(CMO) Nuôi, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản có mối liên kết chặt chẽ với nhau, khi nghề nuôi gặp nhiều khó khăn thì lĩnh vực chế biến và xuất khẩu cũng không mấy khả quan. Do nhiều yếu tố tác động kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Cà Mau 4 tháng đầu năm giảm đến trên 23%.
Khó từ thị trường…
Sự sụt giảm mạnh của kim ngạch xuất khẩu được xác định từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động bởi lạm phát tại các nền kinh tế lớn vẫn duy trì ở mức cao, và do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Nga - Ucraina. Nhiều thị trường lớn, truyền thống của tỉnh Cà Mau nhiều năm qua nay đều có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Cụ thể, thị trường Mỹ giảm 61,9%; EU giảm 31,1%; Nhật Bản giảm 50,2%; Australia giảm 64,2%; Canada giảm 73,5%...
Thuộc tốp đầu trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh thời gian qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cũng đang gặp khó khăn trong tìm đường xuất ngoại cho con tôm Việt. Theo báo cáo tổng hợp của công ty, đến hết tháng 4 năm nay chỉ xuất khẩu được 50,7 triệu USD, giảm 55%, về sản lượng xuất được 4.050 tấn, giảm 52%. Ngoài các nguyên nhân do tác động của thị trường đã được chỉ ra thì theo đại diện lãnh đạo Công ty Minh Phú, do giá tôm thẻ chân trắng hiện nay trên địa bàn tỉnh và trong nước là quá cao so với nhiều nước trong khu vực.
Ngoài diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh, người dân luôn chú trọng việc nuôi tôm quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống. |
Là đơn vị có thế mạnh về xuất khẩu tôm sú nguyên con, thế nhưng từ đầu năm đến nay Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Năm Căn (Công ty Năm Căn) cũng đang gặp khó khăn như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản khác trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó tổng giám đốc Công ty Năm Căn chia sẻ, sản phẩm tôm sú nguyên con hàng năm chiếm từ 45-50% giá trị xuất khẩu của công ty. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay xuất khẩu giảm đến 80-90%. Nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ giá cả, dù từ đầu năm đến nay giá mà công ty chào hàng tại thị trường Nhật Bản đã giảm hơn 1 USD so với những năm trước, nhưng các đối tác vẫn thông tin là giá này còn cao hơn so với Ecuador gần 2 USD. Dù công ty đã giảm giá thu mua tôm nguyên liệu nhưng cũng không thể giảm sâu hơn.
Một thực tế mà Công ty Năm Căn cũng như nhiều công ty có tham gia chế biến xuất khẩu mặt hàng tôm sú thâm canh là còn phụ thuộc vào mùa vụ sản xuất, tức mỗi năm chỉ được vài tháng để nhập nguyên liệu. Do đó, để đủ hàng cho sản xuất và xuất khẩu quanh năm buộc các công ty phải nhập hàng trữ kho. Tất nhiên, công việc này đòi hỏi cần nguồn vốn lớn từ nội lực các doanh nghiệp cũng như hạn mức cho vay từ các ngân hàng.
Ðể đảm bảo nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh từ quý II cho đến cuối năm, thời gian mà hoạt động xuất khẩu thường phát triển mạnh, ông Cảnh cho biết, công ty đang dự kiến tiếp tục nhập nguyên liệu để trữ kho nên nhu cầu vốn hiện nay rất nhiều, trong khi đó vốn điều lệ và nguồn vốn vay hiện nay cũng đã hết hạn mức, đây đang là cái khó mà công ty đang gặp phải.
Thị trường giảm do lạm phát, do chiến tranh, dịch bệnh... là chuyện khó tránh khỏi và phải chấp nhận. Tuy nhiên, không phải là không có giải pháp để khắc phục, tháo gỡ. “Tìm kiếm thị trường mới, nhất là thị trường có nhiều tiềm năng như Trung Ðông là giải pháp mà Công ty Năm Căn đã lựa chọn và đang cho thấy nhiều tín hiệu khả quan”, ông Cảnh cho biết thêm.
Trước giá thức ăn tăng cao, người nuôi tôm phải cắt giảm thuốc, thức ăn, hoá chất để tăng lợi nhuận. (Ảnh minh hoạ) |
... Cho đến một số quy định
Một số quy định mới về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), thủ tục thuê đất là những khó khăn mới phát sinh và cụ thể hiện nay mà nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang gặp phải. Theo ông Nguyễn Văn Ðô, qua làm việc với các công ty nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản nói riêng đều gặp khó bởi các quy định về an toàn PCCC, nhất là trong việc cải tạo các cơ sở đã hình thành trước đó theo đúng quy định PCCC mới.
Công ty Cổ phần Thuỷ sản Cà Mau (SEAPRIMEXCO) là một trường hợp cụ thể. Theo ông Tô Tấn Hoài, Phó tổng giám đốc Công ty, thời gian qua công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay công ty đang gặp phải khó khăn nhất là các quy định về PCCC. Qua kiểm tra, nghiệm thu về an toàn PCCC số điểm còn hạn chế có khả năng khắc phục, nhưng có một hạn chế khó có khả năng khắc phục là quy định sơn chống cháy. Ðối với cơ sở xây dựng mới thì không vấn đề gì, nhưng đối với cơ sở đã xây dựng trước đó thì việc phải tiến hành sơn chống cháy là gần như không thể. Nếu không khắc phục được thì không thể nghiệm thu, mà điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công ty, thậm chí có khả năng không thể hoạt động.
Cũng đang gặp khó trong việc triển khai đảm bảo các quy định về PCCC, một lãnh đạo Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, mặc dù nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của anh em Cảnh sát PCCC tỉnh nhưng đã qua phải điều chỉnh hồ sơ đến 4 lần và phải mất gần 4 tháng mới được duyệt. Hiện nay khách hàng càng “cao cấp” thì họ đòi hỏi càng cao về trách nhiệm xã hội, trong đó có quy định về công tác PCCC, nếu không có chứng nhận này họ sẵn sàng huỷ đơn hàng và khi nào có mới mua lại, và thực tế Minh Phú cũng đã gặp phải trường hợp này.
Ngoài các quy định về an toàn PCCC mới thì các thủ tục thuê đất để đầu tư xây dựng kho lạnh cũng là một khó khăn, điển hình như Công ty Cổ phần Thuỷ sản Cà Mau đang gặp phải. Theo ông Hoài, công ty đã có hồ sơ xin thuê đất tại đường Cao Thắng, Phường 8, TP Cà Mau từ tháng 8/2021, nhưng đến nay chưa thuê được. Ít đơn hàng do việc xuất khẩu gặp khó khăn, nhưng tôm nguyên liệu của người dân thì không thể không mua, do đó, hàng tồn kho lớn phải đi thuê kho lạnh tốn rất nhiều chi phí.
Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác cũng khó khăn, đặc biệt là sản xuất của người dân. Do đó, việc tiến hành rà soát lại toàn bộ các chủ trương, chính sách đã ban hành để từ đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả cũng là cách để giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững hơn.
Trong cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cam kết tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và phân công ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trên tinh thần thẳng thắn, chia sẻ và đúng quy định. Tất cả vì sự phát triển của doanh nghiệp và của tỉnh Cà Mau.
Trung Ðỉnh - Nguyễn Phú
Bài cuối: HƯỚNG ÐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG