ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 3-12-24 21:00:03
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM SỰ KIỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954-2024)

Tư liệu quý từ ghi chép của người tập kết

Báo Cà Mau Sự kiện tập kết ra Bắc diễn ra đã 70 năm, những yếu tố về lịch sử, chủ trương, đường lối chiến lược của Đảng, Bác Hồ thì sách báo đã đề cập. Tuy vậy, lớp hậu thế muốn tìm hiểu chi tiết vấn đề lại rất ít thông tin. Trong quá trình gặp gỡ, tiếp cận tài liệu từ nhân chứng (còn lại không nhiều), từ thân nhân, từ Bảo tàng tỉnh, chúng tôi bắt gặp những trang nhật ký, ghi chép, hồi ức, qua đó giúp phần nào hình dung lại một giai đoạn lịch sử hết sức đặc biệt này.

Tái hiện sinh động cuộc sống, sinh hoạt, học tập, chiến đấu

Các tư liệu trên của nhiều đối tượng như cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam, qua cái riêng của mỗi người, giúp phần nào hiểu được cái chung của đất nước; sự quan tâm, chăm lo của Ðảng, của Bác Hồ; tình cảm Bắc - Nam ruột thịt...

Ông Nguyễn Tường Nuôi quê ở Giao Vàm, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời. Trước khi tập kết, ông là bộ đội Tiểu đoàn 307. Ra miền Bắc, qua thời gian tiếp tục học tập, huấn luyện chiến đấu, ông được phân công giúp nước bạn Lào, sau lại trở về chiến trường miền Nam, rồi giúp nước bạn Campuchia... Ðời lính dạn dày gian khổ, từng tham gia trên 30 trận đánh cấp đại đội, từng bị thương, rồi bao buồn vui, nỗi nhớ gia đình, quê hương, trách nhiệm với Tổ quốc, tình cảm của đồng bào miền Bắc... tất cả được ông ghi vào hai quyển nhật ký (đã ố vàng, một số trang sứt rời, có trang chữ phai mờ, nhiều trang vẫn còn khá rõ).

“Bến Sầm Sơn cả một rừng cờ, rừng người đón tiếp (...). Chưa đến bờ thì đã vang dội tiếng hoan hô: “Nam - Trung - Bắc đoàn kết thống nhất một nhà muôn năm! Bộ đội miền Nam tập kết thắng lợi muôn năm! Tinh thần dũng cảm của quân dân Nam Bộ thành đồng muôn năm!”(...). Trong giờ phút này, tôi rạt rào tình cảm và xúc động”, một đoạn trong nhật ký của ông Nguyễn Tường Nuôi.

Những trang nhật ký của ông Nguyễn Tường Nuôi được viết và lưu giữ trong hành trình đi tập kết ra Bắc và tham gia chiến đấu trên các chiến trường Lào, Campuchia, miền Ðông và Tây Nam Bộ từ hơn 50 năm trước.

Những trang nhật ký của ông Nguyễn Tường Nuôi được viết và lưu giữ trong hành trình đi tập kết ra Bắc và tham gia chiến đấu trên các chiến trường Lào, Campuchia, miền Ðông và Tây Nam Bộ từ hơn 50 năm trước.

 Ði qua cuộc chiến tranh, ông may mắn hơn đồng đội là còn sống trở về đoàn tụ với gia đình. Ông mất năm 2019. 

Trong số các trang tư liệu được tiếp cận, có lẽ những ghi chép của ông Nguyễn Anh Sơn là chi tiết và công phu nhất. Ông Nguyễn Anh Sơn (Sáu Sơn, Khóm 3, phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) tập kết ra Bắc theo diện học sinh miền Nam. Là người có đầu óc quan sát tinh tế, chịu khó ghi chép nên suốt quá trình học tập và về Nam chiến đấu, kể cả giai đoạn sau này nghỉ hưu, tham gia sinh hoạt cùng các cựu học sinh miền Nam, ông đều lưu lại qua các trang viết.

Ông Sơn có đến 6 quyển ghi chép, tự đánh máy và in (khổ 15x20), đóng thành quyển. Mỗi quyển đều có tựa đề và quyển ít nhất 75 trang, nhiều nhất 125 trang. Trong đó, quyển “Ra đi”, ghi chép khá rõ, có hệ thống quá trình sống, học tập, lao động và trưởng thành ở miền Bắc; quyển “Vượt Trường Sơn” kể về hành trình từ giã miền Bắc với tâm thế háo hức và quá trình vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu đầy gian khổ; quyển “Ðường về miền Tây” nói về chặng đường từ miền Ðông về miền Tây, mà theo ông tuy không vất vả trèo đèo lội suối, nhưng đối mặt với sự ác liệt của bom đạn, giữa lằn ranh sinh tử và bản thân ông cũng bị B52 bừa 2 lần chết đi sống lại...

Ông Sơn cho biết, các tập sách được ông hoàn chỉnh sau này, trên cơ sở từ nhật ký trước đây.

