triển ngân hàng số phải đáp ứng được nhiều yếu tố, từ đẩy mạnh hệ sinh thái khi tăng cường hợp tác giữa các bên, đến việc triển khai ngân hàng số để giúp khách hàng tiếp cận được nhiều hơn thông qua một kênh duy nhất, đặc biệt là trụ cột về công nghệ. Công nghệ mới sẽ hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo đột phá, đáp ứng nhu cầu ngày một cao và phức tạp của khách hàng.
Bùng nổ sản phẩm số
Ghi nhận từ thực tế, những ngân hàng nào có hạ tầng số tốt, kênh giao dịch trực tuyến được đẩy mạnh đi cùng với công nghệ hiện đại, tiện ích vượt trội phục vụ cho nhu cầu thanh toán thiết yếu chắc chắn sẽ thu hút khách hàng.
Từ thời điểm dịch Covid-19 đến nay, có nhiều sản phẩm đột phá vay tín chấp Online cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Ðây là bước phát triển mới của các ngân hàng thương mại, chỉ với một chiếc máy tính có kết nối Internet, chủ doanh nghiệp có thể dễ dàng mở tài khoản ngân hàng, vay thấu chi hay thậm chí là giải ngân khoản vay 100% Online mà không phải tới tận quầy giao dịch, qua đó tiết kiệm tối đa thời gian để tập trung cho sản xuất, phục hồi kinh doanh.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mang đến khách hàng trải nghiệm số hoá khi đối tượng khách hàng doanh nghiệp chỉ cần thực hiện các bước (tải hồ sơ, xác thực danh tính, ký chữ ký số theo chỉ dẫn là đã sở hữu liền một tài khoản và có thể giao dịch ngay với tổng hạn mức lên đến 900 triệu đồng/ngày); thao tác đăng ký và kê khai 100% Online để vay vốn. Hồ sơ sẽ được thẩm định và cấp hạn mức thấu chi cho các doanh nghiệp đạt yêu cầu, quá trình này theo VPBank chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ.
Ông Lê Quán Thượng, Giám đốc VPBank chi nhánh Cà Mau, thông tin: “Năm 2023, VPBank tiếp tục chú trọng gia tăng đầu tư và áp dụng công nghệ, tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi, kể cả dịp lễ… tạo những bước tiến mới trong CÐS. Ngân hàng liên tục nâng cấp các tính năng thế hệ mới sẽ mang lại trải nghiệm đồng nhất hoàn toàn mới cho khách hàng”.
Giao dịch tại quầy VPBank chi nhánh Cà Mau.
Theo khảo sát của NHNN chi nhánh Cà Mau, có 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược CÐS toàn diện. Bởi vậy, hàng loạt ngân hàng trên địa bàn tập trung đẩy mạnh các tiện ích số nhằm giữ chân khách hàng và thu hút khách hàng mới.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) triển khai mô hình ngân hàng LiveBank hoàn toàn tự động, giúp khách hàng chỉ mất 3 giây để nhận diện và 30 giây để xử lý giao dịch. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) chú trọng phát triển trải nghiệm khách hàng trên ngân hàng trực tuyến (Ebaking), giảm thiểu thời gian và chi phí giao dịch cho khách hàng...
Tiếp nối, Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho ra mắt phiên bản thế hệ mới BIDV SmartBanking mang đến trải nghiệm liền mạch cho khách hàng trên tất cả các thiết bị, ứng dụng All in one với những tính năng vượt trội như định danh điện tử khách hàng (eKYC); sản phẩm cho vay nhanh Online (QuickLoan); mở thẻ phi vật lý, rút tiền mặt tại máy ATM bằng mã QR… eKYC chính là bước tiến mới trong chiến lược số hoá toàn diện của BIDV khi đầu tư vào các kênh số, quy trình số cũng như các sản phẩm số trên các thiết bị di động.
Chia sẻ định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Trần Thanh Quỳnh, Giám đốc BIDV chi nhánh Cà Mau, cho biết, dịch vụ ngân hàng số trên nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số. Theo đó, BIDV đã và đang tập trung phát triển sáng tạo trên nền tảng số hoá, mở rộng kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng, cụ thể là các giao dịch trực tuyến trên nền tảng số hoá với tốc độ nhanh và bảo mật cao.
Nhân viên BIDV Cà Mau hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch.
Lấy khách hàng làm trung tâm
Theo NHNN chi nhánh Cà Mau, với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả bước đầu đáng khích lệ. Cụ thể, từ công tác kiến tạo thể chế; xây dựng hạ tầng công nghệ; phát triển dịch vụ; đảm bảo an ninh, an toàn và được đánh giá là một trong những lĩnh vực đi đầu trong CÐS quốc gia. Ðặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng các hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn. Ðiều này cho thấy ngành ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dân.
Song song với việc phát triển các sản phẩm hiện đại, phù hợp với nhu cầu từng khách hàng, VPBank đặc biệt chú trọng chất lượng dịch vụ và triển khai nhiều giải pháp công nghệ mang tính đột phá. Áp dụng tính năng nhận diện bằng giọng nói, công nghệ eKYC, triển khai công cụ trên ứng dụng ngân hàng, xây dựng cổng thông tin chăm sóc khách hàng… Ông Lê Quán Thượng cho hay, dịch vụ chăm sóc khách hàng VPBank sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ để mỗi trải nghiệm của khách hàng tại VPBank đều là sự hài lòng.
Ông Ðặng Minh Ðăng, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Minh Ðăng, phân tích: “Việc ngân hàng đầu tư công nghệ để cải tiến quy trình, sản phẩm dịch vụ thực chất là tận dụng sức mạnh của công nghệ để cải thiện sự hài lòng của khách hàng, mang đến hành trình trải nghiệm thuận tiện và tốt nhất. Vì vậy, công tác CÐS của ngân hàng luôn cần lấy khách hàng làm trung tâm, đồng nghĩa với việc ngân hàng cần chuyển trọng tâm từ sản phẩm sang khách hàng; đổi mới sản phẩm dựa trên phân tích dữ liệu khách hàng, từ đó cung cấp các giải pháp số đáp ứng được nhu cầu thực tế và đón đầu các xu hướng tiêu dùng mới”./.
Hồng Phượng - Việt Mỹ
BÀI 2: “CHẠY ÐUA” VÌ NGƯỜI TIÊU DÙNG