Cuối tháng Bảy, những người đã kinh qua đời lính, những ai đang hát tiếp khúc quân hành lại bùi ngùi tưởng niệm về một ngày trọng đại: ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.
Cuối tháng Bảy, những người đã kinh qua đời lính, những ai đang hát tiếp khúc quân hành lại bùi ngùi tưởng niệm về một ngày trọng đại: ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.
Để có được một Cà Mau đang vươn sức như hôm nay, đã biết bao nhiêu lớp người nằm xuống. Bao nhiêu mất mát, bao nhiêu bom đạn, bao nhiêu máu xương, bao nhiêu cảnh đời. Chiến tranh đã qua nhưng những vết hằn sâu của nó vẫn còn đó.
Ðại tá Võ Hà Ðô (chú Tư Ðô), mở bung cánh cửa sổ trong phòng làm việc, nắn nót những dòng chữ, nói: “Ký ức cứ cựa quậy hoài không yên, mình còn sức là còn viết. Viết về những trận đánh đã qua, viết về đồng đội, viết về một thời mình đã sống và chiến đấu”. Ðiều trăn trở lớn nhất cuộc đời của chú là 1,6% cựu chiến binh của tỉnh (toàn tỉnh có 30.000 hội viên) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua lời chú, mới biết chiến tranh vẫn ám ảnh cuộc sống người lính. Thương tật, bệnh hoạn, con cái tật nguyền do chất độc hoá học, chưa đất, chưa phương kế sinh nhai. Gắn bó với công tác hội, chú luôn sẵn sàng cho những chuyến đi. Chú về tìm lại đồng đội, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của anh em, ghi nhận những trường hợp quá khó khăn. Y như rằng, mỗi lần thấy một hoàn cảnh éo le, chú lại nhiều đêm mất ngủ.
Miệt mài với công việc hội, chú Tư Đô dành thời gian để viết, viết về lịch sử, về đồng đội, về cuộc sống… |
Tuổi 20 với ai cũng đẹp, chú Tư chọn lẽ sống vì Tổ quốc. Một đêm, người mẹ đảng viên một mình nuôi đàn con 10 đứa gọi chú lên nói: “Tư, ở nhà có anh em lo, con đi để đóng góp sức mình cho quê hương”. Thế là chú Tư Ðô lên đường, tham gia giải phóng Cà Mau. Trong hồi ức về miền quê Tân Hưng Tây, chú Tư chia sẻ: “Nhà nghèo lắm, chạy giặc liên miên, mồ côi cha, nên má càng vất vả. Nhưng chưa bao giờ má để mình thối chí”. Trình độ lớp 3 trường làng, chàng thanh niên lại tỏ ra đặc biệt có năng khiếu viết. Trang giấy và cây viết của chú Tư đã đi qua ngày giải phóng, qua các trận đánh ác liệt trên chiến trường Campuchia. Tuổi trẻ của chú cũng đã gởi hết vào nơi sự sống, cái chết chỉ mỏng manh như một lằn đạn.
Ở một cảm nhận rất khác về chiến trường Campuchia, chú Tư Ðô khắc khoải: “Tuổi trẻ mình không sợ hy sinh, chỉ có điều tình cảm hậu phương xa xôi quá. Anh em ai cũng thèm nghe một giọng nói, một dáng hình con gái của quê hương, xứ sở”. Sau mỗi cuộc chiến khốc liệt, lấy đất bạn làm quê hương, tình đồng đội làm ruột thịt, những chàng trai vì chính nghĩa lại quây quần bên nhau, nhìn nhau để tin về một ngày không xa sẽ trở về Tổ quốc. Hình ảnh anh em lúc đó hay tưởng tượng là một khung cửa sổ, bầu trời xanh trong, cánh chim câu tung bay trước gió. Mở cửa sổ và cả trời đất hoà bình sẽ nằm trong tầm mắt. Ðất mẹ Việt Nam yên bình, đón chào những người con trở về.
Nhưng, có những người mãi mãi bỏ lại tuổi thanh xuân ở nước bạn, có những người trở về với những thương tích nặng nề. Chú Tư Ðô tâm sự: “Chiến tranh mà, ở đâu cũng có chuyện buồn. Mình may mắn hơn đồng đội, 5 năm ở nước bạn, thuộc lực lượng rút về nước sau cùng mà vẫn lành lặn”. Người ta nói, ở chiến trường chỉ có đạn né mình, chứ chẳng cách nào né đạn. Nhiều phút sinh tử, chú Tư nhớ da diết về người mẹ, về đàn em nheo nhóc. Nhưng trong nỗi nhớ, người mẹ tần tảo, đàn em nhỏ, quê nghèo lại đẹp lạ kỳ. Chú thèm nghe tiếng mẹ, tiếng đùa giỡn của các em. Phải chi đừng có chiến tranh... Nghĩ tới đây, chú Tư Ðô nói với đồng đội: “Mầy ơi, tao thèm hoà bình quá”.
