ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 15-11-24 05:53:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðể vụ dưa trĩu quả

Báo Cà Mau (CMO) Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 124 ha dưa hấu, nhiều nhất là TP Cà Mau với hơn 75 ha, tiếp đến là huyện Ðầm Dơi 20 ha, huyện Cái Nước 13 ha, huyện U Minh 11 ha…, với các giống dưa chủ yếu là Mặt Trời Ðỏ, An Tiêm, Hắc Mỹ Nhân, Trang Nông, Trung Nông, Thành Long. Theo nhiều nông dân có thâm niên trong nghề trồng dưa hấu thì “nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”; tuy nhiên, thời gian qua thời tiết thiếu nắng lại thêm các đợt lạnh, là nguyên nhân khiến tình trạng bệnh xuất hiện nhiều trên dưa.

Hơn 10 năm theo nghề trồng dưa hấu, không chỉ vào mùa Tết, mà cây dưa hấu gần như là nguồn thu chính của gia đình ông Lê Thanh Tùng (Ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau) sau con cá chình. Tuy nhiên, ngần ấy năm kinh nghiệm, vẫn không giúp ông bảo vệ cây tránh bị sâu bệnh trong vụ dưa này. “Vừa thu hoạch xong 2 liếp dưa hấu, tính ra chỉ đủ tiền phân và giống, còn công sức hơn 2 tháng trời xem như bỏ không. Cũng may là đất nhà, không phải tốn tiền thuê mướn”, ông Tùng chia sẻ.

Trong vụ dưa hấu Tết này, gia đình ông Tùng xuống giống hơn 1.000 dây dưa. Các liếp dưa được chia thành nhiều khu vực, có thời gian xuống giống khác nhau để tránh thu hoạch đồng loạt, giá thành giảm. Tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi đã gây ra tình trạng bệnh trên dưa khiến năng suất giảm đáng kể.

Chỉ tay hướng những dây dưa hấu hơn 1 tháng tuổi lá xoắn vàng vừa được nhổ bỏ ở góc liếp, ông Tùng cho biết: “Dưa năm nay toàn là bệnh này mà không biết bệnh gì luôn, chỉ còn cách nhổ bỏ, bởi nếu trị hết thì cũng không đậu trái”.

Ông Lê Thanh Tùng chăm sóc rẫy dưa Tết. Ảnh: NGUYỄN PHÚ

Theo thống kê sơ bộ, đến nay đã có hơn 87 ha dưa hấu của người dân bị sâu bệnh và các sinh vật khác gây hại. Trong đó, chủ yếu là sương mai gây hại hơn 17 ha, bệnh thán thư hơn 28 ha và bệnh héo dây, sâu khoang, sâu xanh gây hại hơn 42 ha. Ðiều kiện thời tiết ảnh hưởng, sâu bệnh phát triển nhiều đã khiến nông dân trồng dưa năm nay phải tốn thêm chi phí phân, thuốc trong khi giá cả các mặt hàng này đang ở mức cao.

Có thể thấy, hiện nay tình hình thời tiết thay đổi bất thường, người trồng khó lường trước mọi tình huống bất ngờ xảy ra, vì vậy, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, phần đất trồng dưa nên cao ráo, không nhiễm phèn, mặn. Bố trí trồng liếp đôi, tạo rãnh thoát nước dốc vừa phải. Một lưu ý nhỏ trong canh tác nông nghiệp hiện nay là, cần đầu tư màng phủ nông nghiệp để giảm công chăm sóc và tăng hiệu quả, năng suất cho cây trồng. Nói về công dụng của màng phủ nông nghiệp, Kỹ sư Trần Chí Nguyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết, màng phủ mang tính ưu việt, đó là hạn chế sâu bệnh gây hại, bốc hơi nước khi tưới và trôi phân khi mưa xuống. Ngoài ra, còn hạn chế cỏ dại. Thường màng phủ có 2 mặt đen và xám, bà con nên cho mặt đen phủ lên mặt đất để tăng khả năng quang hợp cho cây.

Kỹ sư Trần Chí Nguyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc dưa vụ Tết. (Ảnh chụp tại xã Lý Văn Lâm). Ảnh: NGÔ NHI

Ở giai đoạn bón lót nên dùng phân hữu cơ kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma để dưỡng cây con phòng tránh sâu bệnh sau 10 ngày tuổi. Tuy nhiên, bà con khi sử dụng nấm đối kháng nên đọc kỹ hướng dẫn liều lượng mà nhà sản xuất đưa ra, tránh trường hợp bón nhiều dẫn đến kháng thuốc.

Ðối với dưa vụ Tết, đặc biệt là dưa trưng, mật độ trồng nên thưa, không dày, bình quân từ 600-700 dây/1.000 m2. Riêng loại dưa phục vụ tiêu dùng thường xuyên thì mật độ trồng 700-800 dây/1.000 m2. Việc phân bố dây dưa hợp lý trên diện tích đất nhằm đảm bảo trái dưa có đủ dinh dưỡng để phát triển, ngoài ra còn hấp thụ đủ ánh sáng, trái mới tròn đều.