Ngoài nội dung sát thực, cách dùng từ, hành văn có sự chăm chút nên những trang viết khá mượt mà, tròn trịa, lôi cuốn người đọc.

Xin trích ra vài phân đoạn: “Tôi ngẩng lên, trước mắt là một dốc đứng cao vời vợi. Nắng trưa xuyên qua cành lá nóng hầm hập, rừng im lặng không một ngọn gió. Hai bên đường có 2 cọng dây song (loại mây lớn) bằng bắp tay được căng ngược lên đỉnh dốc (...). Chân dò từng bước, 2 tay bám chặt sợi dây đu lên. Người sau đội đít người trước... Mồ hôi tuôn lã chã, chảy vào mắt cay xè (...). Phải hơn 12 giờ trưa mới tới đỉnh dốc (...). Xa xa nhiều máy bay Mỹ gầm rú quần đảo, tiếng bom, tiếng rocket vang vọng (...). Lên dốc gian nan, nguy hiểm bao nhiêu, xuống dốc còn gian nan nguy hiểm hơn nhiều. Ai cũng để cái lưng đi trước, bước giật lùi, dò dẫm chậm chạp....”, phân đoạn trong quyển “Vượt Trường Sơn”.

 Tư liệu đặc biệt về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B)

Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) quê Cà Mau, tập kết ra Bắc năm 1954, cũng diện học sinh miền Nam, là em ruột ông Nguyễn Anh Sơn. Học hết năm nhất đại học, Nguyễn Văn Bảy (B) được chọn đào tạo phi công chiến đấu. Ông lập thành tích đặc biệt, có một không hai trên thế giới là bay biển ở độ cao thấp và ném bom làm cháy tàu khu trục Mỹ (Highbee) bằng lối ném thát lát (như kiểu trẻ con thường chơi trò ném vật dẹp cho chạy trên mặt nước). Với thành tích này, ông được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Ông Nguyễn Anh Sơn, người có nhiều ghi chép trong suốt hành trình đi tập kết và về Nam chiến đấu; đặc biệt là tư liệu về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B).

Ông Nguyễn Anh Sơn, người có nhiều ghi chép trong suốt hành trình đi tập kết và về Nam chiến đấu; đặc biệt là tư liệu về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B).

Năm 1972, trong trận không chiến ác liệt, không cân sức với quân thù trên bầu trời Thanh Hoá, ông đã anh dũng hy sinh sau khi bắn rơi 1 chiếc máy bay A6 của địch.

Ông Sơn kể, năm 2002, sau khi di dời hài cốt Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (B) về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau, nhiều người biết về ông. Sau đó, Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau liên hệ với gia đình làm phim tài liệu về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) (do phóng viên Minh Chính và Hoàng Sấy thực hiện). “Gia đình đã nhờ Câu lạc bộ Không quân phía Nam (ở TP Hồ Chí Minh, bấy giờ do Ðại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (A) làm chủ nhiệm), tổ chức cuộc gặp mặt các phi công chiến đấu cùng Bảy (B) trong những trận đánh và bạn bè phi công của Bảy (B)... theo yêu cầu các anh bên truyền hình. Trong buổi gặp mặt, họ nói về chiến công của Bảy (B), phân tích cách đánh độc đáo...; rồi tính cách, tình cảm, mối quan hệ bạn bè... Nói chung như cuộc toạ đàm, thảo luận và kéo dài tới 2 ngày liền”, ông Sơn kể.

Ông Sơn cũng cho biết: “Trong lần gặp mặt này, anh Nguyễn Năm (người anh thứ năm của ông Sơn - PV) đã ghi âm lại tất cả các ý kiến và giao tôi nghe ghi âm rồi viết ra, hệ thống lại, gửi cho những người phát biểu xem qua. Họ đóng góp, chỉnh sửa những ý kiến đó và tôi đã điều chỉnh theo họ”.

Cũng theo ông Sơn, khi tất cả đã “duyệt”, ông bắt đầu trình bày, in thành cuốn “Những câu chuyện về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy”.

Hiện nay, các phần ghi âm về buổi họp mặt, ông Nguyễn Năm vẫn còn lưu giữ.

“Những người đóng góp ý kiến, rồi bạn bè của Bảy (B), các thành viên Câu lạc bộ Không quân phía Nam, người thân... đăng ký xin, vậy là tôi cứ in ra cho. Tính đến nay, tôi đã in quyển này khoảng 300 bản”, ông Sơn thông tin.

Cũng như quyển “Những câu chuyện về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy”, các quyển “Ra đi”, “Vượt Trường Sơn”... ông Sơn đều in ra biếu bạn bè và khi họ góp ý, thấy phù hợp thì chỉnh sửa. Ðến nay, mỗi quyển ông in biếu bạn bè, người quen khoảng 200 bản.

 Nên in sách để phổ biến và lưu giữ

Trong kháng chiến chống Pháp, Cà Mau từng là căn cứ địa cách mạng với rất nhiều cơ quan Trung ương đứng chân như: Xứ uỷ Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Sở Y tế Nam Bộ, Ðài Tiếng nói Nam Bộ, Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn... Người Cà Mau công tác ở các cơ quan này rất nhiều. Vì vậy mà khi tập kết, người Cà Mau tham gia cũng rất đông.

