Bên cạnh việc dạy và học, chủ trương xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học ngày nay được các trường đặc biệt quan tâm. Bởi, xây dựng văn hoá ứng xử chuẩn mực giúp các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng đắn, hành vi tốt đẹp, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngoài công tác chuyên môn, Trường THPT Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời) luôn chú trọng thực hiện văn hoá ứng xử. Thầy Ðỗ Văn Quân, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Bộ quy tắc ứng xử trong trường học được xây dựng tuân thủ các quy chế, quy định về đạo đức, kỷ luật trong môi trường giáo dục cho giáo viên, nhân viên và học sinh, tạo chuyển biến tốt về môi trường văn hoá trong trường học”.
Xây dựng văn hoá ứng xử chuẩn mực, văn minh góp phần tạo nên tình bạn đẹp trong học đường. (Ảnh chụp Trường THPT Trần Văn Thời).
Xây dựng văn hoá ứng xử được nhà trường lồng ghép trong chương trình học, hay tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá để thầy và trò có cơ hội giao lưu, đối thoại rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử.
Em Nguyễn Tường Vy, Lớp 11C3, chia sẻ: “Em được tham dự nhiều buổi tuyên truyền do trường tổ chức với nhiều hình thức khác nhau, như tuyên truyền dưới cờ, sinh hoạt lớp, tiết học Giáo dục công dân... Từ đó, em học được khả năng quản lý cảm xúc, đặc biệt là tránh những suy nghĩ tiêu cực, cư xử chuẩn mực với bạn bè, thầy cô”.
Em Nguyễn Chí Cách, Lớp 11C5, cho biết: "Chúng em luôn được nhà trường tuyên truyền văn hoá ứng xử chuẩn mực trong trường học. Các bảng quy tắc, khẩu hiệu được đặt khắp nơi, từ cổng trường đến trong sân trường và mỗi lớp học, nhằm xây dựng văn hoá học đường, để nhắc nhở học sinh có nhận thức đúng đắn và hành động đẹp trong ứng xử".
"Em cũng từng xảy ra mâu thuẫn với các bạn, nhưng chúng em luôn ngồi lại nói chuyện để giải quyết mâu thuẫn thay vì hành động không hay. Là học sinh, em luôn giữ thái độ lễ phép, tôn trọng thầy cô; đối với bạn bè em luôn hoà đồng, thân thiện. Cho nên, mỗi ngày đến trường của em đều trong tâm trạng thoải mái, qua đó nâng cao hiệu quả học tập”, em Nguyễn Chí Cách chia sẻ.
Tại Trường THCS Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình), công tác giáo dục văn hoá ứng xử được trường tổ chức các cuộc thi, lồng ghép các hoạt động trải nghiệm, hoạt động dưới cờ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động các tổ tư vấn tâm lý học đường hỗ trợ học sinh giải quyết những mâu thuẫn, vấn đề khó nói trong cuộc sống.
Tổ tư vấn tâm lý học đường của Trường THCS Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình) sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, đưa ra định hướng để học sinh giải quyết vấn đề đúng đắn, chuẩn mực.
Cô Vương Kim Lê, thành viên Tổ tư vấn tâm lý học đường, cho biết: “Tổ tư vấn thường nhận được sự quan tâm của các em khi xảy ra mâu thuẫn, áp lực trong học tập và tâm sinh lý tuổi mới lớn. Tại đây, chúng tôi sẽ đưa ra những định hướng để học sinh giải quyết vấn đề một cách đúng đắn. Là thành viên của Tổ tư vấn tâm lý học đường nên mỗi giáo viên trong tổ đều là tấm gương để học sinh noi theo, xây dựng văn hoá ứng xử tốt đẹp, có thái độ hoà đồng, lắng nghe và chia sẻ, để nhận được sự tin tưởng của các em”.
Em Nguyễn Tường Vy, Lớp 9A2, chia sẻ: “Trong quá trình học tập, đôi lúc em bị áp lực về chuyện thi cử, thành tích học tập, hay có những vấn đề về tâm sinh lý, em sẽ tìm đến tổ tư vấn để được thầy cô giúp em tìm ra hướng giải quyết phù hợp”.
Tại mỗi lớp, giáo viên cùng học sinh xây dựng những bảng nội quy lớp học, với những khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thực hiện như: trung thực, thật thà, lễ phép, đoàn kết, chia sẻ... Em Nguyễn Thái Anh, Lớp 9A1, cho biết: “Mỗi ngày đến lớp, chúng em đều nhìn bảng nội quy để thực hiện, em luôn nhắc nhở bản thân hoà đồng với các bạn và lễ phép, kính trọng thầy cô, ông bà, cha mẹ”.
Thầy Lê Hoàng Ẩn, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Thị Kỷ, cho biết: "Văn hoá ứng xử trong học đường được trường triển khai đến nhân viên quản lý, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh thực hiện. Xây dựng văn hoá ứng xử học đường thời gian qua giúp trường tạo ra môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống vấn nạn bạo lực học đường; góp phần xây dựng trường học hạnh phúc”./.
Phương Thảo