ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-4-25 00:30:14
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đất Dớn tâm tình

Báo Cà Mau (CMO) Với bán đảo Cà Mau, chút dư vị ngọt ngào hoà điệu đồng bằng giờ chỉ còn vùng đất U Minh Hạ thuộc huyện Trần Văn Thời và U Minh.

Vùng đất trước đây như nhà Nam Bộ học Sơn Nam ví von là đất không có chân, trũng lầy và cư dân thì hoàn toàn mới mẻ. Những đồng năn, cỏ lác, sậy, tràm u u minh minh, màu nước dớn đỏ với trăm ngàn cay cực của đời lưu dân khai phá. Người ta chọn cho mình một cách thức khổ cực nhất, nhưng cũng vinh quang nhất, là dùng sức người để thuần phục đất đai. Cái khổ cực có thể kéo dài mải miết từ đời này sang đời khác, song thành tựu để lại cho hậu thế là những mảnh vườn, thửa ruộng trù phú, phì nhiêu có giá trị trường tồn.

Ghé thăm người quen cũ, anh Nguyễn Minh Đức (Phó ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), chúng tôi lắng nghe nhịp đất dớn chuyển mình. Vồ Dơi là địa danh được đặt theo đặc điểm của tự nhiên, khi rừng rú còn hoang sơ, dã thú và muôn loài làm chủ đất này. Con người về đây thật cô đơn và nhỏ bé. Anh Đức kể: “Có chủ trương giao khoán đất rừng năm 1988, Vồ Dơi cũng lập xóm, lập làng”. Dọc kênh T19 hiện nay là vùng ráng sậy, rừng chồi hỗn tạp, hậu quả để lại của những trận cháy rừng kinh thiên, động địa. Người về đây từ khắp nơi, với khát khao khai khẩn một miếng đất, một thửa ruộng của chính mình.

Những ngày đầu về đất Vồ Dơi, anh Đức vẫn còn là một thiếu niên hơn 10 tuổi, theo cha mẹ, anh chị khai khẩn đất mới. Thứ gốc tràm cháy còn kẹt dưới đất bùn, lỗ chỗ như hố bom, còn chất đất thì nhiễm phèn thâm căn cố đế. Người ta phải dùng búa danh gốc rễ cây tràm, lấy vá đào cho hổng chân rồi hì hụi dùng xà beng cạy lên, lật ngửa để chất thành đống. Rồi cũng bằng sức người, miệt mài lên giồng, kê liếp, phải mất mấy năm sau, khi đất thịt rỏ phèn mới dám cấy lúa. Cây lúa mới đầu bén đất dớn xanh um, nhìn mướt mắt, nhưng càng về sau càng èo uột, teo tóp vì rễ trúng chân phèn. Bao nhiêu náo nức được thay bằng sự hoài nghi, chán nản. Nhiều người lần lượt bỏ đất mà đi nơi khác mưu sinh.

Anh Nguyễn Minh Đức gắn bó với vùng đất dớn phèn Vồ Dơi trên 30 năm. Từ nguồn lợi của rừng tràm và các sản vật, vợ chồng anh đã gầy dựng cơ ngơi đàng hoàng, nuôi 3 đứa con trưởng thành. 

Hồi nhớ của anh Đức về khoảng thời gian hơn 30 năm trước vẫn vẹn nguyên. Không đường, không điện, không trường học, không trạm xá, không có cả nước ngọt mùa hạn. Người trụ lại chỉ có 2 dạng: Một là hết đường để đi; Hai là những người nhìn thấy tương lai của đất. Cha mẹ anh Đức đã động viên con cái thế này: “Đất ở đây là đất phân, chừng nào thành thuộc thì trồng gì cũng tốt, làm giàu mấy hồi”. Vậy là ngày ăn cơm phải giăng mùng tránh muỗi, đêm xuống bập bùng ngọn đèn dầu. Ăn uống kham khổ, ngày đêm đào đất, đắp bờ, kê liếp, phát dọn cây cối hoang tạp... những người trụ lại dần thấy đất đai trở nên thành thuộc, phì nhiêu. Lúa mà 5-7 giạ/công, người ta bắt đầu trồng chơi mấy bụi chuối sau vườn, trên các liếp cao ráo phèn. Cây chuối gặp đất phân dớn thì như bén duyên nhân ngãi, trổ buồng, đâm tược. Vậy rồi nhà nhà trồng chuối, và khi chuối trở thành mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế, người nông dân bắt đầu thấy yên tâm. Cây chuối chính là bước ngoặt lớn nhất của đất này. Cây chuối là cứu cánh giúp người Vồ Dơi vượt qua thời đoạn khó khăn nhất.

Sau đó, đồng loạt người Vồ Dơi từ bỏ cây lúa kém hiệu quả. Họ lựa chọn một hướng đi khác, đó là rừng tràm cộng với các sản vật của rừng tràm. Trên diện tích mỗi nhà khoảng 5 ha, một nửa người ta trồng tràm, một nửa là chuối, bông súng, hoa màu, cá đồng. Trồng tràm cũng lắm truân chuyên. Với kinh nghiệm của bản thân, anh Đức cho biết: “Hồi xưa mình trồng tràm theo cách tự nhiên, khoảng 10 năm mới khai thác, cộng thêm giá cả quá thấp nên thu về chẳng được bao nhiêu”. Hiện nay, trồng tràm người dân cũng kê liếp, thời gian khai thác rút ngắn chỉ còn 5 năm, giá tràm ổn định nên thu nhập khá.

Bà Lê Thị Tiếng về đây hơn 10 năm mà kể chuyện nhà mình như đã lâu lắm: “Về đây còn đốt đèn cóc con ơi! Lộ làng không có. Đất là đất mua lại của người ta, vậy mà cũng cực khổ cải tạo lắm!”. Sau hơn 10 năm, cơ ngơi của bà thật khiến người ta ngưỡng mộ. Nhà cửa khang trang, thu nhập từ rừng, chuối, bông súng, hoa màu giúp bà mua được 2 chiếc xe tải để làm đầu mối thu mua chuối nguyên liệu khắp vùng. Bà Tiếng tâm sự: “Cây chuối ta vậy mà bền, còn các loại chuối khác vùng này trồng được đó, nhưng đầu ra bấp bênh”. Qua lời của bà Tiếng thì dân Vồ Dơi bây giờ sống khoẻ, ai chí thú làm ăn thì chuyện khá giả, làm giàu không phải là điều quá khó khăn.

Ông Ba Lành khát khao làm mới đất dớn phèn. Trong tay ông là vườn quýt 2 ngàn gốc đang tuổi thu hoạch.

Điều băn khoăn lớn nhất là giá cả và đầu ra các sản vật rừng tràm. Bông súng Đà Lạt thời điểm giá cao tới 8 ngàn đồng/kg, nhưng lúc đông ken chỉ còn 1 ngàn đồng/kg, thậm chí thương lái còn không thèm mua. Giá chuối cũng vậy, lúc cao, lúc thấp, lúc dội chợ đành đem cho cá ăn. Người Vồ Dơi bắt đầu tính toán để làm ăn lớn, mơ những giấc mơ lớn hơn. Và rồi có một lão nông tiên phong thử nghiệm trồng cây quýt, cây cam trên đất dớn, ông Hà Văn Lành.

Mùa trước, chúng tôi có ghé thăm ông Lành dịp vườn quýt trĩu trái sắp thu hoạch. Lúc đó ông nhẩm tính, mùa tết này thôi (Tết Kỷ Hợi 2019), tính phỏng cũng “ẵm” cỡ 200 triệu đồng chớ chẳng chơi. Tính toán của ông rất chính xác, nhưng có một chuyện mà ông chưa tính tới, đó là bị bọn gian thương mua xong rồi quỵt mấy chục triệu đồng. Gặp nhau, ông Lành cười như mếu: “Nông dân như tôi chỉ biết mần, mần cực cỡ nào cũng được, hà cớ gì tụi nó mua rồi không trả tiền cho mình. Mồ hôi, công sức, tiền bạc đổ ra, đau đứt ruột con ơi!”. Rồi cơn xúc động qua nhanh, ông lại dẫn chúng tôi ra vườn quýt mới trổ trái đón mùa tết năm nay. Cả vườn quýt 2 ngàn gốc, ông tính sơ mỗi gốc thu ít nhất 1 triệu đồng, chúng tôi tính tiếp: “Vậy là tiền tỷ hả chú Ba?”, ông nhoẻn miệng cười: “Nếu hanh thông hết là vậy đó con!”. 

Một ngày ở xóm Vồ Dơi, chúng tôi ghé lại rẫy khổ qua nhà chị Phan Bích Liên, người được mệnh danh làm rẫy mát tay nhất tuyến T19. Mỗi mùa rẫy, chị Liên thu hoạch trên dưới 1,5 tấn rau màu, chủ lực là mướp, bí đao, khổ qua. Chỉ đống khổ qua trái to hơn bắp tay người lớn, chị Liên nói: “Trái bự cỡ này mà nhà nào mua làm món khổ qua dồn thịt thì mau hết thịt heo lắm à!”. Nhiều người khách vãng lai, thấy đống khổ qua cũng ghé lại và nói một câu góp vui: “Nhìn khổ qua đã con mắt quá, ghé lại ngó chơi”. Đường sá về Vồ Dơi giờ ngon lành, xe tải đầu mối tới tận cửa thu mua, nông sản làm ra của bà con vì thế được lợi nhiều đường.

