ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 21:58:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðất lành...…

Báo Cà Mau Chị lết về phòng trọ khi gót chân đã trầy da đau nhức. Vừa mở cửa bước vào đã bị cơn nóng hầm hập trong phòng muốn đẩy ngược ra. Nằm vật xuống sàn nhà, nước mắt chị ứa ra, lòng tự hỏi mình còn cực khổ thế này đến bao giờ nữa? Không còn ngõ ngách nào quanh khu này là chị chưa mò tới chỉ để tìm một mảnh đất vừa ý và vừa túi tiền.

Chị lết về phòng trọ khi gót chân đã trầy da đau nhức. Vừa mở cửa bước vào đã bị cơn nóng hầm hập trong phòng muốn đẩy ngược ra. Nằm vật xuống sàn nhà, nước mắt chị ứa ra, lòng tự hỏi mình còn cực khổ thế này đến bao giờ nữa? Không còn ngõ ngách nào quanh khu này là chị chưa mò tới chỉ để tìm một mảnh đất vừa ý và vừa túi tiền. Nhưng suốt ba tháng qua chị không tìm thấy được mảnh nào hợp với tiêu chí đó. Mảnh đẹp thì đắt quá, chỉ biết tiếc hùi hụi quay đi. Mảnh ít tiền thì xấu xí đủ đường, làm sao sống suốt phần đời còn lại ở một nơi mà mình không hề thích.

Anh càu nhàu “tìm theo ý của em thì anh chịu. Em tự tìm lấy”. Chị chua xót nghĩ mình vì ai mà phải bỏ quê hương, bè bạn đến tận đây? Một nơi hoàn toàn xa lạ, đắt đỏ và dè sẻn thân tình. Có những cảm giác không thể nào lý giải được rõ ràng. Như lần đầu tiên đặt chân đến, chị đã nghĩ thành phố này không thuộc về mình. Nhưng số phận cứ thích đẩy đưa, chị không nghĩ một ngày mình sẽ phải gắn bó lâu dài với nơi này. Buồn thay, một cuộc hôn nhân mà khi nghĩ về nó người ta luôn ân hận. Ðã có lúc chị bảo hay là thôi, tụi mình đừng tìm đất nữa. Có đất sẽ phải xây nhà, mà khi ổn định rồi làm sao bỏ được nhau? Anh thường nổi điên với những cơn ẩm ương của chị. Dỗ dành mãi cũng chán nên thôi cứ mặc kệ đi. Hầu hết các ông chồng đều mặc kệ vợ mình như thế.

Minh hoạ: Minh Tấn

Ðất ở quê tính bằng sào, đất ở đây tính tiền theo từng mét vuông đắt đỏ. Ở đâu âu đó nhưng thương thay cái gốc gác quê nhà đã ăn sâu vào từng ý nghĩ. Lúc đứng ngó mấy mảnh đất chừng 40 m2, chị đã kịp mường tượng ra cảnh mình loay hoay thích nghi trong hộp diêm bé nhỏ. Một căn nhà sẽ được xây lên vừa khít, không có đất trống đủ trồng một cái cây chứ đừng nói đến sân vườn. Chị sẽ sống thế nào giữa những bức tường bê-tông khô khan mà không có một bóng cây.

Anh bảo: “Ôi dào, người ta sống được chả lẽ mình chết?”. Dĩ nhiên là không chết, chỉ tâm hồn sẽ héo úa từng ngày. Cũng may mà phía trước có một hàng cau, một vườn rau trong ngôi biệt thự nằm đối diện. Khoảng trời xanh non ấy dù không phải của mình nhưng cũng đủ an ủi chị phần nào khi nghĩ mình có thể nương nhờ vào nó. Chị gật đầu đồng ý, anh thở phào nhẹ nhõm hăng hái đi lo thủ tục. Còn chị lo gom góp thêm tiền. Vay mượn ngược xuôi mà vẫn chưa thấm tháp nên đành mượn thêm sổ đỏ nhà chồng. Nào ngờ đến lúc gọi địa chính đến đo thì mảnh đất giáp ranh bị thiếu so với trong sổ đỏ. Ðịa chính yêu cầu các bên tự thoả thuận. Thoả thuận gì thì dễ chứ thoả thuận đất đai thì rất căng. Chẳng bên nào chịu thiệt, đàm phán ngược xuôi chẳng đâu vào đâu. Chị nghĩ mảnh đất này không có duyên với mình nên thôi. Biết đằng nào mà chờ đợi…

