ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 19:30:13
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðảo xa…...

Báo Cà Mau Vy xoay người lại dụi đầu vào ngực Nha. Trời về đêm đã mát mẻ hơn, có lẽ thích hợp cho giấc ngủ sâu sau một ngày nóng nực. Cu Bin nằm kềnh càng ngủ ngon lành sau cả tiếng đồng hồ khóc hờn đuối sức.

Đêm ấy là một đêm khó ngủ. Nha nằm trằn trọc trên chiếc giường gập chật chội đặt ngoài sân khu trọ với nhiều ý nghĩ lộn xộn, chập chờn, đứt quãng trong tiếng đánh muỗi bôm bốp vang lên. Nha nghĩ đến chuyến đi vào sáng sớm ngày mai tới Khánh Hoà để tạm biệt đất liền ra đảo.

Nha không nhớ trong đời làm báo của mình có bao nhiêu chuyến đi lầm lũi, lụi cụi vào sáng sớm như thế. Nhưng lần này có chút gì đó khác lạ hơn, như thể vừa là nỗi buồn, vừa là niềm xao động khua khoắng lòng Nha. Khẽ hướng ánh nhìn vào căn phòng tối om vẫn đang mở toang cửa, Nha ngửi thấy mùi da thịt của Cu Bin.

Chao ôi thứ thịt da thơm mùi sữa của trẻ con nó dễ làm lòng người nguôi ngoai hờn giận. Hình như Nha nghe thấy tiếng người vợ trẻ thở dài nhưng anh thì chẳng thể vỗ về, an ủi được gì. Không phải vì Nha không thương, chỉ đơn giản là lòng anh cũng héo rũ và mỏi mệt qua nhiều năm tháng. Mà Vy thì cứ như trẻ con hờn dỗi hoài…

Minh hoạ: Hoàng Vũ

Nha đã gần bốn mươi tuổi, lăn lộn với nghề báo hơn chục năm trời, đủ để anh thấy cuộc đời mình nhàu nhĩ đi nhiều. Ðã từng làm việc cho bốn tờ báo, tiếp xúc với đủ loại hỉ nộ ái ố trên đời, đến giờ Nha mới nhận ra hình như mình viết báo vì đó là công việc chứ không phải là niềm đam mê như anh vẫn nghĩ. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nha nghĩ về nghề báo có phần lý tưởng quá. Nha mường tượng mình trở thành một chiến sĩ trên mặt trận văn hoá mọi lúc mọi nơi, sẽ chiến đấu vì lẽ phải.

Ôi chao! Giờ nghĩ lại Nha thấy nóng ran cả mặt vì xấu hổ. Thành thật mà nói có lẽ người cầm bút nào cũng ít nhất một lần xấu hổ như Nha. Bởi vì cuộc đời không phải là bài học trong giáo án. Ngòi bút cầm trên tay mình cũng có khi phải ghìm chặt đến bật máu vì không muốn bị người khác bẻ cong. Cũng có khi viết xong một bài báo, Nha tự nguyền rủa mình đang viết thứ nhạt nhẽo này chỉ vì vài đồng nhuận bút. Viết thứ chẳng đặng này chỉ vì cho có đủ chỉ tiêu. Viết những thứ lằng nhằng để bạn đọc giải khuây, để bán báo được nhiều, để kiếm tìm các hợp đồng quảng cáo…

Ðâu hết rồi lý tưởng tốt đẹp ban đầu, sao sáng nào cũng chỉ thấy cơm áo gạo tiền đè nặng lên ngòi bút. Nha mệt lắm, như một kẻ đi cày đuối sức trước cánh đồng khô khốc mênh mông. Ðã không ít lần anh nghĩ đến chuyện nghỉ việc, nhưng bỏ nghề thì biết làm gì? Rồi Nha lại quay ra trách cứ bản thân. Chắc tại anh tài hèn sức mọn đó thôi, đồng nghiệp của anh ai chẳng cần ăn mới sống vậy mà cũng có những người làm rất tốt công việc đó thôi. Hoặc là anh chưa tìm thấy một nơi phù hợp để lao động và cống hiến. Hoặc là Nha đã sai lầm ở đâu đó, trong một mắt xích nào đó chăng?  Nha vẫn mong một ngày nào đó sẽ có một chuyến đi đủ thú vị với mảnh đất có những con người đặc biệt, đủ đánh thức lòng yêu nghề trong anh. Nhưng qua hàng trăm những chuyến đi xa gần từng mòn vẹt lốp xe và những đế giày mà sao anh thấy vẫn cô đơn, lạc lõng.