Trên những chặng đường chú Tư đi, có những câu chuyện in sâu vào tâm trí về đồng đội năm xưa. Thật bất ngờ, người Ðại uý, Chính trị viên tiểu đoàn trên chiến trường Campuchia Huỳnh Thanh Vân lại rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Gặp lại người đồng đội trên đất Hoà Mỹ, Cái Nước, chú Tư Mác Vót (biệt danh của đồng chí Huỳnh Thanh Vân) trên một cái chòi giữa đồng khô mông quạnh. Hai chú Tư ôm nhau khóc. Chú Tư Mác Vót nói “tao có 3 công đất, chia 2 thằng con mỗi đứa 1 công, tao còn 1 công”. Chú Tư Mác Vót từng là chỉ huy của nhiều đồng chí hiện giữ nhiều trọng trách của Quân khu 9, giờ lại ở thế túng quẫn như vầy. Chú Tư Ðô mạnh dạn trình bày ý kiến hỗ trợ cho chú Tư Mác Vót lên Bộ Chỉ huy Quân sự Cà Mau và Bạc Liêu, sau đó 1 căn nhà tươm tất 50 triệu hoàn thành trong niềm vui “hết lớn” của chú Tư Mác Vót.
Đại tá Võ Hà Đô, quê quán: Xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Nhập ngũ năm 1975, thuộc Đại đội Trinh sát của Tỉnh đội Cà Mau. Tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam tại Kiên Giang năm 1979. Tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia 5 năm. Sau khi về nước, ông công tác tại Quân khu 9, đến năm 1997 thì chuyển về công tác tại Tỉnh đội Bạc Liêu. Suốt thời gian này, ông viết nhiều bài cho tờ tin U Minh Quyết Thắng (tiền thân là tờ U Minh Anh Dũng), cộng tác đắc lực với Báo Minh Hải, sau này là Báo Bạc Liêu, Báo Cà Mau về các hoạt động của lực lượng vũ trang. Sau khi nghỉ hưu về công tác tại Hội Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau, giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo. Đại tá Võ Hà Đô là thành viên của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Cà Mau, sưu tầm tư liệu, nhân chứng lịch sử, đóng góp vào việc nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ Cà Mau. Ông còn có nhiều bài viết đầy xúc động về đồng đội, gương người tốt - việc tốt đăng tải trên Báo Cà Mau. |
Chú Tư Mác Vót từng chia sẻ với chú Tư Ðô: “Tao làm Thường vụ Hội Cựu chiến binh xã, đi công tác hoài, ngặt nỗi chỉ có chủ tịch với phó chủ tịch mới có lương”, sau đó cười xoà. Chú Tư Ðô cảm phục: “Người lính có cái chất lạc quan không thể kiếm ở đâu được, hoàn cảnh là vậy mà anh Vân đi hoạt động xã hội suốt”. Liền theo đó, chú Tư Ðô lại trăn trở: “Ờ, sức của hội có hạn, mà những hoàn cảnh ngặt nghèo thì mình đâu giúp được, nếu Nhà nước có chính sách bảo trợ những đối tượng đó thì may ra những người cựu chiến binh nghèo mới có thể ổn định cuộc sống”. Mày mò thu thập từng hoàn cảnh, chú Tư Ðô cùng lãnh đạo Hội mong nguyện vọng này sẽ sớm trở thành hiện thực.
Chú Tư Ðô có cái thẳng tính của người lính, cái hóm hỉnh của một người thông minh: “Có ăn học gì đâu con ơi, đánh giặc miết, nhưng buông súng là viết, viết riết rồi thành quen. Sau này trở về học bổ túc bập bõm rồi cũng tốt nghiệp, đúng là môi trường quân đội đã làm nên Võ Hà Ðô bây giờ”. Chú Ðô kể vui: “Ði chiến trường nước bạn về mất người yêu luôn cháu, chưa kể những lần về phép thăm má, trời đất ơi khổ tới mức chú không nỡ ra đi. Má rầy la, và cứ thế lại xông vào trận đánh”. Kết thúc nghĩa vụ quốc tế, chú Tư Ðô về công tác ở Quân khu 9, rồi về Bộ Chỉ huy Quân sự Bạc Liêu. Hết tuổi công tác chú mới về Cà Mau. Chú nói: “Mình còn sức còn cống hiến, trở về Cà Mau sau một chặng đường dài mới biết đi đâu cũng không bằng đất mẹ”. Ở Cà Mau, chú có một khung cửa sổ, một bầu trời xanh với những cánh chim câu tung bay trước gió…
Bút ký của Phạm Nguyên