(CMO) Đến nay, Cà Mau có khoảng 62 hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả theo Luật HTX năm 2012, tăng 21 HTX so với năm 2013. Tuy nhiên, qua khảo sát, hầu hết các thành viên HTX không góp vốn điều lệ; hình thức góp vốn bằng tài sản, hiện vật, trí tuệ... chưa được áp dụng, các HTX không báo cáo điều chỉnh vốn khi hết thời hạn quy định góp vốn. Hầu hết các HTX không có quy chế quản lý tài chính nên chưa tạo dựng được niềm tin đối với thành viên khi góp vốn.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ HTX thực hiện chưa thực sự hiệu quả, tính khả thi chưa cao. Như Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013/NÐ-CP, ngày 21/12/2013, của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012, quy định 11 chính sách ưu đãi, hỗ trợ các HTX, nhưng thực tế các chính sách này chưa thực sự hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ HTX chủ yếu được lồng ghép trong các chính sách chung.
Một số chính sách riêng cho HTX không có nguồn vốn, phải lồng ghép trong các chương trình khác. Vì vậy, số lượng HTX được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế.
Kinh tế hợp tác được xã Tân Dân (huyện Ðầm Dơi) phát triển với 4 HTX đều làm ăn hiệu quả, điển hình như HTX Sông Ðầm, ấp Tân Hiệp. Ảnh: DANH ÐIỆP |
Tháo gỡ khó khăn
Thực tế tại Cà Mau, mặc dù đã có nhiều HTX hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, thế nhưng đa số các HIX có vốn ít, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết; khả năng huy động vốn của các hộ thành viên rất hạn chế, khó vay vốn trung hạn, dài hạn từ ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp, thuỷ sản Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau), cho biết: “Việc tiếp cận các nguồn vốn là rất khó khăn, mặc dù có chính sách ưu đãi nhưng các quy định liên quan về tín dụng đưa ra thì hầu hết các HTX không đáp ứng được”.
Một nguyên nhân quan trọng đó là nhiều HTX, tổ hợp tác (THT), liên hiệp HTX còn hạn chế trong quản trị, điều hành, năng lực tổ chức quản lý hoạt động, quản lý vốn; nhiều HTX, THT thiếu công khai, minh bạch trong hoạt động báo cáo tài chính, thực hiện chưa đúng quy định về quản lý tài chính, kế toán, không tuân thủ các nguyên tắc của Luật HTX năm 2012, chưa chuyển đổi hoặc chỉ chuyển đổi về mặt hình thức, do vậy, thiếu cơ sở pháp lý để vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh một vấn đề khó nhất đối với các HTX, THT... là tài sản thế chấp khi vay vốn.
Ông Trịnh Hoàng Cung, Giám đốc HTX Dân Phát, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, cho biết: “HTX không có tài sản thế chấp, chưa có trụ sở mà hiện vẫn hoạt động tại nhà của giám đốc. Ðiều này gây khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay. Nếu vay thì hiện nhiều HTX thực hiện theo hình thức là sử dụng tài sản thế chấp cá nhân. Chính vì vậy, việc đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất sẽ rất khó khăn. Ðiều này cũng làm hạn chế năng lực hoạt động của HTX. Hy vọng, thời gian tới, sẽ có những điều chỉnh về điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng một cách linh hoạt, hiệu quả hơn”.
Ðể HTX phát triển thực chất
Ðể các HTX kiểu mới phát triển theo hướng gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá quy mô lớn, có sức lan toả nhất thiết phải tổ chức tốt xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế. Ðây là hoạt động khó khăn đối với hầu hết các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp khi trình độ, năng lực quản trị của HTX trong tỉnh còn hạn chế.
Trong giai đoạn từ năm 2018-2020, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ 40 HTX tham gia xúc tiến thương mại do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức. Qua các chương trình kết nối giao thương và các hội chợ, các HTX của tỉnh củng cố và mở rộng kết nối giao thương, tìm được nhiều khách hàng, tăng lượng tiêu thụ và nâng cao giá trị hàng hoá. Tuy nhiên, khó khăn lớn thời gian qua là phần lớn các mặt hàng nông sản do HTX sản xuất chưa đảm bảo quy mô về mặt số lượng và chưa được chứng nhận về mặt chất lượng, kể cả một số mặt hàng chủ lực của tỉnh như lúa, gạo, tôm, cua...
Ðể kinh tế tập thể (KTTT), HTX, phát triển theo hướng bền vững, thực chất thì vấn đề đặt ra là tránh tình trạng khuyến khích thành lập ồ ạt các HTX trong khi chưa tính đến năng lực hoạt động, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về KTTT và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, đại diện Tập đoàn TH cho rằng: “Ðể phát triển các mô hình HTX kiểu mới đạt hiệu quả và thiết thực, Nhà nước cần xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất một cách tổng thể, tính đến yếu tố bền vững lâu dài để phát huy lợi thế của từng vùng miền. Sản xuất phải theo quy hoạch, tránh việc sản xuất theo phong trào, chồng chéo, gây lãng phí tài nguyên”.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Vấn đề đặt ra hiện nay là cần xây dựng các mô hình KTTT kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới dựa trên nhu cầu hợp tác tự nguyện của các thành viên, vì lợi ích của thành viên, HTX và cộng đồng. Xây dựng mô hình HTX chuyên ngành nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng kinh tế của địa phương”./.
Ðặng Duẩn