(CMO) Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những nội dung cụ thể hoá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được các cấp hội nông dân trong tỉnh thực hiện hiệu quả. Những nông dân bình dị, chất phác ở đất Cà Mau đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, cùng nhau làm giàu trên đất quê hương.
Mạnh dạn thay đổi
Chỉ tính 5 năm qua, tỉnh Cà Mau có hơn 366.900 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp, trong đó có hơn 2.000 hộ có thu nhập 1 tỷ đồng trở lên. Ðiểm nhấn trong phong trào nông dân thi đua SXKDG ở Cà Mau là đã thành lập được Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú xã Tân Thành (TP Cà Mau). Hội Nông dân tỉnh chủ trương sẽ nhân rộng đến 8 huyện, nhằm khẳng định sự trưởng thành và đóng góp to lớn, có hiệu quả của giai cấp nông dân vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Cần cù, nhạy bén, nông dân Cà Mau đã thực hiện hiệu quả các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm quảng canh cải tiến; nuôi tôm, cua kết hợp; nuôi cá chình, cá bống tượng; sản xuất đất sạch NaTa và trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ Israel; trồng dưa hấu và trồng lúa trên đất nuôi tôm đạt chuẩn VietGAP; trồng rau màu an toàn trong nhà lưới, trên sân thượng; trồng nấm bào ngư... Thực tiễn minh chứng, phong trào nông dân SXKDG đã tác động tích cực đến chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh về lao động cũng như mọi nguồn lực trong nông dân, góp phần tăng giá trị sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.
Nuôi tôm công nghiệp trải bạt mang lại hiệu quả cao của nông dân Trương Ngọc Ðiều, xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi. |
Tấm gương và lời dạy của Bác Hồ đã thấm sâu trong suy nghĩ, hành động của những nông dân bình dị, chất phác. Họ đã và đang làm theo Bác bằng nhiều việc làm thiết thực, tạo sức lan toả sâu rộng.
Là hội viên nông dân ấp Cây Sộp, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, anh Nguyễn Hoàng Nam (45 tuổi) được tham dự các hội nghị triển khai, quán triệt các chuyên đề hàng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Anh nhận thức rằng, việc học tập và làm theo Bác phải bằng những hành động cụ thể của mỗi người. Ðối với nhà nông, anh Nam quyết tâm tạo ra giá trị cao nhất trên mảnh đất sản xuất của gia đình bằng sự lao động sáng tạo của mình. Anh Nam được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, anh Nguyễn Hoàng Nam có tuổi trẻ cơ cực. Khi lập gia đình, anh buôn bán tạp hoá và vật tư nông nghiệp, tích luỹ vốn sang đất. Anh Nam chia sẻ: “Nhiều năm nay, trên 11 ha đất sản xuất, tôi thực hiện nuôi tôm sú quảng canh 2 giai đoạn, thả thưa (trung bình 1.000 m2 thả 500 con giống), để bắt bán tôm lớn từ hàng 2 (loại 20 con/kg) trở lên; đồng thời xen canh cua biển, tôi tạo giá thể để hàu, ốc gạo bám vào sinh sống, làm thức ăn cho cua, giúp cua đạt tỷ lệ cao, lại nhanh lớn”.
Anh Nguyễn Hoàng Nam, nông dân ấp Cây Sộp, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, thành công với mô hình nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn, kết hợp nuôi cua. Anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020.
Ở xứ ngọt hoá xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, nông dân Lê Văn Năm phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình nuôi ếch thương phẩm từ năm 2016 đến nay. Ðể thực hiện mô hình, ông Năm mạnh dạn cải tạo lại diện tích đất, phá các loại cây không cho hiệu quả kinh tế cao, rồi đào ao, kênh mương thoát nước, nuôi ếch thâm canh với diện tích 1.000 m2 (có hơn 12 mùng lưới), thu hoạch được lượng ếch thịt 1,4 tấn/năm và hơn 12.500 ếch giống.
