ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 19-9-24 22:05:07
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðể khởi nghiệp thành công

Báo Cà Mau “97% dự án khởi nghiệp thất bại, chỉ có 3% là thành công, nhưng các bạn hãy tin rằng, thành công luôn đến bên mình nếu như chúng ta nỗ lực mỗi ngày, lao động mỗi ngày, sáng tạo mỗi ngày”, đó là những lời sẻ chia, động viên, khích lệ tinh thần của ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Ðại học FPT, gửi gắm các bạn trẻ Cà Mau trên con đường khởi nghiệp.

Với 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ, ông Hoàng Nam Tiến đã đóng góp không nhỏ vào việc ứng dụng công nghệ thúc đẩy những thay đổi tích cực trong cộng đồng kinh doanh và xã hội. Trường Ðại học FPT đã và đang đào tạo những thế hệ trẻ với tư duy mới về khởi nghiệp bền vững và sáng tạo.

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Ðại học FPT đã chỉ ra rằng, thành công sẽ đến nếu biết nỗ lực và sáng tạo mỗi ngày.

Ðánh giá về ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ, ông Hoàng Nam Tiến đã dùng cụm từ “ngạc nhiên - thực tiễn - sáng tạo”. Ông Tiến bày tỏ: “Tôi rất ngạc nhiên trước những ý tưởng các bạn trẻ, không chỉ Cà Mau mà vùng ÐBSCL đã có những dự án khởi nghiệp rất tuyệt vời. Ðây là một trong những cuộc thi khởi nghiệp thành công mà tôi từng tham gia với vai trò ban giám khảo”.

Ðiều thứ hai mà ông Tiến nói đến chính là tính thực tiễn, các bạn trẻ đã không làm "những bài toán viển vông" mà xuất phát từ thực tiễn ở Cà Mau, như cua Cà Mau, nghêu Ðất Mũi, thuốc ho từ những dược liệu xung quanh nhà, làng nghề truyền thống cốm... Ấn tượng của ông là cây bồn bồn làm nên những cái túi rất đẹp; lá cây đinh lăng có thể thay thế cho sản phẩm hộp nhựa, xốp... góp phần làm giảm tác động đến môi trường. 

Nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ những sản phẩm đặc trưng Cà Mau sẽ góp phần mang thương hiệu Cà Mau đi khắp cả nước và vươn tầm thế giới.

Ông Tiến nhận xét: “Thật ra, cua Cà Mau, nghêu Ðất Mũi, cây đinh lăng... đã có từ rất lâu. Các bạn đã giữ được tinh thần rất đặc biệt của tuổi trẻ, đó là “nghĩ không cũ về những việc không mới”. Từ những sản phẩm rất quen thuộc đã đưa ra những sản phẩm mới, cách tiếp cận mới, làm cho người tiêu dùng hài lòng hơn, cảm thấy Cà Mau gần gũi hơn. Chẳng hạn, cua, nghêu Cà Mau có thể sấy để mang đi khắp nơi một cách đơn giản nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng của nó”.

Là một doanh nhân thành đạt, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ kinh nghiệm: “Một trong những điều quan trọng khi khởi nghiệp là đòi hỏi sự sáng tạo. Ðể sáng tạo phải luôn luôn suy nghĩ một cách tự do, thậm chí bay bổng. Ðặc trưng con người miền Tây nói chung, nhất là người Cà Mau, rất phóng khoáng, tự do, đó là điểm tựa rất tốt để các bạn trẻ có thể thoải mái sáng tạo. Có lẽ vì điều đó chính là truyền thống nên các bạn trẻ có tính sáng tạo rất cao. Và kết quả cuộc thi “Khởi nghiệp Cà Mau năm 2023” là minh chứng”.

Từ những ý tưởng mới, qua áp dụng công nghệ, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh hiện lai tạo nhiều giống lúa chất lượng, thích nghi với biến đổi khí hậu cho tỉnh nhà.

Ông Tiến nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết ÐBSCL đang đứng trước nguy cơ xâm nhập mặn, liên quan đến thiếu nước ngọt và những vấn đề khác. Những sáng tạo của các bạn hãy tìm đúng những khó khăn xung quanh ta, tìm đúng những vấn đề của địa phương và giải quyết cho được những bài toán đó. Tôi mong các bạn hãy giải quyết bằng công nghệ. Công nghệ chính là vũ khí quan trọng nhất hiện nay”.

Mật ong là một trong những đặc sản Cà Mau được các chủ thể, cá nhân kinh doanh khởi nghiệp xây dựng thương hiệu, vươn tầm khu vực, cả nước.

