(CMO) Cùng với hoàn thiện quy định để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về trách nhiệm của NSDLÐ trong việc đóng góp quỹ BHXH, BHYT, BHTN, các cơ quan chức năng cần thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của NSDLÐ, hiểu biết pháp luật của NLÐ; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; nâng cao vai trò của Công đoàn trong việc giám sát, phối hợp với NSDLÐ thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLÐ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt đối với các đơn vị sử dụng có các hành vi vi phạm kéo dài.
Giải quyết các chế độ cho người lao động tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau. |
Ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội (Sở LÐ-TB&XH) thông tin, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT) giảm sút. Theo đó, TTKT tại 77 đơn vị, truy thu do đóng thiếu thời gian của 57 lao động; đề nghị tham gia đối với 176 lao động chưa tham gia. Số tiền thu nợ và truy thu trên 1 tỷ đồng.
Ðể góp phần đảm bảo quyền lợi cho NLÐ, đến ngày 31/10/2022, Sở LÐ-TB&XH tỉnh đã thành lập 218 đoàn TTKT tại 223 đơn vị, đồng thời ban hành 235 công văn cảnh báo, đôn đốc đơn vị thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT. Trong đó, TTKT tại 127 đơn vị với tổng số tiền đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN (bao gồm cả tiền lãi) khi có quyết định thanh tra là trên 10 tỷ đồng, trong đó đã thu được trên 8 tỷ đồng, đạt 75,6%.
Ðồng thời thanh tra đột xuất 96 đơn vị, trong đó, thanh tra truy thu trên 6 tháng của 51 lao động với tổng số tiền trên 730 triệu đồng; thanh tra đơn vị nợ 3 tháng trở lên đối với 45 đơn vị, tổng số tiền trên 9 tỷ đồng. Qua TTKT phát hiện còn nhiều lao động chưa được ký hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHTN, BHYT, qua đó đoàn TTKT đã yêu cầu nhưng DN không thực hiện, chậm thực hiện.
Theo ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, đối với những đơn vị chây ì, chậm đóng BHXH cho NLÐ, BHXH tỉnh đều thông báo nợ và có mời đơn vị làm việc. Ðồng thời, phối hợp với Sở LÐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh mời đại diện công ty, tổ chức Công đoàn làm việc để thanh toán nợ và có giải pháp kịp thời đóng các khoản nợ cho NLÐ. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh vẫn còn khoảng 10 DN, chủ yếu là DN chế biến thuỷ sản đang tạm ngưng hoạt động, hoặc cho thuê nhà xưởng, các DN này đã nợ kéo dài nhiều năm nay. Cơ quan BHXH cũng nhiều lần đôn đốc; Bộ LÐ-TB&XH cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, cá biệt có DN đã bị khởi kiện nhưng do DN mất cân đối, không khả năng thanh toán nên nợ kéo dài.
“Hiện nay, còn khoảng 1.000 lao động do DN nợ, họ đã chuyển qua làm việc cho các DN khác. Ðể bảo đảm quyền lợi cho NLÐ, BHXH chốt sổ bảo hiểm đến thời điểm DN cũ đóng đủ và đóng nối tiếp khi NLÐ làm việc tại DN mới. Ðối với việc gián đoạn khi DN cũ chưa đóng, khi DN cũ đóng thì cơ quan BHXH sẽ ghi nhận và bổ sung thời gian đóng cho NLÐ, để khi hết tuổi lao động họ có thể nhận đầy đủ các chế độ”, ông Trịnh Trung Kiên thông tin.
Ông Trần Việt Hoá, Phó chủ tịch LÐLÐ tỉnh, cho biết, thời gian qua, Công đoàn cơ sở trong các DN phối hợp xây dựng và ban hành quy chế đối thoại, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, tổ chức thương lượng tập thể; góp phần xây dựng mối quan hệ hài hoà, ổn định trong DN. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn còn tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Ðồng thời, giám sát NSDLÐ thực hiện Nghị định 90/2019/NÐ-CP, ngày 15/11/2019 và Nghị định số 38/2022/NÐ-CP, ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLÐ làm việc theo hợp đồng lao động; nắm tình hình chi trả tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phụ cấp, phúc lợi xã hội...
Do ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài nên Công ty TNHH may mặc xuất nhập khẩu Gia Bảo gặp nhiều khó khăn. |
“Tuy nhiên, khi NLÐ phát hiện cơ quan, DN, nơi NLÐ làm việc đóng không đúng tiền lương NLÐ hưởng hoặc đóng chậm thì NLÐ có trách nhiệm đề nghị đơn vị sử dụng lao động đóng đúng tiền lương và đúng theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Trường hợp NLÐ kiến nghị không được cơ quan, đơn vị xử lý thì thông qua tổ chức Công đoàn. Nếu không được thì khiếu kiện lên các cơ quan quản lý lao động cấp trên để được xử lý, giải quyết kịp thời. NLÐ khi phát hiện NSDLÐ vi phạm quyền lợi chính đáng của mình về việc chiếm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, kéo dài thì tập thể NLÐ có quyền ký đơn và yêu cầu tổ chức Công đoàn của đơn vị đề nghị Công đoàn cấp trên khởi kiện DN về việc vi phạm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLД, ông Trần Việt Hoá thông tin thêm.
Ông Trịnh Trung Kiên cho biết: "Từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh đã thành lập các đoàn thanh tra đột xuất gần 200 DN nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên. Ðồng thời, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, nếu vượt thẩm quyền của Giám đốc BHXH tỉnh sẽ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp sau xử phạt vi phạm hành chính thì củng cố đầy đủ các thủ tục mà DN không chấp hành để chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý hình sự đối với các DN vi phạm về trốn đóng BHXH, BHTN và BHYT".
TTKT, xử lý vi phạm chỉ là giải pháp sau cùng khi NSDLÐ không thực hiện đầy đủ quyền lợi đối với NLÐ. Có thể thấy, phần lớn NLÐ đều có cuộc sống khó khăn, “bán sức lao động” hàng ngày để cuối tháng thu về vài triệu đồng chăm lo cho cuộc sống gia đình. Nếu NSDLÐ không đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng cho NLÐ thì cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn hơn. Khi mối quan hệ lợi ích giữa NSDLÐ và NLÐ được giải quyết thoả đáng thì NLÐ mới gắn bó, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với NSDLÐ lâu dài./.
Hồng Phượng - Thanh Phương