Ðối với các trường hợp không ràng buộc bằng hợp đồng lao động (HÐLÐ), người lao động (NLÐ) sẽ chịu nhiều thiệt thòi từ tiền lương đến các chế độ bảo hiểm... và có thể bị trừ nhiều thứ tiền vô lý khác trong quá trình làm việc với chủ sử dụng lao động.
Nhiều “mối nguy” khi làm việc không hợp đồng lao động
Người lao động thời vụ, hay đối tượng sinh viên đi làm thêm, hiện là những đối tượng trong tình trạng không có HÐLÐ. Ðiều này đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận nhiều vấn đề phiền phức xảy ra trong quá trình lao động, cũng như thiếu cơ sở để nhận được bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp.
Một số bạn trẻ chọn công việc pha chế, tính lương theo giờ.
Bạn Trần Thiện Thư, 19 tuổi, sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, chia sẻ: “Nếu công việc do Ðoàn trường hỗ trợ giới thiệu thì chúng em an tâm làm vì có trường bảo vệ. Còn với các bạn tự tìm việc làm, như phục vụ quán cà phê, làm PG tại các sự kiện thì khó nói lắm. Ðôi khi làm bể ly chén, hay làm hư đồ trong quá trình chạy sự kiện... bị trừ tiền cũng phải chịu, khó cãi lý với người ta được. Trường hợp bạn C với quán cà phê kia là một ví dụ điển hình; không có căn cứ điều, khoản nào để trừ phạt hay giam tiền, một bên khó kiện, một bên cũng khó đòi lại quyền lợi chính đáng”.
Còn đối với NLÐ hằng ngày làm các công việc dọn dẹp nhà cửa, khuân vác, làm hồ... thì lấy lý do họ chỉ làm theo thời vụ, theo cách gọi là cộng tác viên, nên các công ty không hỗ trợ thêm bất kỳ điều gì ngoài thưởng tăng ca, thêm giờ.
Những nguy cơ phổ biến mà nhóm lao động tự do phải đối mặt là rất lớn. Nhiều lao động thời vụ không được ký kết HÐLÐ bằng văn bản, hoặc chỉ thoả thuận miệng. Ðiều này dẫn đến việc không thể xác lập căn cứ pháp lý khi phát sinh tranh chấp về tiền lương, tiền công, điều kiện lao động hoặc xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thêm nữa, ngoài vấn đề thu nhập không ổn định, nhiều lao động thời vụ về nhận thức, tiếp cận thông tin, tiếp cận các chính sách an sinh xã hội còn hạn chế. Giới tính, sức khoẻ và độ tuổi của lực lượng lao động này từng lúc không phù hợp với điều kiện và môi trường làm việc theo quy định. Nhiều lao động thời vụ không có ngày nghỉ lễ, nghỉ hằng tuần hoặc không được trả lương ngày nghỉ theo quy định tại Ðiều 111, Ðiều 112 và Ðiều 113 của Bộ luật Lao động năm 2019. Ðặc biệt, đối với những công việc có tính chất nguy hiểm, nặng nhọc, tiềm ẩn rủi ro cao, trong khi người sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, NLÐ cần công việc để nuôi sống bản thân và gia đình nên phải chấp nhận cảnh làm việc nhận lương nhưng không có sự đảm bảo nào về tính pháp lý. Và với nhiều doanh nghiệp, thời gian làm việc của NLÐ quá ngắn, dẫn đến họ ngại ký kết HÐLÐ, cũng như chịu phát sinh thêm các loại bảo hiểm đi kèm.
Ðảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, lực lượng lao động không có quan hệ lao động chính thức bao gồm lao động tự do, lao động trong khu vực phi chính thức. Số lao động này đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu lao động, việc quản lý gặp không ít khó khăn do tính chất công việc phân tán, không ổn định và chưa được thống kê đầy đủ.
Xác định rõ tầm quan trọng của việc quản lý đối tượng lao động không theo HÐLÐ, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước đưa đối tượng này vào diện được quản lý thống nhất nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, phù hợp với chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Theo quy định pháp luật lao động, lực lượng lao động không theo HÐLÐ tại địa phương do cấp xã quản lý, Sở Nội vụ tổng hợp số liệu báo cáo từ cấp xã, cấp huyện. Ðể nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh, Sở Nội vụ đã hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu để các địa phương cập nhật thông tin về lao động, việc làm, làm cơ sở tham mưu cấp thẩm quyền hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch giai đoạn và hằng năm về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho NLÐ, từng bước giảm dần tỷ lệ thất nghiệp và giảm nghèo bền vững.