Bà Võ Thị Ngọc Dung, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chuyển giao và Hỗ trợ phát triển kinh tế xanh, Ðại hội Quốc tế, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Cà Mau, với góc nhìn của người hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp khởi nghiệp, tôi đánh giá rất cao các sản phẩm, dự án của các bạn. Các bạn đã biết tận dụng nguồn tài nguyên của bản địa, biết thế mạnh của mình, dựa trên tài nguyên sẵn có của mình để phát triển dựa trên nền tảng sẵn có, và biết bảo vệ vùng đất mình với những dự án góp phần bảo vệ môi trường chung. Câu chuyện đặt ra là làm thế nào để thu hút được nhà đầu tư. Nếu chọn kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cho chiến lược của các dự án khởi nghiệp, ngay từ chính ý niệm thôi đã tạo sức hút đối với các nhà đầu tư về tác động xã hội rồi. Bởi vì câu chuyện giải quyết bài toàn xã hội là dự án mang tính bao trùm, giúp đỡ cho xã hội, môi trường và mang kinh tế cho địa phương. Không có lý do nào mà nhà đầu tư không chú ý. Vấn đề đặt ra dự án đủ lớn mức độ nào, có đảm bảo 3 chỉ số kinh tế hay không. Phải ổn định chỉ số tồn tại của dự án trước khi nói tới mời gọi các quỹ đầu tư”./.

 

Hồng Nhung

 

Giúp chị em tự tin khởi nghiệp

Ðồng hành cùng phụ nữ Cà Mau tự tin khởi nghiệp, những năm qua, tổ chức hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh luôn là điểm tựa, cầu nối dẫn dắt quan trọng và tích cực hỗ trợ chị em khởi nghiệp, phát triển kinh tế, hiện thực hoá các ý tưởng kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển các loại hình doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã...

Ðồng hành giúp thanh niên khởi nghiệp

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được quan tâm. Các chương trình hỗ trợ triển khai ở nhiều cấp, từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Cà Mau xác định hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp và khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.

Phụ nữ tăng thu nhập từ thủ công mỹ nghệ

Với niềm đam mê từ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chị Lý Kim Biền, Khóm 7, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, đã bắt tay vào khởi nghiệp để phát triển kinh tế gia đình. Các sản phẩm được chị Biền làm ra khá đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng, ngày càng được nhiều khách hàng biết đến (giỏ xách, gấu bông, thảm, các dụng cụ nhà bếp và đặc biệt thêu tên lên sản phẩm làm quà tặng, quà lưu niệm). Ðây là mô hình giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ.

Khởi nghiệp tại quê nhà

Tận dụng diện tích trong nhà, anh Trần Minh Ðăng (Ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi rắn ri tượng. Không chỉ mở ra hướng đi mới cho gia đình, đây cũng là nguồn thu nhập giúp anh Ðăng vươn lên trong cuộc sống.

"Bệ phóng vàng" cho khởi nghiệp đột phá

Trong kỷ nguyên công nghệ hiện đại, sự phát triển kinh tế số đã tạo ra môi trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Từ việc tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn, đến khả năng mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng toàn cầu, kinh tế số đã thay đổi cách các DN trẻ phát triển và cạnh tranh.

Thêm cơ hội thành công cho startup, doanh nghiệp

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Cà Mau đang được lan toả tích cực. Mới đây, Câu lạc bộ Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau (CSC) và Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (AHBI) đã ký kết ghi nhớ hợp tác, đánh dấu sự bắt tay hợp tác mạnh mẽ và tầm nhìn đồng lòng giữa hai bên; đồng thời, tạo cầu nối giúp phát triển hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại AHBI và CSC.

Ðồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

Thời gian qua, các cơ sở hội phụ nữ huyện Phú Tân đã đa dạng hoá các hình thức hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, phát triển kinh tế gắn với những mô hình cụ thể. Nhờ đó, giúp nhiều chị em vươn lên có cuộc sống ổn định, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trao cơ hội khởi nghiệp

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tranh thủ các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hội viên phụ nữ được tiếp cận vay vốn ưu đãi, từ đó mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế.

Khởi nghiệp từ đam mê làm bánh ngọt

Vì hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, chị Nguyễn Thị Bích Liễu (ấp Kinh 5B, xã Tân Phú, huyện Thới Bình) từ bỏ công việc giáo viên. Về nhà, chị khởi nghiệp với việc làm và kinh doanh các loại bánh ngọt. Niềm đam mê và tâm huyết với nghề đã mang lại cho chị thành công nhất định.

Về quê làm giàu

“Khởi nghiệp giờ đây không còn là phong trào nữa mà đi vào thực chất. Thực tế đã chứng minh và kiểm nghiệm qua sự phát triển bền vững của các thành viên trong cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp tại quê nhà.