Chị Phan Bích Liên rất mát tay trong nghề trồng rẫy tuyến T19 với lứa khổ qua ngoại cỡ mới thu hoạch chờ xuất bán. Ảnh: Quốc Rin

Cơn mưa bất chợt giữa mùa U Minh Hạ, chúng tôi tạt vào ngôi nhà ven đường trú mưa, thấy đôi vợ chồng trẻ đang rửa bông súng đồng dưới bến. Khung cảnh bình yên, gợi lên trăm chiều cảm xúc. Đất dớn giờ đã thành thuộc, đường nối đường, nhà nối nhà, xóm làng rộn rịp. Thì là vậy, vợ chồng có nhau như đất đai nơi đây có bàn tay chăm sóc của con người. Ngoài xa là đám bông súng trổ bông đỏ hồng dưới những con kênh tít tắp, là giàn mướp trái lủng lẳng oằn sai, là những xuồng chuối khẳm đầy chờ xuất bán... Đâu đâu cũng là sản vật của đất dớn, gợi lên màu của ấm no và hy vọng. Nghe anh Đức nói, xóm Vồ Dơi đang được tính toán để thành điểm tham quan du lịch, bà con đang thí điểm thêm mô hình nuôi cá bống tượng hầm đất... Bao nhiêu thứ cứ làm lòng người chộn rộn và tươi vui.

Một ngày trên đất dớn, chúng tôi được đi, được nghe, được thấy và được ăn bữa cơm với những nông dân thuần hậu. Vượt lên trên những trăn trở, âu lo là niềm tin và khả năng vô tận của con người..../.

Ghi chép của Phạm Hải Nguyên

Tạo điều kiện để đồng bào phát triển đời sống tốt hơn

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Trần Văn Thời dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn, cũng như tạo điều kiện cho đồng bào giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp và làm đa dạng, phong phú bản sắc văn hoá các dân tộc anh em.

Biển thôi hào phóng

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, sự xâm hại quá mức của con người đã làm cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, trong đó có nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) trên biển.

Triển vọng từ chăn nuôi heo rừng lai

Xuất thân từ gia đình thuần nông, với tính cần cù, chịu khó và nhạy bén, chị Ðặng Hồng Ðông, ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, đã kết nối với công ty ở tỉnh Ðồng Tháp, xây dựng mô hình nuôi heo rừng lai tại gia đình. Hiện tại, mô hình nuôi phát triển tốt và có nhiều triển vọng kinh tế.

Ðồng vợ đồng chồng thoát nghèo

Tại ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, vợ chồng chị Hồ Thị Thanh Xuân và anh Lâm Văn Khởi là tấm gương tiêu biểu về sự kiên trì, vượt qua khó khăn để thoát nghèo.

Nhãn hiệu chứng nhận cho nghêu Ðất Mũi

Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vùng cực Nam Tổ quốc, mà còn được biết đến với thế mạnh nghề nuôi nghêu - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cựu chiến binh Ngô Văn Xuyên gương mẫu phát triển kinh tế

Không trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Nhà nước và sự trợ giúp của địa phương, với bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Ngô Văn Xuyên (72 tuổi, Ấp 2, xã Tắc Vân) luôn siêng năng, cần cù, tích cực trong lao động, thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu

Hiện nay, nông dân huyện Trần Văn Thời đang tập trung làm đất, chuẩn bị sẵn sàng lúa giống và các loại vật tư nông nghiệp, chờ đến lịch mùa vụ sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu.

Gỡ khó, tạo đột phá cho kinh tế lâm nghiệp

Thời gian qua, rừng và đất lâm nghiệp không chỉ góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, giảm nghèo, mà còn mang lại giá trị trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế lâm nghiệp vẫn chưa được phát huy xứng tầm với tiềm năng, do vẫn còn những điểm nghẽn.

Mùa chụp đìa

Vào mùa hạn, khi những cánh đồng nhấp nhô rơm rạ, các con kênh khô nước cũng là lúc vào mùa chụp đìa. Ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, mùa này là lúc bà con nô nức cùng nhau vần công để chụp đìa, chia cá. Dân ở xứ cá đồng cũng vui lây vì có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Hợp tác xã “Cây ăn trái sạch Khánh Hưng” hướng đến môi trường kinh doanh điện tử

Ðược thành lập và đi vào hoạt động hơn 5 năm qua, Hợp tác xã (HTX) "Cây ăn trái sạch Khánh Hưng", xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng. Ðặc biệt, HTX đang hướng đến môi trường kinh doanh điện tử, nhằm quảng bá sản phẩm và bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số.