Công cuộc tìm kiếm lại bắt đầu. Tiêu chí của chị là đất ở không nằm gần đình chùa, miếu mả. Tính chị nhát vía, anh lại hay đi làm đêm. Có đóng kín cửa bốn bề chị cũng không làm sao ngăn được trí tưởng tượng về những hồn ma lảng vảng ngoài kia. Sống giữa không khí âm u, lành lạnh sẽ khiến tâm trí chị ủ ê. Ðó là chưa kể sau này sinh con, chúng cũng dễ bị ốm đau, quấy khóc.

Nhưng khổ nỗi nơi chị sống trước kia vốn là làng quê. Nên dù có phát triển về cơ sở hạ tầng, có thay da đổi thịt thì vẫn có những nét văn hoá như hồn cốt ăn sâu vào đời sống người dân. Trong đó có việc chôn cất người chết vẫn theo phong tục cũ. Xưa là mỗi làng một nghĩa trang, giờ lên phố mồ mả vẫn còn đó mà không được di dời về một địa điểm cố định như những thành phố khác. Người sau lại cứ muốn nằm gần người trước, thành ra nghĩa trang ngày càng thêm rộng. Người sống và người chết quây quần lấy nhau, đi lòng vòng một hồi lại thấy nghĩa trang trước mặt.

Chị nghĩ có chọn được mảnh đất ở vị trí ưng ý, nhưng sau này nếu xây nhà cao tầng thì nhìn bốn phía vẫn nhấp nhô mồ mả. Anh bảo đàn bà lắm chuyện, thần hồn nát thần tính chứ ma mãnh quái gì. Ngày nhỏ, đi thả trâu anh toàn ăn cơm cúng ngoài nghĩa địa. Ngày ấy đói, cơm nhà toàn sắn độn. Chỉ ma là được ăn cơm trắng. Thấy nhà người ta vừa thắp hương xong, họ bận việc không chờ lấy lộc là cả lũ xúm vào tranh cướp. Hôm nào cướp được quả trứng luộc chẳng khác gì ăn cỗ. Có hôm còn ngủ quên mãi tối mù mới hớt hải chạy tìm trâu.

Ðàn ông sinh ra đã vốn ít nỗi sợ hãi nên làm sao hiểu được những đêm dài cũng có thể trở thành sự ám ảnh đối với bao người đàn bà. Mẹ chị từng có nhiều đêm bồng con đứng sau cánh cửa. Tai ghé sát cửa, mẹ nín thở nghe từng tiếng động bên ngoài. Cảnh đói kém trộm cắp nhiều. Ngủ say một đêm có khi mất miếng ăn của cả gia đình trong một tháng, một năm. Trâu bò, heo gà mất hết đã đành, đến cả cái nồi sứt quai cũng không cánh mà bay.

Ba đi làm xa nhà, tháng về đôi lần, ngủ được một đêm lại đi. Ðêm có ba ở nhà mẹ ngủ ngon lành, vì ngoài kia có bão dông cũng có người đàn ông chống đỡ. Huống hồ mấy tên trộm vặt, chỉ cần ngửi thấy hơi nhà có đàn ông là chúng cũng dè chừng, sợ sệt. Mà mấy người đó có xa lạ gì đâu. Nhiều khi là hàng xóm xung quanh, nghèo thì hoá hèn. Lại thấy nhà người ta đàn ông đi vắng, chỉ còn đàn bà, con nhỏ ở nhà nên dễ bề bắt nạt.

