Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2024-2025, ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), cho biết, toàn ngành sẽ tập trung quán triệt phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong mọi hoạt động giáo dục: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, làm chủ thể - thầy cô giáo làm động lực - nhà trường làm bệ đỡ - gia đình làm điểm tựa - xã hội làm nền tảng".
- Sắp xếp lớp học cần linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế
- Thủ tướng nhấn mạnh 5 phương châm trong phát triển giáo dục
- Tạo sự thông thoáng trong cơ chế quản lý giáo dục
- Xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục tỉnh đề ra trong năm học mới 2024-2025?
Ông Lê Hoàng Dự: Trong năm học mới này, ngành giáo dục tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với tất cả các khối lớp, trong đó tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12 bảo đảm hoàn thành chương trình năm học và nâng cao chất lượng giáo dục trung học. Chuẩn bị tổ chức đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2020-2025; đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập. Tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS; đẩy mạnh công tác xoá mù chữ, nhất là những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện công tác phát triển mạng lưới trường, lớp; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018. Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục bảo đảm chất lượng thực hiện Chương trình GDPT 2018; chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên. Thực hiện hiệu quả việc quản lý giáo dục, quản trị trường học; bảo đảm dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả trong các cơ sở giáo dục trung học; tổ chức tốt các phong trào thi đua. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền. Ngoài ra, triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực chuyển đổi số trong dạy học và quản lý giáo dục; tập trung thực hiện chuyển đổi số trong quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
Năm học này bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với tất cả các khối lớp. (Ảnh minh hoạ)
- Xin ông chia sẻ những điểm mới của năm học 2024-2025?
Ông Lê Hoàng Dự: Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT đã xác định trong năm học mới, ngành giáo dục có những nhiệm vụ trọng tâm như: triển khai ngay nội dung Kết luận 91 của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XI; Bộ GD&ÐT tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8; xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch giáo dục, đào tạo. Năm học này cũng là năm sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT mới.
- Ðể thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ và đảm bảo chất lượng giáo dục năm học 2024-2025, Sở GD&ÐT có những chỉ đạo gì, thưa ông?
Ông Lê Hoàng Dự: Sở GD&ÐT chỉ đạo phòng GD&ÐT các huyện, TP Cà Mau và thủ trưởng các đơn vị, trường học tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra nền nếp dạy và học, đảm bảo tất cả các hoạt động dạy học và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường luôn được thông suốt, nghiêm túc và có chất lượng. Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, vận động, duy trì sĩ số học sinh, trẻ đến lớp; có biện pháp thiết thực hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm giảm tối đa tình trạng học sinh bỏ học. Trên cơ sở rà soát việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú và dạy học tiếng Anh tăng cường năm học 2023-2024, triển khai những giải pháp thực hiện cho năm học 2024-2025 và những năm học tiếp theo nhằm đảm bảo quy định, phù hợp thực tế của địa phương và đạt hiệu quả.
Năm học 2024-2025, ngành giáo dục chú trọng thực hiện công tác phát triển mạng lưới trường, lớp; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018.
Củng cố và nâng chất lượng phổ cập giáo dục THCS, xoá mù chữ cho người lớn; đặc biệt, quan tâm công tác xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện nghiêm túc quy định về điều kiện đảm bảo và nội dung quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại Thông tư số 07/2016/TT-BGDÐT ngày 22/3/2016 của Bộ GD&ÐT.
Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, xét khen thưởng học sinh theo quy định của Bộ GD&ÐT và các hướng dẫn của Sở GD&ÐT. Xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, đánh giá đảm bảo chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh. Tổ chức xét hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS cho học sinh đúng thời gian quy định, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tham gia tuyển sinh vào lớp 6 và lớp 10 năm học 2025-2026.
Về ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thực hiện xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ÐT phù hợp với điều kiện đơn vị, từng nhóm đối tượng, không gây quá tải, đảm bảo sức khoẻ học sinh; lưu ý tổ chức ôn tập cho những học sinh đã hoàn thành Chương trình THPT 2006 có nguyện vọng tham gia kỳ thi, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo nhiệm vụ và quyền hạn, các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện lựa chọn sách giáo khoa, tuyển sinh đầu cấp cho năm học 2025-2026 phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo nguyên tắc, quy trình, thời gian, đầy đủ hồ sơ và báo cáo đúng quy định.
- Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Anh thực hiện