Hơn 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã nỗ lực cho mục tiêu đưa Cà Mau trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nhiều địa phương gặp khó khăn trong triển khai các mô hình thuộc dự án 2 về đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, cần sớm được tháo gỡ.
- Tạo sinh kế cho phụ nữ nông thôn
- Hiệu quả chính sách giảm nghèo
- Giảm nghèo phù hợp điều kiện thực tế
Ông Lê Văn Tam, Ấp 9, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, là một trong những hộ khó khăn được địa phương xét, hỗ trợ 150 con gà nòi với 2 bao thức ăn. Chưa hết vui mừng thì gia đình đối mặt với nỗi lo khi quá trình nuôi không mấy khả quan.
Theo anh Tam cho biết, đây là giống gà nòi nhỏ con nên giá trị không lớn. Với giá 70 ngàn đồng/ kg thì mỗi con thu nhập chưa tới 100 ngàn đồng.
Ông Tam kể: “Ban đầu gà lớn nhanh, nhưng qua tháng thứ 2, chúng bắt đầu có dấu hiệu bệnh và chết hàng loạt. Qua 10 tháng nuôi chỉ còn 16 con, giá cả bấp bênh, bán thì lỗ, mà để nuôi tiếp thì không có tiền mua thức ăn”.
Ðàn gà nòi nhà ông Lê Văn Tam từ 150 con giống ban đầu được hỗ trợ, sau 10 tháng nuôi chỉ còn 16 con.
Nguyễn Phích có 4 ấp đặc biệt khó khăn, nên rất nhiều hộ được hỗ trợ con giống phát triển kinh tế. Trong đó, nhiều hộ được hỗ trợ gà nòi và vịt xiêm lai.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban công tác Mặt trận Ấp 13, chia sẻ: “Trong dự án 2, ấp có 5 hộ được hỗ trợ nuôi vịt xiêm và 9 hộ nuôi heo sinh sản; nhưng 5 hộ được hỗ trợ vịt xiêm, qua thời gian nuôi, hiện không hộ nào còn vịt”.
“Ban đầu khi triển khai mô hình, ấp lấy ý kiến người dân. Có 10 hộ đăng ký nuôi gà nòi và 1 hộ nuôi vịt xiêm, nhưng đến hiện tại thì các hộ này quay lại cảnh “trắng tay” khi đàn vật nuôi lần lượt chết hết”, ông Nguyễn Văn Tự, Ấp 9, cho biết.
Mỗi hộ được hỗ trợ 150 con giống và thức ăn, tương đương số vốn là 18 triệu đồng. Sau khi hết thời gian thực hiện dự án, hộ nuôi sẽ hoàn 10% tổng vốn đầu tư cho địa phương và từ nguồn vốn này sẽ xoay vòng hỗ trợ những hộ khó khăn khác trên địa bàn. Thế nhưng, với những trường hợp hộ dân chăn nuôi không đạt hiệu quả thì vấn đề thu hồi 10% vốn gặp khó.
Ông Nguyễn Thanh Ril, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, nhìn nhận: “Từ thực tế mô hình trên địa bàn xã chưa mang lại hiệu quả kinh tế, xã rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn sau này. Về thu hồi vốn 10%, phải thu theo quy định, nhưng chắc sẽ gặp khó và chậm, vì các hộ này thuộc diện khó khăn”.
Nguyễn Phích không phải là địa phương duy nhất của tỉnh gặp khó khăn trong vấn đề hỗ trợ mô hình phát triển sinh kế cho các hộ dân thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Mới đây, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, có buổi làm việc với UBND huyện Cái Nước về tình hình thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Ông Trần Hoàng Ðạo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, chia sẻ: “Chỉ có mô hình nuôi heo là hiệu quả, còn lại những mô hình khác như nuôi tôm, nuôi gà, vịt chưa mang lại hiệu quả. Nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh..., đến lứa xuất chuồng thì giá cả bấp bênh, bán nhỏ lẻ, khó thu hồi vốn. Ða phần các hộ được hỗ trợ là hộ nghèo, thì làm gì có tiền để hoàn lại một phần vốn khi đàn vật nuôi của họ đã chết hết?”.
Ông Lê Văn Sử chỉ đạo các địa phương cần khắc phục ngay những vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo. Các sở, ngành liên quan cần ngồi lại tìm giải pháp hướng tới vận động và triển khai trong dân mang lại hiệu quả. Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài chính gấp rút ra thông báo cho Chủ tịch UBND các huyện chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã rà soát, báo cáo tình hình thực hiện các chương trình MTQG, gửi về chung một nhóm để các sở theo dõi, tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh, xem trách nhiệm thuộc sở, ngành nào để cùng nhau tháo gỡ, giúp địa phương thực hiện tốt các chương trình, dự án./.
Kim Cương