Ðến tận khi chị lớn vẫn thương hoài cái trở mình trằn trọc của mẹ. Nghiện ngập nhiều vừa liều vừa ác. Ðến cuộn dây điện bỏ quên ngoài hè cũng không tha, chó dữ mấy cũng chết trong tay chúng. Ðàn bà con gái đêm có nghe thấy động cũng chẳng dám ra, vớ vẩn nó chém cho một cái là xong đời.

Những người đàn bà như mẹ đầy rẫy trong đời sống này. Bạn thân của chị cũng nơm nớp, não nề sống qua những đêm dài đằng đẵng. Trong khi chồng đi làm công trình để bạn ở nhà một mình vừa bầu bí, vừa chăm con nhỏ. Bạn bị rối loạn tiền đình, từng bị ngất xỉu nhiều lần khi mang thai đứa trước.

Ðêm đến, khi con đã ngủ say, bạn thức một mình miên man nỗi hoang mang đơn độc. Bạn từng nhiều lần nghĩ, nếu chẳng may mình ngất xỉu nằm sõng soài dưới đất mà không tự tỉnh dậy thì không biết đến bao giờ người khác mới phát hiện ra. Chồng thì quá xa, con thì quá nhỏ, cửa nhà khoá kín. Lo từ khi thời kỳ đầu thai nghén cho đến thời kỳ cuối. Những cuộc điện thoại của chồng làm sao bạn kể hết được nỗi nhọc nhằn phận gái vắng chồng. Hàng xóm cũ suốt ngày gây sự, thấy chồng đi vắng là ngày nào cũng buông lời chọc ghẹo. Hàng xóm mới tục tằn hay đánh vợ chửi con, gặp nhau có chào hỏi xã giao cũng lầm lì mặt. Chồng bạn hãnh diện và hoan hỉ vì cứ cuối tháng là gửi một số tiền đủ sung túc cho vợ con mình. Mỗi lần nghe tiếng tin nhắn báo biến động tài khoản, bạn lại ước gì đó là tiếng chuông cửa chồng về.

Anh hớn hở từ nhà máy gọi về, báo mới có người quen giới thiệu một mảnh đất hợp với túi tiền. Chị đến xem chê ngõ bé quá, xe máy thì còn đi được chứ ô-tô thì chịu. Anh gắt “nhà mình có ô-tô đâu mà cần ngõ to”. Chị nói giờ không có thì sau này có. Mua mảnh đất làm nhà chứ có phải mua mớ rau, con cá đâu mà xuề xoà được.

Mảnh đất ấy không chỉ gắn với mình cả đời mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái sau này nên phải nhìn xa trông rộng để lường trước những khó khăn mà tránh. Anh thì lúc nào cũng an phận, ngay cả chuyện đất đai, nhà cửa nếu chị không kiên quyết thì chắc anh cũng mãi cảnh nhà thuê. Chị thì khác, lúc nào cũng nỗ lực để cuộc sống tốt hơn. Chục năm nữa ô-tô sẽ trở thành phương tiện di chuyển phổ biến hơn. Thuế nhập khẩu rồi cũng sẽ thay đổi. Ðường cao tốc đã có. Chỉ cần cố gắng thì khó gì chuyện mua một chiếc xe giá thấp. Quê hai người lại ở xa, không lẽ cứ một năm lại vài lần kéo cả gia đình ngồi xe khách chật như nêm vật vã về thăm. Anh thở dài, cười méo xệch “chọn đất mà khó hơn chọn vợ. Anh sắp kiệt sức rồi”.

- Hay là anh chịu khó đi làm xa một chút, đất ngoài rìa thành phố sẽ rẻ hơn nhiều?

- Tuỳ em.

Anh nghĩ, chúa biết đàn bà thực sự muốn gì, làm sao mà chiều lòng nổi. Thành ra muốn ưng ý chị phải tự rong ruổi khắp đường cùng ngõ hẻm. Cuối cùng thì cũng tìm thấy một mảnh khá rộng, giá lại quá mềm. Chủ đất là một cô gái trẻ, từ đường phố lớn cô ta dẫn vòng vèo qua mấy đường nhỏ thì đập vào mắt chị khu vườn tươi xanh. Nhìn chẳng khác gì những mảnh vườn ở quê, toàn chuối, xoan, ổi mọc khắp nơi. Dưới mặt đất là đám cỏ mần trầu mọc xiên xẹo đan kết vào nhau, chưa cần chạm tay đã thấy lòng mát xanh rười rượi. Mải nhìn ngắm chị quên mất mình đang đứng trong sân nhà người khác. Một bà cụ thò đầu ra từ căn nhà cấp 4, mái ngói xưa đầy rêu phong phủ bám.

- Ai hỏi gì đấy nhỉ?

- Là con bà ạ. Con dẫn người đến xem đất nhà mình.

Rồi cô gái quay sang tôi giới thiệu:

- Bà ngoại em đó. Ðất này là của bà chia cho mẹ. Mẹ để lại cho em. Ðất nhà bà rộng lắm nhưng mấy năm trước ông bán hết. May bà em giữ lại được nửa vườn, nhưng cũng đã chia đều cho các con. Nhà của bà đang ở cũng đã cho người khác.

- Bà ở có một mình sao?

- Thì bác trai mất từ khi còn nhỏ. Còn lại toàn con gái đều đã đi lấy chồng. Con cháu quanh quẩn gần đây thôi nhưng bà ở một mình. Thỉnh thoảng mẹ em mang cơm sang cho bà.

- Rồi đêm hôm lỡ trái gió trở trời bà biết phải làm sao?

Cô gái chưa kịp trả lời thì bà cụ đã nói vọng ra:

- Cô gì ơi, xem đất xong thì mời cô vào đây uống nước.

- Bà em thèm người lắm. Hay chị về đây làm hàng xóm cho bà bớt cô đơn.

Chị bỗng thấy lòng mình bùi ngùi như cánh cỏ. Mảnh đất này rẻ thì rẻ thật nhưng quá xa chỗ anh làm. Tính theo đường chim bay thì gần mà các tuyến đường quanh co thành ra tít tắp. Lại thêm con kênh ngay đầu ngõ đen đặc bốc mùi, sống lâu năm thể nào cũng sinh ra bệnh tật. Nhưng chị lại tự nhủ, thành phố đang có kế hoạch nâng đường và làm cống đậy kín những kênh mương ô nhiễm. Rồi sẽ xây thêm nhiều đường sá thông suốt với nhau. Biết đâu lúc ấy anh đi làm lại hoá gần.

Chỗ này yên tĩnh quá, chị đứng đó mà đã kịp mường tượng ra cảnh con mình sẽ nô đùa chạy nhảy trên mảnh sân nhà bà cụ. Rau nhà bà cằn cỗi nhưng chắc sạch, sau này thỉnh thoảng sẽ sang mua. Tin gì đâu mấy thứ rau xanh nõn nà mơn mởn bày bán đầy ngoài chợ, toàn thuốc sâu độc hại chết người. Những lúc rảnh sẽ bế con sang nhà bà cụ chơi, mỗi người già là một kho chuyện hay. Hôm nào nấu được tô canh ngon sẽ rủ cụ sang ăn cùng, cơm nước một mình chắc là khó nuốt. Trời mùa hè, nấu một nồi chè đậu đen rồi quây quần ngồi dưới tán cây nhãn lâu năm đằng kia hẳn là rất vui, sẽ bớt nhớ quê nhà. Chị nghĩ thế và bỗng dưng thấy nơi này quá ư thân thuộc. Chị sẽ nhắn cho anh “em tìm thấy đất rồi”.

Trên mảnh đất này một ngôi nhà sẽ được xây lên. Chị sẽ đợi anh những bữa cơm sớm tối…

Truyện ngắn của Huyền Vũ

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.