Vậy mà Vy không hiểu, cứ tưởng anh sung sướng trong những chuyến đi rong ruổi nên chì chiết anh hoài. Như tối ấy, khi vừa nghe tin anh sẽ theo đoàn phóng viên ra đảo để nắm bắt tình hình chân thực tại biển Ðông trong những ngày dậy sóng, Vy đã dằn dỗi bỏ cơm, quay lưng khóc tấm tức bỏ mặc con đang quấy khóc. Vy không thích Nha đi xa bỏ lại một mình cô xoay xở với đứa con chưa đầy một tuổi với vô số việc lặt vặt trong nhà. Vy đã nghỉ làm gần một năm nay vì Cu Bin hay quấy quá, lại đau ốm liên miên nên chẳng thuê được người trông. Thằng bé lúc nào cũng khóc ngặt nghẹo trên tay nên chắc là Vy mệt lắm. Nha hiểu nhưng Nha cũng đang cố gắng mệt nhoài mong cố qua những tháng ngày vất vả này. Nha chỉ mong Vy hiểu rằng anh làm mọi thứ cũng vì vợ con nên làm ơn để cho anh thở một chút. Ở cơ quan đã áp lực, về nhà còn dằn vặt nhau thì sao sống nổi. Nhưng giờ nằm đây nghĩ về sóng biển ngày mai tự nhiên lại thấy thương Vy quá đỗi. Cùng phận đàn bà mà bạn bè sung sướng, thảnh thơi, còn Vy vì lấy anh nên khổ. Biết thế này Nha cứ ở vậy thì hơn. Mắt Nha cay khi nghĩ về sự nóng giận của mình lúc tối. Nha có tát con một cái mạnh tay vì bực mình với vợ. Thằng bé đã khóc thét lên đổ nhào vào lòng mẹ nó, vừa nãy Nha còn nghe thấy tiếng con nấc tủi thân tức tưởi. Chắc là nó đau. Nha tệ quá…

Thời tiết thì oi bức, hành lang xóm trọ giống một trại tị nạn mỗi đêm hè. Phòng nào cũng có người kê giường gấp ra sân nằm ngủ cho mát. Ðược tí gió trời thì gặp ngay đàn muỗi nên cả xóm cứ rục rịch suốt đêm. Nha đoán Vy cũng chưa ngủ được, một phần vì nóng, một phần vì nghĩ ngợi nhiều. Mai Nha đi rồi, ừ thì anh đâu thể không đi vì đó vừa là nhiệm vụ của toà soạn giao, vừa là vinh dự. Bởi có rất nhiều đồng nghiệp khác tha thiết xin đi nhưng tập thể đã chọn anh. Nha cũng chồn chân mỏi bước lắm rồi, nhưng nghề báo là công việc anh đã dấn thân. Chẳng phải lúc đầu Vy cũng vì yêu công việc của Nha mà đem lòng thương mến đó sao? Mà suy cho cùng cũng chẳng nên trách nhau làm gì, có chăng là trách cuộc đời nhiều khắc nghiệt. Người ta đánh mất mình sau hôn nhân khi có con nheo nhếch, khi đủ loại hoá đơn chờ chi trả, khi tình yêu cũng chìm khuất đâu đó lẫn trong những lo toan. Hay nói đúng hơn thời gian sẽ khiến chúng ta không còn nhiệt huyết ban đầu nữa. Phải thương lấy nhau mà sống, nghĩ về cái tình mà bao bọc và chịu đựng lẫn nhau. Lòng Nha trũng xuống, nặng trịch và tê tái vì những ý nghĩ lộn xộn và nhàu nhĩ. Anh đứng dậy nhẹ nhàng bước vào nhà nằm xuống cạnh vợ con. Nha thấy vai Vy rung lên, khẽ ôm choàng qua lưng vợ, anh dỗ dành bằng tất cả lòng thương xót:

- Muộn rồi… thôi ngủ đi em.