Cà Mau đồng thời là điểm tập kết lớn nhất của Nam Bộ, thế nên, có người bảo Cà Mau là cái “rốn” của sự kiện tập kết.

Cà Mau cũng có nhiều người đi tập kết được chọn học tập, lái máy bay chiến đấu. Ðặc biệt, tỉnh có đến hai anh hùng phi công (đều là người tập kết), đó là Anh hùng phi công Lâm Văn Lích (quê xã Tắc Vân, TP Cà Mau) và Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B). Ðây là niềm tự hào lớn của Cà Mau mà hầu như không tỉnh miền Tây nào có được.

Tài liệu về sự kiện tập kết không nhiều, tài liệu về các anh hùng phi công của Cà Mau càng hiếm. Vì vậy, có được nguồn tài liệu về người tập kết, về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) từ gia đình là rất quý.

Theo thời gian, những nhân chứng về sự kiện tập kết cũng không còn, nhân chứng về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) hiện cũng đã qua đời hầu hết. Vì vậy, thiết nghĩ, tỉnh nên có chủ trương tập hợp các tài liệu (nhật ký, hồi ức, ghi chép...) về sự kiện tập kết và tài liệu về Anh hùng phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) (quyển sổ gia đình ghi, cùng một số tài liệu liên quan), in thành sách. Qua đó, vừa giúp lưu giữ làm tài liệu nghiên cứu vừa phát hành rộng rãi ra cộng đồng, góp phần nhân rộng thông tin, thể hiện niềm tự hào quê hương, vun bồi, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ./.

 

Huyền Anh

 

Tri ân Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ngày 23/11 hằng năm không chỉ là ngày kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ - mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà còn là ngày sinh của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

Một biên khảo sống động về đất Nam Bộ của Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Những trang cuối bài này, tôi lược trích bài ký tự thuật về cuộc họp mặt và bữa cơm thân mật của các nhà báo Bạc Liêu - Cà Mau với tên tuổi Phạm Văn Tri, Nguyễn Minh Chánh, Nguyễn Bé..., các tổng biên tập đáng kính của họ vô cùng thân thiết với một thế hệ trẻ làm báo sau chiến tranh...

Một biên khảo sống động về đất Nam Bộ của Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Giờ mới trở lại đầu sách (trang 7 của tập biên khảo) - Sự ra đời của thành ngữ "Công tử Bạc Liêu". Phan Trung Nghĩa trích đoạn bài báo "Đây Bạc Liêu” của Tạ Như Khuê, đăng trên tuần báo Thanh Nghị, ra ngày 11/3/1994. Đó là cái nhìn của một nhà báo ở Hà Nội đối với quang cảnh kinh tế - xã hội của Bạc Liêu vào nửa đầu thế kỷ 20. Ông gọi "Bạc Liêu là một đất ăn chơi..."

Một biên khảo sống động về đất Nam Bộ của Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Cùng với 1 truyện ký, 2 biên khảo, 4 bút ký... đã xác định được vị trí của Nhà văn Việt Nam đồng bằng Nam Bộ Phan Trung Nghĩa với những tác phẩm độc đáo, như đoàn tàu vũ trụ hồn nhiên bay vào lòng người đáng ghi nhớ nhất.

“Ký ức không phai” - Tư liệu quý về cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc

Mấy tháng qua, Ban Liên lạc các trường học sinh miền Nam (HSMN) Vĩnh Phú, 2-6-9 (trường HSMN trên đất Bắc) rốt ráo cùng Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành các công đoạn để xuất bản quyển sách về đề tài tập kết. Ấn phẩm “Ký ức không phai” ra đời đúng vào dịp tỉnh Cà Mau tổ chức Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc. Ðây là món quà ý nghĩa mà các thành viên Ban Liên lạc dành tặng Cà Mau.

Lưu dấu dòng họ Hồng ở U Minh

Ngày 3 tháng 10 âm lịch hằng năm, tại Rạch Chệt, Ấp 3, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, dòng họ Hồng long trọng tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ cụ Hồng Vận Ban, người góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào thế kỷ XIX.

Hào khí đất xưa...

Những lần về lại Tân Thành (nay là phường Tân Thành và xã Tân Thành, TP Cà Mau) đều mang lại cho chúng tôi những chiều kích mới mẻ trong hiểu biết, suy tư về vùng đất địa linh nhân kiệt, lẫy lừng công đức của tiền nhân.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai viếng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng nay (16/11), Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai làm trưởng đoàn đến viếng, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khóm 1, Phường 1, TP Cà Mau) và Khu di tích lịch sử cấp tỉnh Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện trọng đại lễ kỹ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954-2024), tối 15/11, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến dự buổi tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) và rà soát công tác tổ chức lễ.

“200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” 

Nhằm đánh giá toàn diện về vai trò, ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong sự kiện tập kết năm 1954, chiều 15/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử". Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc.