(CMO) Tổ hợp tác đan vỉ cua Khóm 3, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình sau gần 3 năm hoạt động góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ nhàn rỗi, giúp phụ nữ tăng thêm thu nhập, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Bén duyên với nghề đan vỉ cua từ năm 2012, khi gia đình bán trúc cho một thương lái đến từ huyện Trần Văn Thời, sau đó được họ hướng dẫn gia đình cách đan vỉ cua để giao lại cho lái. Bà Vương Mỹ Nữ, Khóm 3, thị trấn Thới Bình, Tổ trưởng Tổ hợp tác nhận thấy đây là công việc đơn giản được bao đầu ra nên quyết định làm, thu hút thêm nhân công. Đến đầu năm 2017, được sự quan tâm hỗ trợ của Hội LHPN huyện Thới Bình, Tổ hợp tác đan vỉ cua Khóm 3 được thành lập. Sau hơn 3 năm hoạt động, Tổ hợp tác đan vỉ cua đã đem lại hiệu quả thiết thực. Trung bình mỗi ngày mỗi tổ viên có thể đan khoảng 250 vỉ, với giá 1.200 đồng/vỉ, trừ chi phí mỗi tổ viên thu nhập mỗi tháng hơn 3 triệu đồng.
Vỉ cua đan thành phẩm còn tồn rất nhiều do các vựa cua hoạt động yếu. |
Bà Vương Mỹ Nữ chia sẻ: “Nghề này rất dễ làm, tận dụng tối đa nguyên liệu từ trúc, sử dụng cả đọt. Nhờ làm nghề đan vỉ cua mà các thành viên đều có cuộc sống khá thoải mái, nhà cửa sửa sang khang trang hơn”.
Đây là nghề không cần nhiều sức lực và sự khéo léo, chỉ cần siêng năng, mọi người trong gia đình đều có thể tham gia, đặc biệt là tận dụng quỹ thời gian nhàn rỗi. Nghề này lại sản xuất quanh năm, do nhu cầu đóng cua giao đi tỉnh trên của các vựa trong và ngoài huyện nên sản phẩm sau khi đan xong có thương lái đến bao tiêu, không tốn thời gian cho việc giao bán hàng nên chị em có nhiều thời gian cho việc đan đát.
Để hoàn thành một vỉ cua phải trải qua nhiều công đoạn: Sau khi mua trúc, đo trúc ra theo chuẩn với chiều dài 50 cm, chiều rộng 30 cm, sau đó chẻ ra thành các nan, cuối cùng là đan thành vỉ. Mỗi thành viên có thể đem về nhà đan, mọi thành viên trong gia đình có thể cùng tham gia. Việc thu nhập của cả gia đình từ đan vỉ cua giúp nhiều hộ gia đình tham gia vào tổ hợp tác dần khá lên và ổn định cuộc sống.
Chị Vương Mỹ Út, Khóm 3, cho biết: “Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra một vài tiếng đồng hồ thời gian rảnh thôi là có tiền cho con đi học, sinh hoạt hàng ngày trong nhà, chi tiêu rủng rỉnh hơn trước đây”.
Tổ hợp tác này không chỉ giúp chị em phụ nữ nông thôn có việc làm, thu nhập, mà còn giúp các thành viên trong gia đình biết giúp đỡ, chia sẻ công việc cho nhau. Sau khi thành lập tổ hợp tác, các vỉ đan ngày càng tăng lên cả số lượng lẫn chất lượng, chị em có điều kiện trao đổi kinh nghiệm làm nghề và chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều chị em phụ nữ từ khó khăn đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau đợt dịch Covid-19 hoành hành, các hoạt động mua bán, kinh doanh đều tạm dừng. Dịch qua đi nhưng các hoạt động theo đó lắng xuống, nhu cầu của các vựa cua không còn như trước, đầu ra không ổn định dẫn đến việc làm của chị em trong tổ bấp bênh.
Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thới Bình Nguyễn Việt Thuỳ cho biết: “Từ tháng 4 năm nay, tổ hợp tác chỉ hoạt động cầm chừng vì dịch bệnh. Sau đó một số đầu mối cắt luôn không lấy hàng nữa, vì không xuất được cua, dẫn đến công việc của chị em gián đoạn, nguồn thu nhập mất đi, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Mong rằng sắp tới đầu ra của vỉ cua mở rộng trở lại, tổ hợp tác hoạt động để chị em có công ăn việc làm, có nguồn thu ổn định”./.
Thuỳ Linh