(CMO) Những cần xé ruốc đầu tiên trong ngày vừa cập bờ, nhanh chóng được chị Hương sàng đều trên các tấm lưới mành đã được chuẩn bị sẵn dọc theo tuyến đê biển Tây để tranh thủ trời nắng sớm. Thế nhưng, chưa sàng xong số ruốc, chị Trần Thu Hương (ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) lại phải tất bật gom lại vì cơn mưa đến bất chợt, mùa mưa bão đã đến.
Đang nắng thì bất chợt xuất hiện mưa dông là câu chuyện không còn quá xa lạ với những ngư dân sống dựa vào “lộc” biển mấy mươi năm qua như gia đình chị Hương. Tuy nhiên, nó diễn ra quá nhanh khiến chị cũng không khỏi bực mình khi lẩm bẩm: “Ðang nắng lại mưa, không kịp trở tay, thời tiết gì hết hiểu nổi luôn”.
Ruốc là lộc biển của những ngư dân khai thác ven bờ. |
“Hiểu thời tiết”, đó là mong muốn không riêng chị Hương mà của tất cả mọi người. Tuy nhiên, mong ước này đến cả những đơn vị chuyên môn về dự báo thời tiết cũng khó có thể đạt được, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng mưa bão, dông lốc và nắng hạn mỗi lúc một cực đoan hơn.
Chính vì chưa thể hiểu hết được thời tiết, nên từ đầu năm đến nay đã có 2 tàu cá trên địa bàn bị sóng lớn làm chìm trên biển. Mới nhất là vụ chìm tàu cá mang biển hiệu CM 99552 TS của ngư dân Phan Thanh Hùng, ngụ Khóm 4, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, vào ngày 23/5 vừa qua. Mặc dù chỉ hoạt động cách cửa biển Sông Ðốc gần 3 hải lý (khoảng 5,5 km), nhưng khi có sóng lớn, tàu vẫn bị đánh chìm. Vụ tai nạn khiến 9 người đi trên tàu bị trôi dạt trên biển, điều may mắn là tất cả các thuyền viên đều đã được Ðồn Biên phòng Sông Ðốc nhanh chóng cứu vớt, đưa vào bờ an toàn. Hay như trước đó, vào trung tuần tháng 4, sóng lớn cũng đã làm 1 tàu cá bị chìm trên biển, 2 thuyền viên mất tích.
Những vụ tai nạn trên là lời cảnh báo mùa mưa bão đã đến và thời tiết diễn biến rất khó lường. Ðể hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn đáng tiếc trên biển trong mùa mưa bão này, thì chính ngư dân phải nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khi ra biển khai thác, nhất là đối với những phương tiện nhỏ, hoạt động ven bờ như gia đình chị Hương.
Chỉ với phương tiện thuỷ nội địa như thế này rất nguy hiểm khi ra biển khai thác. |
Do không đất sản xuất, nên từ năm 2001 khi lập gia đình, hai vợ chồng chị Hương đã dìu dắt nhau về tá túc tại khu vực đê biển Tây này để mưu sinh dựa vào lộc biển. “Ban đầu chủ yếu là đi bạn, sau hơn 10 năm tích góp, đến năm 2012 tôi mua được 1 phương tiện nhỏ để khai thác ven bờ theo mùa. Dù vậy, đến nay cuộc sống cũng không khá giả gì hơn so với trước. Mới dư được chút ít thì tàu, máy, ngư cụ lại hư hỏng, phải sửa chữa, mua mới. Biển cho nguồn lợi cũng nhiều, nhưng sức tàn phá cũng lớn”, chị Hương tâm sự.
Cũng như gia đình chị Hương, dọc theo tuyến đê biển Tây hiện còn rất nhiều hộ sống dựa vào nguồn lợi thuỷ sản ven bờ theo kiểu “tối ra, trưa vào”. Họ phần lớn là người đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau về đây mưu sinh theo con nước biển. Họ có cùng cảnh ngộ là không đất đai, đông con và cuộc sống khó khăn. Dù biết hiểm nguy và cả vi phạm những quy định trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ chấp nhận đánh liều. Chính vì vậy, đây là những ngư dân rất dễ bị tổn thương trước diễn biến bất thường của thời tiết cũng như nguồn lợi thuỷ sản.
Cơn mưa đến nhanh và kết thúc cũng nhanh, cách vàm Ðá Bạc không xa, tại cống T25, vàm Sào Lưới, vàm Ba Tỉnh, nhiều ngư dân lại tất bật cho ngư cụ xuống tàu chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến ra khơi khai thác lộc biển tiếp theo. Vừa chất dàn lú xuống ghe, anh Trần Quốc Tuấn (vàm Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc) vừa chia sẻ: “Bà con nơi đây chủ yếu khai thác bằng nghề lú, lưới tôm, lưới dùng và te, phương tiện nhỏ, sản lượng ít, giá bán thấp nên cuộc sống rất bấp bênh. Ðó là chưa kể nhiều bà con phương tiện nhỏ, không mui, cả ngày hứng chịu mưa nắng và gió biển. Biết là nguy hiểm, là vi phạm, nhưng vì cuộc sống phải làm liều”.
Thời tiết trên biển ngày càng diễn biến phức tạp, rất khó lường, nhất là vào mùa mưa bão. Nhưng cái lo, cái sợ ấy không lớn bằng việc chén cơm manh áo, nên vẫn còn một bộ phận ngư dân bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng đương đầu với những cơn mưa, những đợt gió, cuộn sóng để mưu sinh với hy vọng một ngày nào đó có đủ điều kiện đóng tàu lớn, trang bị an toàn hơn để vươn khơi.
Dù đang phải chạy đua trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng các ngành chức năng tỉnh vẫn đang gấp rút triển khai nhiều biện pháp giúp ngư dân tránh được thiệt hại đáng tiếc từ thiên tai trong mùa mưa bão này. Ðặc biệt, thời gian qua, lực lượng biên phòng đã triển khai nhiều hoạt tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân. Ðồng thời, tăng cường công tác quản lý tàu cá, tuyệt đối không cho phương tiện ra khơi khi chưa đảm bảo đủ trang thiết bị an toàn. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, chính ngư dân phải tự nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về an toàn mỗi khi vươn khơi nhằm bảo vệ chính mình./.
Nguyễn Phú