ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-4-25 04:33:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðể Rạch Gốc là nơi neo trú bão an toàn

Báo Cà Mau (CMO) Vừa có lợi thế về vị trí địa lý gần với tất cả các ngư trường khai thác, vừa được đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão..., Rạch Gốc là một trong những điểm đến được nhiều tàu khai thác trên biển lựa chọn khi xảy ra thiên tai, mưa bão cũng như sau mỗi chuyến khai thác. Tuy nhiên, việc quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng phục vụ hậu cần… chưa phù hợp so với nhu cầu thực tế đã và đang gây ra không ít khó khăn trong quá trình hoạt động nghề của bà con ngư dân cũng như trong công tác phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.

Thuỷ sản từ lâu được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nói chung và huyện Ngọc Hiển nói riêng. Ngành khai thác thuỷ sản đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, trong đó có thị trấn Rạch Gốc. Hàng ngàn hộ dân nơi đây có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao cũng nhờ các chuyến tàu khai thác thuỷ sản. Không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, những con tàu vươn khơi còn góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

Rạch Gốc là địa phương có 1 trong số 5 cảng cá toàn tỉnh đang hoạt động và là địa phương thứ 2 của tỉnh được đầu tư khu neo đậu tránh trú bão đạt cấp vùng. Có thể thấy, Rạch Gốc là một trong những trục quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh cũng như nơi để các phương tiện trong và ngoài tỉnh tránh trú khi có thời tiết xấu, thiên tai trên biển.

Cửa biển Rạch Gốc, nơi có nhiều tiềm năng phát triển nghề khai thác cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá.

Với vị trí quan trọng ấy, ngay từ những năm 2006, Bộ Thuỷ sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư khu neo đậu tránh trú bão tại Rạch Gốc. Sau thời gian triển khai thực hiện với vài lần điều chỉnh, đến năm 2016, dự án được đưa vào hoạt động. Với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo cho khoảng 1.000 chiếc tàu có công suất 400 CV. Ngoài ra, khu neo đậu còn được đầu tư hệ thống hạ tầng như hệ thống kè dài 364 m, hệ thống phao tiêu báo hiệu, nạo vét khu nước trước bến và luồng chạy tàu, bến cập tàu dài 100 m, đường nội bộ… Từ đó, người và tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản quanh khu vực Rạch Gốc và các ngư trường lân cận có thêm một địa điểm neo đậu, tránh trú bão thuận lợi, kết hợp phát triển khu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ông Lâm Sĩ Em, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, cho biết: “Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cửa biển Rạch Gốc có rất nhiều tiềm năng, lợi thế do là nơi gần nhất của các ngư trường trong khu vực nên có thể thu hút các phương tiện trong và ngoài tỉnh vào trao đổi hàng hoá. Với đội tàu hơn 129 phương tiện, trong đó 103 phương tiện từ 12 m trở lên nên khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá vẫn là lĩnh vực mà thị trấn chọn để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong quá trình xây dựng thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng hiện nay của thị trấn cũng như các công trình dự án đã được đầu tư, thị trấn rất cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn, nhất là hạ tầng giao thông”.

Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Ngọc Hiển về xây dựng thị trấn Rạch Gốc đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2021-2022 và những năm tiếp theo đã xác định, phát triển kinh tế chú trọng phát triển ngư nghiệp, khuyến khích đầu tư khai thác thuỷ sản biển gắn với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Tập trung phát triển thương mại dịch vụ như: dịch vụ vận chuyển, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vật liệu xây dựng, cung ứng vật tư nuôi trồng, khai thác thuỷ sản… để lĩnh vực này trở thành động lực phát triển kinh tế của thị trấn. Bên cạnh đó là phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển, thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; tập trung phát triển các lĩnh vực thế mạnh như nuôi tôm sinh thái gắn với chứng nhận, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, hậu cần nghề cá, du lịch, dịch vụ... Thực hiện lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đảm bảo tính đa mục tiêu, hiệu quả và phát triển bền vững.

Khai thác thuỷ sản là lĩnh vực kinh tế quan trọng của thị trấn Rạch Gốc.

Ðó là góc nhìn về kinh tế, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là với tình trạng bồi lắng và hạ tầng thực tại, liệu Rạch Gốc có đảm bảo là nơi trú ẩn an toàn khi có mưa bão. Liên quan đến vấn đề này, ông Lâm Sĩ Em cho biết, hiện tại tất cả mọi công tác chuẩn bị cho công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai đều đã sẵn sàng. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là thị trấn vẫn còn khoảng 200 hộ dân vùng ven biển thuộc diện phải di dời sơ tán nếu có bão đổ bộ vào đất liền và việc đảm bảo an toàn cho đội tàu khai thác trên biển.

Cũng như các cảng cá, khu neo đậu hiện nay trên toàn tỉnh, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Rạch Gốc trong quy hoạch vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp so với nhu cầu thực tế. Tiêu biểu có thể chỉ ra như chiều dài cầu cảng chưa đảm bảo cho tàu cập cảng; cầu cảng không có mái che, khu phân loại làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thuỷ sản khai thác; hệ thống xử lý chất thải chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ sở hạ tầng tại các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ, các tuyến lộ xe đấu nối từ cảng cá chỉ định (Sông Ðốc, Rạch Gốc) với Quốc lộ 1 giới hạn tải trọng không quá 8-10 tấn nên việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hoá bị hạn chế.

Ngoài ra, cửa biển bị bồi lắng nhưng không được nạo vét thường xuyên đã gây khó khăn cho tàu cá ra vào cảng cũng như việc tránh trú bão khi cần thiết. Cùng với Cảng cá Sông Ðốc, Rạch Gốc là cảng được chỉ định nên có nhiều tàu cá cập, rời cảng, do đó cần được đầu tư, nâng cấp thành cảng cá chỉ định loại I. Có như vậy mới có thể phát huy hết tiềm năng hiện có của địa phương cũng như là nơi trú ẩn an toàn cho tàu khai thác khi có mưa bão, thiên tai./.

 

Nguyễn Phú

 

Liên kết hữu ích

Tạo điều kiện để đồng bào phát triển đời sống tốt hơn

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Trần Văn Thời dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn, cũng như tạo điều kiện cho đồng bào giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp và làm đa dạng, phong phú bản sắc văn hoá các dân tộc anh em.

Biển thôi hào phóng

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, sự xâm hại quá mức của con người đã làm cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, trong đó có nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) trên biển.

Triển vọng từ chăn nuôi heo rừng lai

Xuất thân từ gia đình thuần nông, với tính cần cù, chịu khó và nhạy bén, chị Ðặng Hồng Ðông, ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, đã kết nối với công ty ở tỉnh Ðồng Tháp, xây dựng mô hình nuôi heo rừng lai tại gia đình. Hiện tại, mô hình nuôi phát triển tốt và có nhiều triển vọng kinh tế.

Ðồng vợ đồng chồng thoát nghèo

Tại ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, vợ chồng chị Hồ Thị Thanh Xuân và anh Lâm Văn Khởi là tấm gương tiêu biểu về sự kiên trì, vượt qua khó khăn để thoát nghèo.

Nhãn hiệu chứng nhận cho nghêu Ðất Mũi

Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vùng cực Nam Tổ quốc, mà còn được biết đến với thế mạnh nghề nuôi nghêu - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cựu chiến binh Ngô Văn Xuyên gương mẫu phát triển kinh tế

Không trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Nhà nước và sự trợ giúp của địa phương, với bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Ngô Văn Xuyên (72 tuổi, Ấp 2, xã Tắc Vân) luôn siêng năng, cần cù, tích cực trong lao động, thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu

Hiện nay, nông dân huyện Trần Văn Thời đang tập trung làm đất, chuẩn bị sẵn sàng lúa giống và các loại vật tư nông nghiệp, chờ đến lịch mùa vụ sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu.

Gỡ khó, tạo đột phá cho kinh tế lâm nghiệp

Thời gian qua, rừng và đất lâm nghiệp không chỉ góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, giảm nghèo, mà còn mang lại giá trị trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế lâm nghiệp vẫn chưa được phát huy xứng tầm với tiềm năng, do vẫn còn những điểm nghẽn.

Mùa chụp đìa

Vào mùa hạn, khi những cánh đồng nhấp nhô rơm rạ, các con kênh khô nước cũng là lúc vào mùa chụp đìa. Ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, mùa này là lúc bà con nô nức cùng nhau vần công để chụp đìa, chia cá. Dân ở xứ cá đồng cũng vui lây vì có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Hợp tác xã “Cây ăn trái sạch Khánh Hưng” hướng đến môi trường kinh doanh điện tử

Ðược thành lập và đi vào hoạt động hơn 5 năm qua, Hợp tác xã (HTX) "Cây ăn trái sạch Khánh Hưng", xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng. Ðặc biệt, HTX đang hướng đến môi trường kinh doanh điện tử, nhằm quảng bá sản phẩm và bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số.