Thời gian qua, Trường Mầm non thị trấn Thới Bình (huyện Thới Bình) không ngừng đổi mới và đa dạng phương pháp giáo dục qua từng năm học, trong đó có việc sáng tạo làm đồ dùng học tập. Qua đó, giúp trẻ có thêm những giờ học bổ ích, thú vị, nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh.
- Giáo dục toàn diện cho trẻ mầm non
- Niềm vui nhỏ của nghề bảo mẫu
- Dạy trẻ yêu môi trường từ bậc mầm non
Giáo dục trẻ mầm non xoay quanh các chủ đề: giáo dục cá nhân, giáo dục thể chất, giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống đồng thời trang bị về mặt ngôn ngữ để giúp trẻ giao tiếp đúng chuẩn.
Cô Phù Thuý Kiều, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thới Bình, chia sẻ: “Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ và đồ dùng, đồ chơi học tập là phương tiện giúp trẻ tiếp thu bài học tốt hơn. Ðồ dùng, đồ chơi tự làm phải đảm bảo thực hiện theo mục tiêu giáo dục, mang tính thẩm mỹ, giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, kích thích cho trẻ tính độc lập, sáng tạo, đồng thời phải phù hợp với từng lứa tuổi và đảm bảo được sự an toàn cho trẻ”.
Các cô giáo đã tận dụng tối đa những nguyên vật liệu phế thải để tạo ra những sản phẩm đồ chơi mô hình như: ghế đá, nhà bảo vệ, nhà xe, nhà vệ sinh và trường học, hàng rào, ngôi nhà... Việc này còn góp phần bảo vệ môi trường.
Giờ học bổ ích, thú vị, trẻ hào hứng tham gia.
Cô Ðoàn Ngọc Yến, giáo viên lớp Lá 4, cho biết: “Theo chương trình đổi mới, lấy trẻ làm trung tâm, cô hướng dẫn trẻ chủ động tiếp thu kiến thức, không chỉ nghe, nhìn mà còn phải được tham gia thực hành trải nghiệm ngay trên lớp. Mục tiêu trọng tâm của phương pháp giảng dạy hiện nay là nhằm phát huy năng lực, tính tự học của từng trẻ. Những đồ dùng, đồ chơi mới lạ để phục vụ giảng dạy sẽ kích thích sự tò mò và sự phát triển của trẻ".
Xuất phát từ những ý tưởng các giáo viên Trường Mầm non Thị trấn Thới Bình tự làm đồ dùng, đồ chơi. Đây là việc làm hết sức cần thiết và bổ ích cho trẻ mầm non trong giảng dạy.
Khi được trải nghiệm cùng cô làm đồ chơi, trẻ yêu quý và hứng thú nhiều hơn so với các đồ chơi mua sẵn. Ðây cũng là hình thức dạy trẻ biết yêu quý sức lao động ngay khi còn bé.
Hiện tại, nhà trường đang áp dụng song song chương trình giáo dục mầm non quốc gia, ứng dụng phương pháp giáo dục STEM vào giảng dạy. Nhiều trẻ có sự tiến bộ, linh động, hoạt bát, sinh hoạt nền nếp và có kỷ luật.
Phương pháp giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Sự đa dạng của các nhóm phương pháp giáo dục trẻ mầm non như hiện nay giúp nhà trường đánh giá, cân nhắc phương pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm phát triển, khả năng nhận thức và độ tuổi của trẻ, mang lại hiệu quả giáo dục toàn diện nhất.
Tập cho trẻ có ý thức và trách nhiệm ngay từ những việc nhỏ.
Cô Trịnh Xuân Ngọc, giáo viên lớp Chồi 2, chia sẻ: "Giáo dục trẻ theo hướng đổi mới, trẻ ngày càng mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong giao tiếp. Về cách dạy, từ đầu năm học, giáo viên được tập huấn, phân loại trẻ rối loạn nhẹ hay nặng, giáo viên cũng tự nghiên cứu, học hỏi từ sách vở hay trên mạng, để từ đó có hướng dạy phù hợp với từng trẻ”./.
Hoàng Vũ