Ông Lê Văn Năm bộc bạch: “Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin và được quán triệt ở chi hội, tôi nghĩ, nông dân như mình học Bác là phải phấn đấu lao động, nghiên cứu mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng cho gia đình mình để tăng thu nhập và chia sẻ kinh nghiệm với chòm xóm, cùng nhau phát triển”. Khi thành công với việc nuôi ếch thịt, ông Năm tiếp tục học hỏi kinh nghiệm ở các nơi về kỹ thuật nuôi ếch sinh sản, để tự tạo nguồn con giống cho gia đình và phục vụ bà con ở địa phương. Bình quân giá ếch thịt từ 50.000-65.000 đồng/kg, ếch giống con bán với giá 1.200 đồng/con, lợi nhuận mỗi năm trên 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ðoàn kết, nghĩa tình
Qua phong trào nông dân SXKDG, đời sống nông dân Cà Mau ngày càng được nâng lên. Họ tích cực đóng góp công sức, kinh phí vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ 5 năm trở lại đây, hội viên nông dân trong tỉnh đã đóng góp hơn 10 tỷ đồng, hàng ngàn ngày công và hiến 520.000 m2 đất để làm lộ giao thông nông thôn, xây dựng trường học.
Phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, ông Châu Hoàng Bon, Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, với mô hình nuôi tôm công nghiệp, hàng năm giải quyết việc làm cho 80 lượt lao động, hiến 60 m đất làm lộ nông thôn, trị giá hơn 100 triệu đồng. Ông Trần Việt Cương, nông dân ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, hiến 300 m2 đất để xây dựng trụ sở văn hoá ấp. Ông Trần Quang Hiên, Ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau, góp 20 triệu đồng lắp camera an ninh, sửa 4 móng cầu xuống cấp, lấp vá 350 m lộ bê-tông bị hư hỏng và 1.200 m lộ theo xóm với số tiền 100 triệu đồng.
“Ðất đã không phụ lòng người, nên người cũng phải đối xử tốt với nơi đã mang đến cuộc sống tốt đẹp cho mình. Tôi không ngần ngại đóng góp xây dựng hạ tầng giao thông, các chương trình an sinh của địa phương, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên bằng cách chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất tôm, cua luân canh”, ông Trần Quang Hiên bộc bạch.
Hội viên nông dân trong tỉnh tích cực thi đua SXKDG để không ngừng nâng cao thu nhập.
Học và làm theo Bác, nông dân Cà Mau luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái, thể hiện cái nghĩa, cái tình, hỗ trợ nhau cùng phát triển bằng nhiều hình thức như: hộ khá, giàu giúp đỡ hộ nghèo thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, cho mượn đất canh tác, mượn vốn làm ăn, góp vốn xoay vòng… góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo của tỉnh. Qua 5 năm, cán bộ, hội viên đã giúp được 1.900 hộ thoát nghèo, cận nghèo.
Chi hội Nông dân Khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, xây dựng được 23 tổ hùn vốn bằng vàng, mỗi tổ có 12 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia, mỗi năm tổ chức xoay vòng bốc thăm 2 lần, mỗi lần mỗi hội viên hùn vào 1 chỉ vàng 24K, đến nay đã xoay vòng hơn 1.700 chỉ vàng. Nhờ tổ chức được các tổ hùn vốn bằng vàng mà nông dân chủ động kế hoạch sản xuất, biết tiết kiệm chi tiêu, dần tích luỹ nguồn vốn lớn để chuộc lại đất, trả nợ ngân hàng, cố thêm đất và mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nông dân Huỳnh Hữu Khả chia sẻ: “Nhờ tham gia tổ hùn vàng mà gia đình tôi có điều kiện chuộc lại 5 công đất, tiếp tục sản xuất lúa, vươn lên thoát nghèo”.
Thực hiện lời dạy của Bác “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững bằng việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại./.
Mộng Thường