ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 13:06:05
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðể kinh tế thuỷ sản thật sự trở thành mũi nhọn - Bài cuối: Hướng đến phát triển bền vững

Báo Cà Mau (CMO) Ðể ngành hàng tôm trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, trước mắt là vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay rất cần sự trợ lực của Nhà nước. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là sự linh động của các doanh nghiệp và người dân để xây dựng cho mình một cung đường ngắn nhất trong hành trình tiến tới thành công.

>> Bài 1: Khó khăn bủa vây

>> Bài 2: Chế biến, xuất khẩu giảm

Thời gian qua, Ðảng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý là chính sách về tín dụng, nhằm giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, cơ cấu lại nguồn vốn vay và gia hạn các nguồn vay ngắn hạn, trung hạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguồn hỗ trợ có tiến độ triển khai không như mong đợi. Cụ thể là Nghị định số 31/2022 về hỗ trợ lãi suất 2% vốn vay.

Ưu đãi tín dụng

Rõ ràng, với việc hỗ trợ lãi suất 2% vốn vay là khoản tiền không nhỏ cho doanh nghiệp trong điều kiện lãi suất cao và xuất khẩu khó khăn như hiện nay. Nhưng thực tế, tiến độ triển khai lại không như mong đợi, thậm chí rất ít.

Theo ông Võ Kiên Giang, Phó giám đốc Phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau, thống kê đến hết tháng 3 năm nay, toàn tỉnh chỉ có 7 doanh nghiệp được hỗ trợ với số vốn khoảng 622 tỷ đồng, số lãi đã được hỗ trợ là 3,2 tỷ đồng. Con số này quá thấp so với nguồn vốn và số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ.

Trong sản xuất và tiêu thụ, doanh nghiệp và người nuôi cần xây dựng mối liên kết chuỗi để tạo ra phân khúc sản phẩm chất lượng cao.

Ðang gặp khó khăn về vốn nhưng tại sao các doanh nghiệp lại không mặn mà? Rõ ràng chính doanh nghiệp ngại do sợ thanh tra, kiểm tra; còn ngân hàng thì sợ trách nhiệm do trong hướng dẫn có khẳng định nếu nhân viên ngân hàng thẩm định không đúng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Giang chia sẻ: "Trong số hơn 6.500 tỷ đồng dư nợ của các doanh nghiệp nuôi, chế biến xuất khẩu thuỷ sản thì có doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ (không thuộc nhóm hỗ trợ); số còn lại đa phần các doanh nghiệp cũng chỉ xin hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm thu mua nguyên liệu có hoá đơn chứng từ rõ ràng; còn lại toàn bộ chi phí quản lý như vận chuyển, điện, nước… thì gần như các doanh nghiệp chưa tiếp cận được, nên dư nợ cao nhưng số lượng được hỗ trợ ít, không như kỳ vọng".

Ðối với nguồn vốn tại các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh hiện nay, ông Giang khẳng định: "Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đảm bảo lượng vốn vay, đặc biệt là vốn phục vụ cho xuất khẩu thuỷ sản. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản còn dư hạn mức tín dụng vay vốn nhiều ngàn tỷ mà không sử dụng hết. Riêng việc hỗ trợ lãi suất 2% vốn vay theo Nghị định số 31/2022, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ đầy đủ khi doanh nghiệp đủ điều kiện và có nhu cầu, không có lý do gì để từ chối nhưng doanh nghiệp không mặn mà”.

Các ngân hàng thương mại chi nhánh trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều khẳng định, cuối năm 2022 có một số khó khăn về cung ứng vốn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023 nguồn vốn không thiếu, tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu đều được cung ứng đầy đủ, hiện nay nguồn vốn của các ngân hàng đang rất dồi dào.

Riêng đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% hiện nay còn thấp, không phải ngân hàng không muốn triển khai nhưng do vẫn còn một số ràng buộc nên doanh nghiệp không thực hiện. Cụ thể là, ngoài việc không hỗ trợ đối với vay bằng USD thì còn có quy định nếu đã được hỗ trợ lãi suất thì việc sản xuất kinh doanh phải tốt hơn, nếu không sẽ bị thu hồi. Trong khi đó, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp không thể dự báo được hiệu quả sản xuất kinh doanh sau này sẽ như thế nào, từ đó không mặn mà.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có thông tư hướng dẫn cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp. Như vậy có thể thấy, hiện nay có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính, cơ chế, chính sách. Vấn đề còn lại là sự năng động, linh hoạt của từng doanh nghiệp, hộ nuôi để phát huy tối đa lợi thế mà mình hiện có.

