Với chung đặc điểm là địa hình thấp và bằng phẳng, phần lớn có cao độ trung bình từ 0,7-1,2 m so với mực nước biển, ÐBSCL là vùng được đánh giá là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu như: biến động về lũ, bão nhiều và mạnh hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn, cháy rừng, sạt lở bờ sông, xoáy lốc, triều cường...
Với chung đặc điểm là địa hình thấp và bằng phẳng, phần lớn có cao độ trung bình từ 0,7-1,2 m so với mực nước biển, ÐBSCL là vùng được đánh giá là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu như: biến động về lũ, bão nhiều và mạnh hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn, cháy rừng, sạt lở bờ sông, xoáy lốc, triều cường... xuất hiện ngày càng nguy hiểm hơn… Từ đó, kéo theo hệ luỵ là tình trạng nhiễm mặn, ngập úng, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, nguy cơ mất an ninh lương thực… sớm có giải pháp đồng bộ trên phạm vi vùng để chủ động thích ứng, từng bước biến thách thức thành cơ hội là vấn đề đang đặt ra cho toàn khu vực.
“Trước tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH), ÐBSCL hôm nay không còn là vùng đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài như trước đây”, đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Hội nghị thích ứng với BÐKH và quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ÐBSCL, mới diễn ra ngày 26/9 tại tỉnh Cà Mau.
ÐBSCL gồm 13 tỉnh, thành. Ðây là vùng châu thổ phì nhiêu, hội tụ đủ điều kiện cả về nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ sản và du lịch sinh thái. Trong những năm qua, ÐBSCL đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong nền kinh tế cả nước, với hơn 50% sản lượng lương thực, 70% lượng trái cây và 65% sản lượng thuỷ sản toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay vùng này đang đối diện với nhiều khó khăn do hiện tượng thời tiết cực đoan từ tác động của BÐKH, nước biển dâng và hoạt động khai thác của con người mang lại. Tác động từ đợt hạn hán cuối năm 2015, đầu năm 2016 như một lời cảnh báo rõ ràng nhất.
5 tháng thiệt hại 7.900 tỷ ðồng
Theo kịch bản BÐKH và nước biển dâng mới nhất, diện tích ngập ở ÐBSCL đến năm 2100 (kịch bản RCP8.5) có khả năng chiếm khoảng 39% diện tích toàn vùng. Vùng ÐBSCL không chỉ đứng trước nguy cơ ngập mà BÐKH còn phá vỡ quy luật tự nhiên của các mùa, gia tăng tầng suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan như nắng nóng và hạn hán.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Công nghệ Nhà nước nhận định, ÐBSCL hiện đang đối diện với ít nhất 2 thách thức toàn cầu là BÐKH - nước biển dâng và toàn cầu hoá kinh tế. Ðồng thời, phải đối diện với một thách thức khu vực và thách thức từ chính sự khai thác tài nguyên tại đồng bằng. Các thách thức này không tác động riêng lẻ mà cùng nhau và liên hoàn tác động, nhân lên hậu quả của những tác hại, đây là thách thức tổng hợp đối với sự phát triển bền vững của vùng.
Mùa khô vừa qua, hạn hán đã làm hơn 15.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau thiếu nước ngọt. (Trong ảnh: Tiếp nước cho người dân trên đảo Hòn Chuối). |
Ðợt nắng nóng lịch sử mùa khô năm 2015-2016 cùng với tổng lượng dòng chảy từ sông Mê Kông về thiếu hụt so với trung bình nhiều năm dẫn đến tình trạng hầu hết các cửa sông đều bị mặn xâm nhập sâu vào từ 50-70 km, trong đó sông Vàm Cỏ xâm mặn sâu hơn 90 km. Ðiều đáng lo ngại, có những tỉnh nằm sâu trong đất liền, trước đây gần như không ảnh hưởng bởi mặn như Vĩnh Long, trong những tháng đầu năm 2016 cũng đã có những số liệu báo động về mặn, trong đó, có những nơi độ mặn lên đến 9 g/lít. Ðây như một minh chứng cho nhận định của Giáo sư Trân về những thách thức mà ÐBSCL đang phải đối diện trong thời gian tới.
Tuy chỉ diễn ra trong khoảng 5 tháng nhưng nắng hạn, xâm mặn gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của cả vùng. Toàn bộ 13 địa phương thuộc vùng ÐBSCL đều đã bị nhiễm mặn và đã có 11/13 tỉnh, thành công bố tình trạng thiên tai, hạn hán, xâm mặn. Tổng diện tích lúa thiệt hại các vụ cuối năm 2015 và năm 2016 lên đến trên 405.000 ha; hơn 8.100 ha hoa màu; làm 28.500 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng; trên 82.000 ha đất tôm nuôi bị thiệt hại và nhiều hệ luỵ khác như: vào thời gian cao điểm có đến 390.000 hộ thiếu nước sinh hoạt; tình trạng sụp lún và sạt lở đất; dịch bệnh trên người và vật nuôi… với tổng mức thiệt hại ước tính lên đến 7.900 tỷ đồng.