- Ngày mai mấy giờ anh đi?

- Anh sẽ đi sớm nên không đánh thức mẹ con em. Anh đi rồi sẽ mau về, em đừng suy nghĩ nhiều.

Vy xoay người lại dụi đầu vào ngực Nha. Trời về đêm đã mát mẻ hơn, có lẽ thích hợp cho giấc ngủ sâu sau một ngày nóng nực. Cu Bin nằm kềnh càng ngủ ngon lành sau cả tiếng đồng hồ khóc hờn đuối sức.

                            * * *

Nha đã có mặt trên chuyến tàu chở phóng viên ra Trường Sa. Hình như có chút nôn nao vì sóng biển hay vì đất liền đã lùi lại rồi mất hút giữa trời nước mênh mông. Ðồng nghiệp của Nha hình như ai cũng hừng hực khí thế cho chuyến tác nghiệp này. Cũng đúng thôi, vì tình hình ở biển Ðông lúc ấy đang rất nóng kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ đều là những phóng viên chủ lực của các báo, họ giàu nhiệt huyết dù họ không còn trẻ, họ khiến Nha tìm thấy mình của nhiều năm về trước. Chao ôi! Nha muốn được sống phơi phới như lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay giữa biển khơi rộng lớn này. Bao nỗi lo toan đã để lại đất liền, Nha phải tranh thủ khơi lửa lòng mình. Lúc đó Nha cũng như bao nhiêu đồng nghiệp khác, chỉ quan tâm đến duy nhất một điều đó là theo sát và đưa tin về tình hình biển Ðông bằng những bức ảnh chân thực, những nhận định chính xác, những thông tin thiết thực. Có ra đấy mới hiểu hết sự dũng cảm, bình tĩnh, khôn khéo của các cảnh sát biển cũng như sự can trường bám biển của kiểm ngư trước mọi âm mưu xâm lược. Họ đã sống kiên cường như ngọn sóng trước mọi bão táp hiểm nguy. Họ nuôi dưỡng lòng tin yêu cho dẫu ngày mai có thể phải nằm lại biển sâu này.

Tàu kiểm ngư mang số hiệu 9296 chở Nha cùng nhiều phóng viên khác tiếp cận giàn khoan HD981. Sau khi bị các tàu Trung Quốc tấn công thì đã có một cuộc đấu vòi rồng gay cấn. Từ ca bin của tàu, Nha có thể cảm nhận được áp lực nước khủng khiếp từ vòi rồng dội xuống. Ðấy là chưa kể cú húc thẳng và mạnh vào thành tàu trước đó khiến mọi thứ chao đảo. Nha cảm thấy có gì đó không ổn, đầu óc anh choáng váng theo từng cái lắc lư của thành tàu. Tiếng đồng nghiệp vang bên tai bằng những câu hỏi ngắn, dứt khoát, đầy bản lĩnh và không hề run sợ. Trong thoáng chốc thôi mà có rất nhiều ký ức trôi qua trong đầu Nha. Anh nhớ đến chuyến tàu của hơn mười năm trước, khi anh mới chập chững vào nghề. Anh cùng đồng nghiệp đi viết bài phóng sự điều tra về tình trạng lậu vé tàu khi trong túi chỉ đủ tiền mua vé và ba cái bánh mì dai nhách. Chuyến tàu ấy bị chệch bánh khi đâm phải một chiếc ô-tô tải đang cố lao qua đường sắt. Một cú va đập mạnh khiến Nha đập đầu vào cửa sổ. Ðầu óc anh đau đớn u mê, choáng váng như muốn xỉu. Lúc hoàn hồn hoảng hốt tìm đồng nghiệp, hai thằng ôm choàng lấy nhau vì thấy mình còn sống.

