(CMO) Cà Mau được biết đến là địa phương giàu tiềm năng nhưng cũng không ít “điểm nghẽn”. Trong đó, điều kiện tự nhiên đang tạo ra nhiều nút thắt mà thời gian qua dù đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn chưa thể tháo gỡ toàn diện để tạo lợi thế trong thu hút, mời gọi đầu tư.
"Ðiểm nghẽn" từ điều kiện tự nhiên
Hạ tầng giao thông yếu kém được xem là trở ngại lớn nhất hiện nay, khiến Cà Mau kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Hạn chế này đã được tỉnh nỗ lực khắc phục trong suốt thời gian qua nhưng xem ra không hề đơn giản.
Ðường cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Cà Mau với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực.
Chính vị trí địa lý nằm xa các trung tâm kinh tế lớn, Quốc lộ 1 là đường giao thông duy nhất để kết nối là một bất lợi của tỉnh trong nhiều năm qua. Riêng đường hàng không hiện nay dù đã có chuyến từ Cà Mau đi TP Hồ Chí Minh nhưng cũng chỉ mới khai thác được máy bay có trọng tải nhỏ. Gần đây, đường bay Cà Mau - Hà Nội đã mở, dù chỉ khai thác được loại máy bay nhỏ khoảng 98 khách, nhưng cũng không khai thác hết tải trọng, trung bình chỉ khoảng 40 khách/chuyến (tức đang bay lỗ, do các điều kiện sân bay chưa đáp ứng).
Ngoài ra, với điều kiện tự nhiên có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nền đất yếu, không có vật liệu xây dựng tại chỗ... đã khiến việc đầu tư của doanh nghiệp trên vùng đất Cà Mau phải tiêu tốn chi phí đầu tư gần như gấp đôi so với nhiều địa phương khác. Ngay trong khu vực nội ô thành phố, để xây dựng nhà ở 2-3 tầng phải ép cọc sâu 24 m, như vậy gần một nửa vốn đầu tư đã nằm dưới đất.
Bên cạnh đó, do đặc thù là vùng nước mặn nên việc khấu hao máy móc, xe và trang thiết bị khác rất nhanh; nguồn lao động lại chủ yếu là lao động phổ thông... Tất cả đang là trở ngại lớn trong mời gọi đầu tư.
Ông Hứa Minh Hữu, Phó trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Cà Mau, thông tin thêm, chi phí đầu tư cao là một trong những khó khăn, trở ngại lớn nhất mà tỉnh đang gặp phải trong thu hút, mời gọi đầu tư. Thời gian qua, có rất nhiều nhà đầu tư đến tỉnh nhưng số doanh nghiệp quyết định đầu tư còn hạn chế.
Việc mời gọi nhà đầu tư còn nhiều khó khăn, đồng nghĩa với nỗ lực tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân cũng không như mong đợi. Mặc dù thời gian qua tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, dự án tạo việc làm với phương châm “ly nông không ly hương”, nhưng thực tế hiện nay nhiều vùng nông thôn gần như chỉ còn người già và trẻ em, lao động trong tuổi đa phần đã đi Bình Dương, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh... để tìm kế mưu sinh.
Dồn lực vào hạ tầng giao thông
Thời gian qua, tỉnh đã và đang tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là giao thông. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã xác định: “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiệu quả”, nhất là các công trình, dự án có tính liên kết, là 1 trong 3 đột phá chiến lược để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mời gọi đầu tư.
Theo đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công triển khai xây dựng. Tiêu biểu, cầu Sông Ðốc nối đôi bờ Bắc - Nam thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm, hay cầu qua sông Gành Hào nối xã Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi) với huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu cũng đã được khởi công. Ðặc biệt, đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra là trong năm 2025, để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.
Dự án cầu Sông Ðốc dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Không chỉ vậy, hiện nay tỉnh cùng với Chính phủ đàm phán để tiếp cận nguồn vốn vay từ Hàn Quốc nhằm triển khai đầu tư đường hành lang ven biển từ Kiên Giang sang Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng. Ðây là dự án đường hết sức chiến lược, có tuyến đường này không chỉ có thể thúc đẩy và vực dậy nền kinh tế khu vực ven biển mà còn để chống sạt lở. Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 10, HÐND tỉnh khoá X, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, khẳng định: “Tỉnh đang tập trung hết sức lực, những gì có thể tiết kiệm được là tiết kiệm để dồn lực đầu tư hạ tầng giao thông”.
Hiện Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ Cà Mau - Năm Căn với quy mô mặt đường rộng gấp đôi đã được phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh đang đề nghị tiếp tục đầu tư đường cao tốc đoạn từ TP Cà Mau đến Mũi Cà Mau trong giai đoạn tiếp theo; đề nghị chuyển giao Sân bay Cà Mau cho tỉnh để mời gọi đầu tư nâng cấp đạt chuẩn 4C theo quy hoạch của Chính phủ...
Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, để đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng giao thông cần nguồn vốn đầu tư trên 81 ngàn tỷ đồng. “Thực tế đặt ra rất nhiều việc để giải quyết, nhưng với điều kiện khó khăn về kinh tế như hiện tại của tỉnh phải chọn việc để làm. Chúng ta không hy vọng trong một nhiệm kỳ có thể giải quyết xong hết tất cả những khó khăn, hạn chế, nhưng những nút thắt là phải được tháo gỡ trước”, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ chia sẻ.
Trong tất cả các nút thắt hiện nay thì giao thông cần được ưu tiên tháo gỡ trước. Khi hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn chỉnh, tạo sự kết nối để rút ngắn khoảng cách mới có thể mời gọi đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế đã được quy hoạch./.
Nguyễn Phú