Phát huy tối đa lợi thế

Với lợi thế đông thành viên, với diện tích 50 ha nuôi theo loại hình siêu thâm canh và hơn 80 ha quảng canh cải tiến, HTX Nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, đã chọn cho mình hướng đi mới để không chỉ trụ được mà còn phát triển, trong điều kiện tất cả giá vật tư đầu vào đều tăng, chỉ có giá con tôm giảm.

Ông Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc HTX Tân Hưng, chia sẻ, chính nhờ sự đồng loạt trong tất cả các khâu mà chi phí sản xuất giảm đáng kể. Cụ thể, thức ăn giảm 10%, điện giảm 10%, giống giảm và nhận được sự hỗ trợ hoàn toàn chi phí xét nghiệm nước... Mục tiêu HTX đặt ra là giảm được gì thì giảm, nhất là thức ăn.

Ðể giảm tối đa chi phí thức ăn, nhất là tránh phải mua nợ với số lượng lớn, giá cao, ông Diện cho biết, HTX đã thống nhất đối với thành viên không đủ điều kiện chia thành 2 mốc thời gian trong một vụ nuôi. Khi tôm nuôi đạt kích cỡ 60-70 con/kg tiến hành tỉa thưa khoảng 50% lấy tiền mua thức ăn, vi sinh, hoá chất để giảm một phần thức ăn. Ðặc biệt, sau nhiều năm mài mò nghiên cứu, ông Diện đã chế tạo thành công thiết bị chống điện giật và còn tiết kiệm được một lượng lớn điện tiêu thụ trong nuôi tôm công nghiệp.

Tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay càng khiến nghề nuôi ngày một khó hơn nếu không có giải pháp hợp lý. 

Chỉ xét yếu tố con giống, ông Diện so sánh, nếu mua giống từ các tỉnh miền Trung sẽ gặp nhiều bất lợi hơn so với giống được sản xuất tại tỉnh. Bởi quá trình vận chuyển ít nhất trên 10 giờ và trong quá trình này phải tiến hành gây mê, do đó phần nào ảnh hưởng sức khoẻ tôm, nếu khi về người nuôi không cẩn thận và thêm môi trường chưa thật sự được xử lý triệt để thì tỷ lệ hao hụt rất cao. Ðể có vụ nuôi thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ giống, chăm sóc cho đến môi trường, khoa học công nghệ... Và ngày nay, nếu muốn thành công với con tôm, nông dân, doanh nghiệp rất cần thiết có sự liên kết với nhau.

Một lợi thế đối với ngành tôm của tỉnh là thời gian qua con tôm Cà Mau đạt chứng nhận của các tổ chức thế giới. Nào là chứng nhận Naturland, BAP, EU, Selva Shrimp và VietGap, AFC... Tuy nhiên, chúng ta chưa phát huy hết lợi thế này. Con tôm sú nuôi trong vùng rừng là một ví dụ. Với khoảng 10 doanh nghiệp có vùng nuôi đạt các chứng nhận quốc tế là phân khúc sản phẩm chất lượng cao, là lợi thế lớn nhưng do thiếu sự liên kết với nhau đã khiến lợi thế này không được phát huy tối đa giá trị. Bởi, mỗi doanh nghiệp đạt một hay nhiều chứng nhận khác nhau và mỗi thị trường yêu cầu chứng nhận cũng khác nhau. Do đó, nếu các doanh nghiệp này chịu ngồi lại và bắt tay với nhau thì sẽ tạo ra sức mạnh cạnh tranh rất lớn.

Xuất khẩu gặp khó, thương lái và doanh nghiệp kiểm tra gắt gao nguồn tôm nguyên liệu đầu vào. (Ảnh thu hoạch tôm tại xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi).

Về cơ sở hạ tầng hiện nay, ông Nguyễn Văn Ðô, Giám đốc Sở Công thương, kiến nghị cần có giải pháp cải tạo lại hạ tầng tại các khu công nghiệp, do một số tuyến đường đã xuống cấp gây ra nhiều khó khăn trong vận chuyển hàng hoá của doanh nghiệp. UBND tỉnh có kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu và các loại sản phẩm phục vụ nuôi tôm.

Giá thành tôm nguyên liệu được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến những nhân tố cốt lõi là quy hoạch sản xuất, kỹ thuật, liên kết trong sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào phục vụ nghề nuôi... Trong đó có những vấn đề giải quyết tức thời nhưng cũng có vấn đề phải có thời gian giải quyết.


Ðể khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện nay, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo, Sở NN&PTNT tổ chức mời các doanh nghiệp đạt chứng nhận vùng nuôi liên kết lại với nhau trong sản xuất, kinh doanh. Sở Công thương phối hợp với các bộ, ngành tiến hành các hình thức xúc tiến thương mại mới. Các sở, ngành cần đặt mục tiêu giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp theo cách phù hợp với từng lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ liên quan.


 

Trung Ðỉnh - Nguyễn Phú

 

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.