Nha nhớ đến lần đi tác nghiệp bị xe tông văng ra giữa đường quốc lộ đúng đoạn trời tối om và xe cộ thì lao đi vùn vụt. Hay những lần theo kiểm lâm luồn rừng âm u, nửa đêm bàng hoàng nghe súng nổ bên tai. Lúc trở ra khỏi rừng thấy mặt mày hốc hác, râu ria xồm xoàm như người thú mới thở phào biết mình còn sống. Nha đã biết bao lần bầm dập với nghề như thế nhưng hình như vẫn không thấy hiểm nguy như lần này giữa sóng biển mù khơi. Tàu lại bị húc mạnh, cú va đập đánh bật Nha từ ký ức trở về với thực tại. Rất có thể kính sẽ vỡ và khi ấy nguy cơ thương vong rất cao. Nha không sợ hiểm nguy và cái chết. Ðiều mơ hồ khiến Nha sợ hãi hình như đang nằm ở đất liền. Ðêm qua Nha nhận được tin nhắn của Vy báo Cu Bin bị sốt cao. Thao thức cả đêm dõi ánh nhìn ra biển khơi vời vợi tự nhiên Nha nghĩ biết đâu mình không trở về. Lúc ấy vợ con anh sẽ sống ra sao? Giờ đây ý nghĩ ấy quay lại nhưng tuyệt nhiên Nha không hề sợ hãi. Nha thấy mình của nhiều năm về trước, kiên định và vững vàng hơn. Ừ thì có thể Nha sẽ không trở về…

Tàu lại rung lắc mạnh đẩy Nha bổ nhào về phía trước. Không hiểu sao lúc này Nha lại nghĩ đến những ngôi nhà thấp thoáng sau tán bàng vuông. Những hộ dân sinh sống nơi đây chắt chiu đến từng nắm đất, từng ngọn rau xanh, từng hụm nước ngọt. Họ thiếu thốn nhiều thứ nhưng tình người thì luôn đầy ắp. Những tiếng cười trẻ nhỏ lẫn vào tiếng sóng rồi dội trở về lòng người sự bình yên vô tận. Nha có thể ngồi hằng giờ lắng nghe lớp học i tờ hay ngắm đoàn thuyền đánh cá cập bờ sau một đêm buông lưới. Những người đàn ông vạm vỡ nở nụ cười mặn mòi biển cả, không quên chia cho bộ đội ít thành quả mà mình có được. Bỗng nhiên Nha nghĩ họ giàu có biết bao nhiêu. Nhìn họ sống, nghĩ về họ Nha bỗng cảm thấy mình nhỏ bé. Chút mưu sinh nhọc nhằn đời Nha đâu có thấm tháp gì so với họ. Vậy mà ngày đêm Nha dằn vặt, trách móc bản thân. Nha nhăn nhó ủ rũ như cái cây thiếu nước. Nha làm cho không khí gia đình thêm ngột ngạt và ảm đạm. Nha đã bao giờ thử sống cạn mình như họ hay chưa? Nghề báo đã cho Nha cơ hội được đi và sống. Như lúc này đây, giữa biển đảo hiểm nguy, Nha chợt thấy ngọn lửa nhiệt huyết trong mình đang được nhen lên như chưa từng tàn lụi. Nha bỗng thấy nhớ người vợ trẻ và đứa con thơ dại, muốn choàng tay qua biển khơi ôm ấp họ vào lòng…

Tiếng đồng nghiệp vẫn chắc nịch bên tai. Những thuyền viên dũng cảm vẫn kiên cường đứng ở mũi tàu dùng vòi rồng cản phá tàu đối phương. Cuộc đối đầu diễn ra hơn một tiếng đồng hồ cuối cùng đã kết thúc, thiệt hại được thống kê. Những bức ảnh đắt giá được chụp, thông tin đã có, bao ý nghĩ vẩn vơ cũng dứt khỏi đầu Nha từ rất lâu rồi. Nha chỉ nghĩ đến nhiệm vụ cần hoàn thành bài gấp để gửi về đất liền, nơi có biết bao người đang trông ngóng, trong đó có vợ con Nha…

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.