Ông Phạm Chí Hải, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Lao động theo thời vụ là việc làm không mang tính chất thường xuyên. Ðặc tính của lực lượng lao động này, phần lớn đã có việc làm nên không có nhu cầu làm việc ổn định theo HÐLÐ, bởi họ tranh thủ làm thêm ngoài công việc chính ở gia đình để cải thiện thu nhập trong thời gian nhàn rỗi, đây là hình thức tự tìm việc và tự nguyện của NLÐ, phù hợp với thời gian nhàn rỗi có trả tiền công. Tiền công, thu nhập của lực lượng lao động này thông qua định mức tiền công theo sản phẩm, khoán tiền công, khoán theo ngày hoặc giờ... Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và lực lượng lao động này, Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai, phổ biến kiến thức pháp luật thông qua các phương tiện truyền thông, hệ thống truyền thanh cơ sở; tập huấn tuyên truyền pháp luật lao động cho NLÐ và người sử dụng lao động; thông qua các hội thi tìm hiểu pháp luật...”.
"Sở Nội vụ đã triển khai nhiều biện pháp để can thiệp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLÐ, điển hình là tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là tại các cơ sở sử dụng lao động thời vụ trong lĩnh vực xây dựng, vận tải, nuôi thuỷ sản... qua đó kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật lao động. Hướng dẫn NLÐ, rà soát đối tượng, phân loại lao động để kết nối việc làm phù hợp với giới tính, sức khoẻ, môi trường làm việc... tiền công được chi trả đầy đủ theo đúng thoả thuận, đồng thời tạo điều kiện để lao động tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, công đoàn cơ sở tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLÐ và người sử dụng lao động về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động. Xử lý, hoà giải tranh chấp lao động cá nhân kịp thời, góp phần ổn định quan hệ lao động và đảm bảo an sinh xã hội”, ông Phạm Chí Hải cho biết thêm.
Thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị cấp thẩm quyền hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến lao động thời vụ, lao động phi chính thức, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nhằm mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLÐ trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, dù không có HÐLÐ bằng văn bản, NLÐ vẫn được pháp luật bảo vệ quyền lợi thông qua các quy định và cơ chế hỗ trợ hiện hành.
Theo pháp luật lao động hiện hành, khuyến khích việc ký kết HÐLÐ để bảo đảm quyền và lợi ích cho các bên, tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn tồn tại nhiều trường hợp NLÐ làm việc không có HÐLÐ bằng văn bản.
Ðể bảo vệ quyền lợi của NLÐ không có HÐLÐ bằng văn bản, Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn có đưa ra một số quy định cụ thể, mang tính bảo vệ NLÐ như sau:
Thứ nhất, xác định quan hệ lao động thực tế, được quy định rõ ở Khoản 1, Ðiều 13, Bộ luật Lao động năm 2019: “Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa NLÐ và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Dù không có hợp đồng bằng văn bản, nếu có các yếu tố, như thoả thuận, công việc, tiền công và sự quản lý của người sử dụng lao động, quan hệ lao động vẫn được coi là tồn tại”.
Thứ hai, hậu quả pháp lý khi không giao kết hợp đồng bằng văn bản. Nếu người sử dụng lao động không giao kết HÐLÐ bằng văn bản theo quy định, họ có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể, theo Khoản 1, Ðiều 9, Nghị định số 12/2022/NÐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ, quy định mức xử phạt tuỳ thuộc vào số lượng NLÐ mà đơn vị sử dụng.
Thứ ba, quyền lợi của NLÐ không có hợp đồng bằng văn bản. NLÐ trong trường hợp này vẫn được bảo vệ quyền lợi nếu có bằng chứng về quan hệ lao động thực tế, như có việc làm thường xuyên (thông qua bảng chấm công, tin nhắn trao đổi công việc, bảng lương...). Các quyền lợi bao gồm: Ðược tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu làm việc từ đủ 1 tháng trở lên, hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu không có hợp đồng (Khoản 1, Ðiều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014); được trả lương đúng, đủ (được quy định tại Ðiều 90 và Ðiều 94 của Bộ luật Lao động 2019); được đảm bảo về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và các quyền lợi khác liên quan đến điều kiện lao động (theo các chương từ VII đến IX của Bộ luật Lao động 2019).
Thứ tư, biện pháp bảo vệ khi xảy ra tranh chấp hoặc sự cố. Khi xảy ra tranh chấp hoặc sự cố liên quan đến quyền lợi lao động, NLÐ có thể: hoà giải cơ sở; gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Nội vụ (nhờ can thiệp để bảo vệ về lợi ích); yêu cầu hoà giải tranh chấp lao động theo Ðiều 188 và Ðiều 190, Bộ luật Lao động 2019; hoặc khởi kiện ra toà án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp (được hỗ trợ từ công đoàn hoặc luật sư của trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước).
Ngoài ra, Khoản 1, Ðiều 4, Bộ luật Lao động 2019 nhấn mạnh chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực lao động như sau: “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLÐ, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thoả thuận bảo đảm cho NLÐ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động”.
Lam Khánh