ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 6-7-25 05:39:00
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954-2024)

Công tác chuẩn bị của Trung ương cho cuộc tập kết (*)

Báo Cà Mau Tháng 9/1954, Tổng Quân uỷ ra Chỉ thị số 123/CT-4 về việc đón tiếp cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc, quân tình nguyện Việt Nam ở Lào về nước. Chỉ thị nêu rõ: “Việc bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc cũng nhằm để thi hành đúng hiệp định đình chiến, đồng thời cũng để xây dụng lực lượng vũ trang hùng mạnh, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chính trị, củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Vì vậy, việc đón tiếp bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc tập kết có một ý nghĩa chính trị rất lớn”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn gặp các anh hùng, chiến sĩ miền Nam tại Ðồ Sơn, Hải Phòng, năm 1973. Trong số này, nhiều người là HSMN. Ảnh tư liêu

Tổng Bí thư Lê Duẩn gặp các anh hùng, chiến sĩ miền Nam tại Ðồ Sơn, Hải Phòng, năm 1973. Trong số này, nhiều người là HSMN. Ảnh tư liệu

Với chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, quân và dân ta đã buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Theo quy định của hiệp định, hai bên có thời gian 300 ngày (22/7/1954-17/5/1955) để chuyển quân tập kết ra Bắc, vào Nam (lấy ranh giới là vĩ tuyến 17); tiến hành trao trả tù binh, giải quyết các vấn đề sau chiến tranh.

Thực hiện quy định về chuyển quân tập kết ra Bắc, ngày 31/8/1954, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam ban hành chỉ thị “Về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc”. Chỉ thị nêu rõ, đây là việc “cần phải làm thật chu đáo và có kết quả thật tốt”, bởi “việc đón tiếp, phân phối công tác, tìm nơi tạm ở và công ăn việc làm là rất trọng yếu, có ảnh hưởng và tác dụng chính trị rất lớn, không những đối với tinh thần, tư tưởng của những người ra ngoài này mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với tinh thần đồng bào miền Nam ở trong kia".

Các địa điểm được chọn đón đồng bào, chiến sĩ tập kết hết sức khẩn trương làm công tác chuẩn bị. Liên khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu IV tổ chức chỉ đạo các tỉnh lập “Phòng miền Nam”, đảm nhận công tác đón tiếp, sắp xếp cho đồng bào, chiến sĩ tập kết.

Ở các địa điểm chính như Sầm Sơn, Cửa Hội, các bộ phận quân nhu, vận tải luôn thường trực, phối hợp với lực lượng của Bộ Tổng Tư lệnh sẵn sàng làm công tác đón tiếp một cách chu đáo nhất. Sau 9 năm kháng chiến gian khổ, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề, đời sống Nhân dân miền Bắc nói chung cũng như các địa điểm được chọn để đón đồng bào, chiến sĩ tập kết còn hết sức khó khăn. Nhưng Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương đã dành những điều kiện tốt nhất để đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, học sinh cùng nhiều gia đình cách mạng miền Nam tập kết.

Ðể có phương tiện di chuyển lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào từ miền Nam ra Bắc, Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam đã nhờ Liên Xô giúp đỡ. Phía bạn đã lập một uỷ ban hỗn hợp lo liệu việc thuê tàu, tổ chức chuyên chở. Công ty Vận tải biển Sovfracht (Liên Xô), được giao thực thi công việc này. Công ty lập phương án chọn các tàu hàng có tải trọng lớn, đang có mặt ở vùng Viễn Ðông để hoán cải chở người. Năm con tàu: Kilinski (Ba Lan), Arkhangelsk và Stavropol (Liên Xô), Sunny Queen và Sunny Prince (Na Uy) được chọn. Những tàu trên được đưa đến Nhà máy Ðóng tàu Quảng Châu (Trung Quốc) sửa chữa, cải tạo, để từ những chiếc tàu chở hàng chỉ có vài chục thuỷ thủ đoàn, được chuyển sang chở hàng ngàn người. Hầm tàu được cọ rửa sạch để chứa nước ngọt, thực phẩm. Các tầng, hầm boong được đóng sạp nhiều tầng để người nằm; làm thêm bếp, nhà vệ sinh...

