Hiện nay, các sản phẩm thủ công đã và đang được nhiều người ưa chuộng, trong đó có sản phẩm túi xách, giỏ xách được làm từ dây nhựa. Thấy được hiệu quả từ nghề đan giỏ nhựa mang lại, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ðất Mới, huyện Năm Căn, đã tập hợp hội viên, chị em có tay nghề và phối hợp với cơ sở dạy nghề cùng các dự án hỗ trợ sinh kế mở lớp dạy nghề đan giỏ nhựa miễn phí cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giúp hội viên có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
- Tạo sinh kế cho phụ nữ nông thôn
- Hài hoà quản lý, khai thác và sinh kế
- Gỡ khó cho các mô hình sinh kế
- Thêm sinh kế từ nghề phụ
- Chuyển đổi nghề tạo sinh kế, khai thác bền vững
Hội LHPN xã Ðất Mới đã phối hợp với Dự án Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) và Cơ sở dạy nghề đan lát Nguyễn Thị Phượng ở huyện Cái Nước mở lớp đào tạo nghề đan giỏ nhựa cho 36 chị em phụ nữ ở ấp Tắc Năm Căn A. Trong suốt thời gian học 7 ngày, chị em được tài trợ toàn bộ học phí, tiền ăn, tiền đi lại, nguyên vật liệu thực hành.
Ông Phùng Hữu Tâm, cán bộ Dự án WWF, cho biết: “Trước khi xây dựng dự án, chúng tôi đã khảo sát các nhu cầu liên quan, từ đó trao đổi với nhà tài trợ và đề xuất dạy nghề đan giỏ nhựa để tạo điều kiện cho phụ nữ có việc làm ổn định”.
Nghề đan giỏ nhựa cũng khá đơn giản, dễ học, dễ làm, nguyên liệu dễ tìm, vốn ít, đặc biệt là có thể làm tại nhà, không ràng buộc về thời gian. Sau khi học, các chị em đều có thể làm ra sản phẩm để dùng hoặc bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Bà Nguyễn Thị Phượng hướng dẫn học viên cách bắt dây vào khung.
Không có việc làm ổn định nên khi được học nghề, bà Phạm Ngọc Hường, 58 tuổi, ấp Tắc Năm Căn A, vô cùng phấn khởi: “Tôi tham gia lớp học và tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đan giỏ, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Hiện tại, mỗi người trong lớp học đã làm được hơn 3 sản phẩm, chị em đều rất vui và thích thú”.
“Tôi mong muốn sau khi kết thúc lớp học sẽ thành lập tổ hợp tác và tìm được đầu ra sản phẩm để chị em vừa có thu nhập, vừa có thể duy trì nghề đan giỏ và quảng bá sản phẩm tới các địa phương khác, góp phần đưa nghề thủ công này ngày càng phát triển”, bà Trần Thị Mực, ấp Tắc Năm Căn A, chia sẻ.
“Hội sẽ thành lập tổ hợp tác tại ấp Tắc Năm Căn A, sau đó sẽ giới thiệu sản phẩm đến đầu mối chợ, trên các trang mạng Zalo, Facebook. Hiện tại, Hội cũng có một gian hàng trưng bày tại xã, nhằm quảng bá sản phẩm đến mọi người, giúp chị em nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Viên, Chủ tịch Hội LHPN xã Ðất Mới, cho biết.
Bà Viên cho biết thêm, đây là lớp đan giỏ nhựa thứ hai được Hội phối hợp tổ chức cho chị em hội viên. Trước đó, Hội phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau tổ chức lớp học cho 30 chị em phụ nữ ở ấp Cây Thơ tham gia và sau khi kết thúc đã thành lập tổ đan lát với 12 tổ viên, sản phẩm làm ra chủ yếu là giỏ, cặp và ba lô bằng dây nhựa, thu nhập từ 1-2 triệu đồng/tháng/tổ viên.
Gian hàng trưng bày sản phẩm giỏ nhựa được Hội LHPN xã Đất Mới thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã.
Ðất Mới là 1 trong 5 xã của vùng đệm thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được hỗ trợ sinh kế từ Dự án WWF. Ðây là chương trình thiết thực nhằm vận động, giới thiệu và hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn tham gia học nghề miễn phí và tạo việc làm, giúp chị em phụ nữ khởi nghiệp từ nghề đan giỏ nhựa.
Với đặc thù địa phương Năm Căn có hệ thống sông ngòi chằng chịt, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản, tuy nhiên, khoảng thời gian chưa đến nước xổ vuông đa phần là nhàn rỗi, do đó, công tác đào tạo nghề để tạo việc làm được xem là một trong những giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, hiệu quả của mô hình đan giỏ nhựa tại xã Ðất Mới đã đóng góp không nhỏ trong công tác giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn./.
Ngọc Bích