(CMO) “Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), đảm bảo người dân cập nhật, tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời”, là một trong những nội dung mà theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng cho là quan trọng nhất trong số các giải pháp để tạo bước đột phá trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu (EC).
Thời gian qua, hoạt động chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và những quy định có liên quan. Một trong những nội dung được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả là Văn bản số 81-CT/TW, ngày 20/3/2020 của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU, Chỉ thị số 45/CT-TTg, các Công điện số 732/CĐ-TTg, số 1275/CĐ-TTg ngày 19/9/2018, Quyết định số 78/QĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Luật Thuỷ sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật...
Cà Mau phấn đấu kiểm soát 100% sản lượng thuỷ sản bốc dỡ tại các cảng cá. Chỉ định và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất sang thị trường châu Âu. |
Không chỉ triển khai thực hiện các quy định của Trung ương, trên địa bàn tỉnh đã ban hành khoảng 50 văn bản liên quan lĩnh vực khai thác thuỷ sản. Có thể nói, đây là lĩnh vực mà trong thời gian ngắn có số lượng văn bản được ban hành, chỉ đạo nhiều nhất trong nỗ lực đưa nghề khai thác phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả.
Với ngư trường rộng lớn cùng nguồn lợi thuỷ sản phong phú, từ lâu nghề khai thác được xem là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Khai thác thuỷ sản hàng năm không chỉ đóng góp hơn 220.000 tấn thuỷ sản các loại cho thị trường, mà nghề này nhiều năm qua đã giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn người mỗi năm từ trực tiếp khai thác cho đến dịch vụ hậu cần nghề cá.
Dù đã rất nỗ lực, song công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, cái khó lớn nhất vẫn là công tác truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác. Tính từ năm 2019 đến nay, đã cấp 84 giấy xác nhận cho doanh nghiệp, với khối lượng thuỷ sản xác nhận là 15.604 tấn và 371 giấy chứng nhận với khối lượng 7.213 tấn. Từ sản lượng được cấp giấy chứng nhận cho thấy còn khá thấp so với tổng sản lượng khai thác hàng năm của tỉnh.
Theo đó, ông Bằng cho biết thêm, thời gian tới, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, phấn đấu kiểm soát 100% sản lượng thuỷ sản bốc dỡ tại các cảng cá chỉ định và thu hồi nhật ký khai thác của các tàu cá cập cảng để bốc dỡ thuỷ sản; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất sang thị trường châu Âu. Kiểm tra công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá theo quy định, từ đó kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng tàu cá cố tình đánh bắt ở các vùng biển nước ngoài.
Ngoai ra, sẽ bố trí kinh phí và nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”; trong đó ưu tiên kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Tiếp tục rà soát kế hoạch hành động ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của tỉnh Cà Mau đến năm 2025 để điều chỉnh cho phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là hoạt động tuyên truyền.
Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được tỉnh Cà Mau quan tâm chỉ đạo xây dựng và từng bước triển khai các phương án chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân, giảm áp lực khai thác hải sản, thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm./.
Nguyễn Phú