Dự kiến sau khi ra đến miền Bắc, đồng bào, chiến sĩ miền Nam sẽ được học tập; sau đó lực lượng vũ trang sẽ được Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức lại biên chế, quản lý theo chế độ quân nhân; anh em thương binh sẽ được điều trị, an dưỡng, hồi phục sức khoẻ tiếp tục phục vụ quân đội. Những người sức khoẻ không đảm bảo sẽ được đưa về chăm nuôi tại các xã; cán bộ, nhân viên kỹ thuật, công nhân được bố trí công tác. Với gia đình cán bộ và một số đồng bào trong diện tập kết sẽ được chính quyền và các đoàn thể giúp đỡ, đảm bảo nơi ăn, ở, tìm kiếm việc làm ổn định. Trung ương cũng yêu cầu tổ chức một cuộc tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để  “cán bộ và Nhân dân nhận thấy việc đón tiếp và giúp đỡ này là nghĩa vụ và cũng là vinh dự... Cần có thái độ ân cần, săn sóc, giúp đỡ anh chị em miền Nam ra giải quyết mọi sự khó khăn, lo lắng, coi như anh chị em ruột thịt... Phải có thái độ đối với những người có công với Tổ quốc”.

Ðể tạo điều kiện học tập cho thiếu niên miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã chỉ thị Bộ Giáo dục thành lập Trường học sinh miền Nam, hình thành nên những mái trường nội trú, là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước. Trong điều kiện còn khó khăn nhưng cấp bộ đảng, chính quyền và bà con miền Bắc bảo đảm những điều kiện tốt nhất từ lương thực, thực phẩm, quần áo đến giáo viên giảng dạy, tạo nên mô hình giáo dục có một không hai và được đánh giá thành công trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tháng 10/1954, tại Chắc Băng (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Bạc Liêu - nay là Cà Mau, Bạc Liêu), đại diện cho Trung ương, đồng chí Lê Duẩn triệu tập Hội nghị thảo luận những nhiệm vụ của Nam Bộ trong giai đoạn mới, thành lập Xứ uỷ Nam Bộ. Hội nghị cũng tiến hành bàn thảo công tác chuyển quân tập kết, trong đó quan trọng nhất là bố trí lực lượng tập kết ra miền Bắc và ở lại tiếp tục hoạt động ở miền Nam theo tinh thần “đi là thắng lợi, ở là vinh quang".

Theo quy định, tại Nam Bộ, sau 35 ngày, tính từ ngày 21/7/1954, đến 6 giờ ngày 26/8/1954, lực lượng tập kết ra miền Bắc phải chuyển quân vào 3 khu vực: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười và Cà Mau. Cũng tính từ ngày 21/7/1954, thời gian tập kết tại Cà Mau là 200 ngày (đến 6 giờ ngày 10/2/1955).

Tại Phân liên khu miền Tây, lực lượng tập kết tập trung về khu 200 ngày Cà Mau với tổng cộng 29.138 người, trong đó có 17.344 quân nhân thuộc các đơn vị chủ lực miền Tây, được biên chế thành 4 trung đoàn: Trung đoàn 1 (Tiểu đoàn chủ lực 307, bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Vĩnh Trà, Bến Tre); Trung đoàn 2 (Tiểu đoàn 410, bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Cần Thơ, Long Châu Hà); Trung đoàn 3 (Tiểu đoàn 308, bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu); Trung đoàn 4 (các cơ quan tham mưu, chính trị, cung cấp, quân nhu, các đơn vị binh chủng). Lực lượng còn lại gồm công nhân quân giới, công nhân viên các cơ quan Dân - Chính - Ðảng, số du kích và các cán bộ xã không thể ở lại địa phương được biên chế thành từng khối theo mỗi tỉnh. Cùng với đó có 986 thương binh, bệnh binh. Trong lực lượng tập kết còn có 1.038 người của cách mạng Campuchia (6 cán bộ cấp Trung ương, 16 cán bộ cấp miền, tỉnh, 30 cán bộ cấp huyện, 12 sinh viên đại học và trung học, cán bộ cơ sở và chiến sĩ chiếm tới 80% tổng số; trong đó có 128 đồng chí là đảng viên Ðảng Nhân dân, 130 thiếu niên; 17 phụ nữ, 5 gia đình cán bộ).

