Huyện U Minh là địa bàn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Những năm qua, huyện luôn thực hiện phương châm phát huy nội lực, tận dụng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để giảm nghèo bền vững. Năm 2024, huyện phấn đấu giảm 1,5% hộ nghèo, tương đương 841 hộ.
- Chuyển đổi nghề tạo sinh kế, khai thác bền vững
- Tạo sinh kế cho phụ nữ nông thôn
- Trao 500 triệu đồng tạo sinh kế cho người khuyết tật
- Sinh kế mới từ vỏ hàu
Huyện U Minh hiện còn hơn 1.200 hộ nghèo, chiếm gần 4,7% và hơn 400 hộ cận nghèo, hơn 1,6%. Thực tế, càng về sau, công tác giảm nghèo tại các địa phương càng khó, bởi đa phần các hộ không đất canh tác, thiếu vốn làm ăn và tư liệu sản xuất... để hỗ trợ thoát nghèo thì phải trợ lực cho các hộ này có điều kiện vươn lên.
Năm 2024, huyện được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phân giao nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 17,9 tỷ đồng. Trong đó, phân khai 9 tỷ đồng cho 3 xã đặc biệt khó khăn là: Nguyễn Phích, Khánh Lâm và Khánh Thuận.
Ông Ðinh Cộng Hoà, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: “Thời gian qua, huyện tập trung xây dựng các mô hình, dự án để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm ăn, phát triển kinh tế. Hiện nay, các mô hình trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung vào chăn nuôi: heo, cá, gà, vịt... đạt hiệu quả cao, nhiều hộ có tích luỹ cho gia đình. Bên cạnh đó, huyện cũng lồng ghép tổ chức các lớp dạy nghề, tiếp cận khoa học - kỹ thuật, áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất, từng bước mở rộng mô hình. Mặt khác, lồng ghép các chương trình, dự án khác, nhằm tập trung cho hộ nghèo đa dạng hoá sinh kế để thoát nghèo bền vững”.
Một trong những dự án có tính hiệu quả cao là về đa dạng hoá sinh kế, với tổng vốn trên 8 tỷ đồng. Trong đó, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đang triển khai trên địa bàn huyện đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.
Gia đình bà Sơn Thị Hường, Ấp 6, xã Khánh Lâm, là hộ cận nghèo. Năm 2023, gia đình bà Hường được nhận hỗ trợ 5 con heo giống và 26 bao thức ăn chăn nuôi. Tận dụng khu vườn, bà còn nuôi thêm cá và trồng cây ăn trái, rau xanh để vừa phục vụ gia đình vừa tăng thêm thu nhập.
Với mô hình chăn nuôi heo được hỗ trợ, gia đình bà Sơn Thị Hườngđã thoát nghèo.
“Sau khi bán heo, tôi lấy vốn tái đàn và dự định sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng, nỗ lực hơn nữa để phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà Hường cho biết.
Bên cạnh đó, với những hộ nghèo không đất sản xuất, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ cất nhà để họ yên tâm lao động. Chị Hồ Thị Út Cưng, Ấp 6, xã Khánh Lâm, chia sẻ: “Cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, nhà cửa tạm bợ, dột nát, vợ chồng đi làm thuê nuôi 3 đứa con ăn học nên không khả năng cất nhà. Ðược địa phương hỗ trợ 44 triệu đồng, gia đình góp thêm hơn 50 triệu đồng xây dựng căn nhà, an cư, gia đình thêm yên tâm lao động, đến nay đã thoát nghèo”.
Ðược địa phương hỗ trợ cất nhà, vợ chồng chị Hồ Thị Út Cưng yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Ấp 5, xã Khánh Lâm có 176 hộ dân, trong đó còn 36 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Ðây cũng là một trong những ấp có hộ nghèo cao của xã, bởi đa phần là người dân từ nơi khác đến làm ăn rồi bám trụ lại. Vì thế, địa phương rất chú trọng rà soát, bình xét hỗ trợ vay vốn, con giống, đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng điều kiện thực hiện mô hình.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Ấp 5, chia sẻ: “Thời gian qua, địa phương tập trung thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân thoát nghèo về nhà ở, mô hình chăn nuôi, chuyển đổi ngành nghề, những hộ không có phương tiện thì hỗ trợ xe, vỏ máy. Riêng mô hình nuôi heo đạt hiệu quả khá cao, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Theo đó, trước khi triển khai mô hình, dự án cho bà con, ấp họp triển khai trong chi bộ, sau đó rà soát, bình xét các hộ nghèo, cận nghèo để có phương án hỗ trợ thiết thực nhất. Sau khi được hỗ trợ, ý thức của người nghèo được nâng lên rõ rệt, chí thú làm ăn, vươn lên ổn định cuộc sống”.
“Hiện nay, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện do không có kiến thức, kỹ năng lao động, sản xuất vẫn còn nhiều. Vì thế, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm được địa phương đặc biệt quan tâm. Năm 2024, chỉ tiêu tạo việc làm của huyện là 4 ngàn lao động, trong đó giải quyết việc làm trong tỉnh hơn 1.800 lao động, ngoài tỉnh hơn 2.100 lao động và 60 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đến nay được 47/60 lao động, đạt 78%). Qua đó, nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện để vươn lên trong cuộc sống”, ông Ðinh Cộng Hoà, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện U Minh, cho biết.
Hưng Thái - Gia Minh