Cà Mau là một trong những tỉnh được xem là sẽ chịu tác động nặng nề nhất trước diễn biến cực đoan của thời tiết do BÐKH, nước biển dâng. Trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua đã gây ra thiệt hại cho người dân Cà Mau hơn 1.066 tỷ đồng, là minh chứng cụ thể nhất cho nhận định trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định, với đặc điểm địa lý và nền sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, nông dân Cà Mau rất dễ bị tổn thương trước tác động xấu của BÐKH. Những năm gần đây, ảnh hưởng của BÐKH trên địa bàn tỉnh ngày một rõ nét và khốc liệt, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với cường độ mạnh hơn và mức độ thiệt hại ngày một nghiêm trọng hơn. Cụ thể đã làm thiệt hại trên 53.000 ha lúa; 158.000 ha nuôi thuỷ sản; tình trạng sụp, lún, lở đất đã làm hư hỏng 112 km đường giao thông và nhiều công trình dân sinh, nhà cửa của người dân. Ngoài ra, còn khiến cho hơn 15.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, đe doạ rừng tràm U Minh Hạ, tình trạng sạt lở ven biển và nhiều hệ luỵ khác…, tỉnh đã phải công bố thiên tai mức độ 1.
Trước tình hình đó, tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó và làm giảm những tác động tiêu cực của BÐKH. Trong đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về tác động và giải pháp ứng phó tác động BÐKH. Xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp về BÐKH, đầu tư nâng cấp đê biển Tây gắn với xây dựng hệ thống vành đai rừng ngập mặn ven biển, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, quy hoạch và sử dụng hợp lý tài nguyên nước… Tuy đã có những cố gắng, song những giải pháp mà tỉnh đã triển khai nhìn chung chưa thích ứng được với BÐKH trong giai đoạn tới.
Mỗi năm mất 500 ha đất do sạt lở
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trường Ðại học Thuỷ lợi, cho biết, theo thống kê gần đây, mỗi năm ÐBSCL bị mất tới gần 500 ha đất do sạt lở. Có những khu vực trước đây là vùng đất bồi nhưng giờ đây lại trở nên lở và lở rất nghiêm trọng. Ðơn cử như vùng biển Tây, cách đây 15 năm bồi là chính, nhưng hiện nay lở là chính và lở rất nhanh.
Hiện nay, dọc theo tuyến đê biển từ Ðông sang Tây đi qua địa bàn tỉnh Cà Mau, tình trạng sạt lở mỗi lúc một nghiêm trọng hơn. Nhiều nơi sóng biển đã tới chân đê, đe doạ đời sống và sản xuất của dân sống quanh khu vực. Trên khu vực đê biển Tây hiện có 5 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, tỉnh phải ban hành giải pháp hộ đê khẩn cấp. Cụ thể, 2 điểm sạt lở tại ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây và ấp Kênh Mới, xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời), có chiều dài hơn 1,7 km, hiện đai rừng chỉ 8-10 m là đến chân đê. Hay như 2 điểm sạt lở, với chiều dài 3.300 m ở cấp độ nguy hiểm, thuộc đoạn Tiểu Dừa - Hương Mai, xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Ngoài ra, đoạn từ cửa sông Khánh Hội đến vàm Ba Tỉnh cũng đã xuất hiện điểm sạt lở mới khoảng 800 m.
Không chỉ khu vực biển Tây mà phía biển Ðông của tỉnh cũng đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, nơi có 3 cửa biển lớn nhỏ, trước đây đai rừng phòng hộ dày trên 1 km thì giờ nhiều điểm chỉ còn hơn 100 m là đến khu vực sinh sống của người dân. Theo nhận định của người dân nơi đây, nếu không có giải pháp hạn chế sạt lở hữu hiệu thì chẳng bao lâu nữa sóng biển sẽ lấn tới Chợ Thủ (trung tâm hành chính xã Tam Giang Tây). Hay đoạn ven biển Ðông, từ cửa bồ đề đến Kinh 5, thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, tình trạng sạt lở đang diễn ra khá nghiêm trọng. Theo ông Trần Thanh Nhàn, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, hiện mỗi năm nước biển lấn vào đất liền trung bình khoảng 25-30 m.
Theo số liệu thống kê của Viện Quy hoạch thuỷ lợi Miền Nam, hiện tượng sạt lở đã và đang xảy ra ngày một nghiêm trọng ở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu, nhất là vào khoảng thời gian đầu và cuối của mùa mưa lũ. Hiện ở hai bên bờ sông này ngày một xuất hiện nhiều điểm nóng về sạt lở với quy mô vài trăm mét đến cả vài cây số như: thị xã Tân Châu, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang; TP Sa Ðéc, thị xã Hồng Ngự, huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp; TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long…
Không chỉ có sạt lở, tình trạng sụp lún thời gian qua cũng đang trở thành mối đe doạ cho nhiều tỉnh, thành trong khu vực. Trong mùa khô vừa qua, hơn 112 km đường, nhiều nhà cửa và công trình dân sinh khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị phá huỷ và hư hỏng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cũng chính do tình trạng sụp lún gây ra. Tình trạng này diễn biến ngày một thường xuyên và liên tục hơn, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực, đe doạ an toàn giao thông và làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân./.
Bài 2: Tìm nước cho vùng sông nước
Bài và ảnh: Nguyễn Phú