Ngày 25/9/1954, tàu Arkhangelsk thực hiện chuyến chuyển quân tập kết đầu tiên, chở đồng bào, chiến sĩ từ Hàm Tân rẽ sóng tiến vào cửa Lạch Hới trong niềm hân hoan chào đón của Nhân dân Sầm Sơn (Thanh Hoá). Ðến hết tháng 5/1955, Sầm Sơn trở thành địa điểm đón tiếp chính các chuyến tàu đưa lực lượng tập kết ra miền Bắc, có 45 chuyến tàu cập bến tại đây, với 79.996 người. Với những tàu lớn, phải đậu ngoài xa, Ðảng bộ, chính quyền Sầm Sơn đã huy động Nhân dân dùng thuyền đánh cá đưa đồng bào vào bờ, có những chuyến phải trung chuyển mất 2 ngày mới xong.

Ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối cùng chở quân ở Nam Bộ từ Cà Mau ra miền Bắc rời sông Ông Ðốc, kết thúc 200 ngày tập kết tại Cà Mau. Ngày 16/5/1955, chuyến cuối cùng rời cảng Quy Nhơn, kết thúc đợt chuyển quân tập kết.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tàu Kilinski (Ba Lan) do thuyền trưởng R. Cielewicz chỉ huy, từ tháng 10/1954 đến tháng 5/1955, đã thực hiện 27 chuyến Nam - Bắc, vận chuyển 85 ngàn người, 3.500 vũ khí các loại, 250 tấn đạn dược; tàu Arkhangelsk (Liên Xô) do thuyền trưởng là Giôtốp chỉ huy đã thực hiện 12 chuyến Nam - Bắc trong khoảng thời gian từ tháng 9/1954 đến tháng 2/1955, chuyên chở hơn 30 ngàn người và hơn 1.300 tấn hàng.

Cuộc chuyển quân từ miền Nam ra tập kết ở miền Bắc, là cuộc đấu tranh tư tưởng, tuy âm thầm nhưng đầy quyết liệt của quân và dân miền Nam. Trong niềm vui, tin tưởng vào việc sau 2 năm kể từ ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, hiệp thương tổng tuyển cử sẽ được tiến hành để thống nhất đất nước, còn xen lẫn nỗi băn khoăn, lo lắng. Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Ðảng, chính quyền và đoàn thể, việc chuyển cán bộ, lực lượng vũ trang miền Nam ra tập kết ở miền Bắc được tiến hành bảo đảm đúng tiến trình, thời gian, chu đáo, chặt chẽ, thể hiện sự nghiêm chỉnh và tinh thần đoàn kết Nam - Bắc một nhà, vì lợi ích dân tộc, quốc gia trên hết.

(*) Tổng hợp từ sách “300 ngày đấu tranh, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ (22/7/1954-17/5/1955)” do Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam biên soạn, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2019.

 

Thanh Trúc tổng hợp

 

Một thời làm báo

Cà Mau, mảnh đất tận cùng Tổ quốc, nơi sông ngòi chằng chịt, rừng đước bạt ngàn và con người mang trong mình chất mộc mạc, chân thành, hào phóng của miền Tây Nam Bộ. Ở đó, tôi đã sống và cống hiến với những năm tháng làm báo đầy nhiệt huyết, nơi mà mỗi dòng chữ, mỗi câu chuyện đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả nụ cười. Một thời làm báo tại Cà Mau là ký ức không thể quên, như cuốn sách cũ, dù thời gian có làm phai màu bìa, nhưng những trang bên trong vẫn sống động.

Báo giấy - Ký ức một thời vàng son

Chẳng nhớ rõ từ khi nào, những sạp báo giấy giữa lòng thành phố đã biến mất dần trong xu thế không thể tránh khỏi khi công nghệ thông tin bùng nổ, với sự "lên ngôi" của báo điện tử, mạng xã hội. Báo giấy - mấy ai còn nhớ một thời vàng son...

Quá khứ hào hùng - Hiện tại vươn xa

Báo - đài là hợp chất gắn kết niềm tin giữa Ðảng với Nhân dân như bê-tông cốt thép, là ngọn lửa giữa đêm đông nung sôi bầu nhiệt huyết hàng triệu trái tim yêu nước, thương dân; là ánh đèn pha giữa đêm đen soi sáng mọi bước đường khi dân tộc ta xông lên chiến đấu và chiến thắng quân thù; là ánh mặt trời chân lý xua tan âm u, tâm tối, đem lại mùa xuân của hạnh phúc con người và tô thắm màu cờ của nhận thức, lý tưởng, lẽ sống đối với biết bao thế hệ...

Những địa chỉ đỏ trên quê hương anh hùng

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Cà Mau là căn cứ địa cách mạng, là địa bàn đứng chân hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước. Từ rừng đước, rừng tràm thành làng rừng kháng chiến; từ xóm ấp, chùa chiền, nhà dân thành nơi nuôi chứa cán bộ.

Nguyễn Mai và những chuyện đời thường

Người đa tài nhất trong những người cầm bút vùng Tây Nam Bộ những năm đánh Mỹ cứu nước là Nguyễn Mai. Anh viết thạo, viết vững chắc các loại ký, truyện, bình luận, xã thuyết và tuỳ bút... Anh sử dụng được các thể loại thơ, đặc biệt thơ trào lộng.

Nhà báo Trần Ngọc Hy một lòng trung kiên, bất khuất

Năm 1943, tốt nghiệp Diplôme, Trần Ngọc Hy về quê tham gia phong trào nông dân đấu tranh chống bọn địa chủ ác bá, chống bọn chính quyền tay sai hà khắc bóc lột nông dân, chống sưu cao thuế nặng.

Phan Ngọc Hiển - Nhà báo cách mạng trên vùng đất Nam Bộ

Tuần báo Tân Tiến số phát hành trung tuần tháng 2/1937, chủ bút Hồ Văn Sao giới thiệu với độc giả: “Bạn tôi Phan Ngọc Hiển, tức Phan Phan, một nhà văn chân chính - lương tâm, bắt đầu đi khắp Nam Kỳ để làm phận sự nhà báo - năm nay lần lượt bạn Phan Ngọc Hiển sẽ hiến cho độc giả: 1. Ðại náo thôn quê - 2. Tinh thần bạn trẻ nước nhà - 3. Giọt nước mắt của dân - 4. Thương - là 4 vấn đề quan hệ xã hội cần thay đổi - muốn tránh sự sơ sót, ngoài những tài liệu của bạn tôi thâu thập trong những lúc gian nan, nay bạn tôi cần đi viếng các làng, dân quê, bạn trẻ... cho cuộc điều tra thêm chu đáo - luôn tiện biết nhau, biết điều sơ sót của Tân Tiến đặng sửa đổi...”.

Ðài Tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến - Tiếng nói của khát vọng độc lập, tự do

Đài Nam Bộ Kháng chiến ra đời những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1954). Có lúc đóng ở Ðồng Tháp Mười (Long An); có giai đoạn ở Thới Bình, Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, U Minh (Cà Mau), hay Kiên Giang, Bạc Liêu; có thời điểm đài đổi tên thành Ðài Tiếng nói Nam Bộ. Tuy vậy, dù ở bất cứ nơi đâu, tên gọi khác nhau, nhưng các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của đài không ai được đào tạo bài bản về phát thanh nhưng đã làm nên một đài phát thanh vang danh, lừng lẫy; tạo dấu ấn đặc biệt trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và ngành phát thanh nói riêng. Ðó là tiếng nói của Uỷ ban Nam Bộ Kháng chiến; cầu nối của Ðảng, Bác Hồ với đồng bào Nam Bộ; là ước mong, khát vọng của đồng bào nơi đây về một Việt Nam độc lập, tự do.

Những khó khăn, thách thức của người làm báo trong thời kháng chiến

Mùa khô năm 1964, lần thứ hai tôi theo mẹ từ Bến Tre vào Cà Mau thăm ba tôi đang làm ruộng và dạy học tư ở Kinh Hãng Giữa... Ba tôi bất hợp pháp kể từ năm bác ruột thứ tư của tôi - 1 trong 12 người Việt Minh làng Ba Mỹ bị giặc Pháp bắt chặt đầu ở bót Nhà Việc Mỹ Chánh năm 1946... Lần này, ba tôi không cho tôi trở về quê nữa, vì về ngoải mai mốt lớn lên tụi giặc nó bắt lính... Thế là tôi phải ở lại trong này, thành công dân Cà Mau từ đó.

Báo chí cách mạng Cà Mau góp phần động viên, cổ vũ kháng chiến

Báo chí cách mạng không những góp phần động viên, cổ vũ mà còn là “vũ khí sắc bén” trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thống nhất đất nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại. Trong nhiều loại vũ khí chống chọi với quân thù, có một thứ vũ khí “thanh cao mà đắc lực”, “có sức mạnh hơn mười vạn quân”. Ðó là văn chương nghệ thuật, đặc biệt là văn chương, báo chí cách mạng Hồ Chí Minh.