Không lạm dụng phân bón vào cuối vụ. Trước khi thu hoạch 10 ngày tuyệt đối không được bón phân, xài kích thích sinh trưởng để tăng lợi nhuận, vì như thế sẽ làm cho bên trong ruột dưa bị rỗng, thịt dưa không được ngon. Sát ngày thu hoạch từ 5-7 ngày, người trồng dưa phải cắt lượng nước tưới hoàn toàn để tránh dưa tích nước, khi người tiêu dùng mua về trưng Tết bị sụp, rỉ nước.

Ngoài hướng dẫn nhà nông về các kỹ thuật canh tác vụ mùa, ngành chuyên môn còn đưa ra những khuyến cáo hữu ích trong việc phòng, trừ một số sâu, bệnh thường gặp như: bệnh héo xanh, bệnh đốm lá (đốm phấn), bọ chỉ, sâu ăn tạp, ruồi đục trái…

Ở bệnh héo xanh, dấu hiệu nhận biết là buổi sáng lá dưa xanh tốt, buổi trưa đến thì lá héo dần, lặp lại 4 ngày thì dây dưa sẽ chết. Lúc này, phải mua thuốc về pha tưới ngay gốc những dây còn lại. Riêng dây dưa đã mắc bệnh không cứu được, bắt buộc phải tiêu huỷ triệt để bằng cách nhổ đi thật xa nơi trồng dưa, châm lửa đốt, tránh trường hợp vứt xuống đường nước, bởi khi tưới sẽ lây lan bệnh.

Theo đó, Kỹ sư Trần Chí Nguyện khuyến cáo bà con nên thay đổi thói quen canh tác, đặc biệt là sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học, thay vì dùng phân, thuốc hoá học để vừa đảm bảo chất lượng vừa bảo vệ sức khoẻ người trồng, người tiêu dùng. Ðây còn là hướng sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường, tăng tần suất sử dụng trên một diện tích đất.

Một số mẹo nhỏ trong việc phòng trừ, xua đuổi sâu bệnh là có thể sử dụng dầu tỏi, dầu khoán mua tại các cửa hàng để phun trong quá trình cây nhiễm bệnh. Ngoài ra, người nông dân có thể tự điều chế bằng cách mua tỏi tươi, hoặc các phế phẩm của nhà máy thuốc lá về ngâm với rượu theo tỷ lệ nhất định để sử dụng. Với cách này vừa tiết kiệm được chi phí vừa giữ độ màu mỡ cho đất canh tác lâu dài.

Ý thức từ việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là cây ăn trái, hiện nay, nhiều nhà vườn bổ sung lượng kali cho cây trồng, rau màu bằng phương pháp ủ chuối lên men. Có thể mua các loại chuối chín rục giá rẻ, về ủ với men để chảy ra mật đường, dùng tưới cho cây rất hiệu quả./.

 

Nguyễn Phú - Ngô Nhi

 

Sẽ đóng mới 2 tàu kiểm ngư

“Khu bảo tồn biển rộng và trải dài từ Đông sang Tây trên vùng ngư trường trọng điểm của quốc gia, theo đó cần trang bị phương tiện hiện đại phục vụ công tác tuần tra, quản lý. Theo đó, trong kế hoạch sẽ đóng mới 2 tàu kiểm ngư thực hiện công tác thực thi pháp luật trên biển với mỗi tàu có chiều dài 26 m, rộng 6,25 m, vận tốc lớn nhất (đầy tải) đạt 25 hải lý/giờ”, ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm ngư tỉnh, thông tin về Kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau giai đoạn 2025-2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt.

Ðề án 1 triệu héc-ta lúa hiệu quả tích cực bước đầu

Theo kế hoạch thực hiện Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Ðề án), trên địa bàn tỉnh hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp khoảng 25.000 ha. Các vùng chuyên canh này được tổ chức hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Giữ nghề truyền thống

Nghề làm lờ, lọp ở huyện Trần Văn Thời được hình thành từ rất lâu. Theo thời gian, số hộ làm nghề ngày một ít đi và đang đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, hiện tại một số người vẫn quyết tâm duy trì, với mong muốn giữ nghề truyền thống ông cha đã để lại và tiếp tục lưu truyền cho các thế hệ con cháu sau này.

Ðừng để hoang phí đất

Giảm nghèo là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là mục tiêu được hướng đến. Thế nhưng, thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân tư duy sản xuất, cách sống chậm chuyển biến, dẫn đến không thể thoát khỏi cái nghèo. Trong nhiều trường hợp khó khăn ấy, qua khảo sát thực tế, có trường hợp vẫn sở hữu tư liệu sản xuất (dù ít), có đất vườn (khu vực nông thôn), nhưng quỹ đất này chưa phát huy hiệu quả.

Vào vụ màu Tết

Chưa đầy 3 tháng nữa là đến tết Nguyên đán 2025, ngay từ đầu tháng 11, nông dân trên địa bàn các xã Khánh Bình Tây, Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã tích cực làm đất, ươm hạt, chăm sóc vụ rau màu, đặc biệt tập trung vào sản xuất các mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết.

Tập trung sản xuất lúa đông xuân

Những ngày này, nông dân trong tỉnh đang tập trung sản xuất vụ lúa đông xuân 2024-2025. Ðây là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, bởi ngoài thời tiết thuận lợi, lúa đạt năng suất thì giá lúa cũng cao hơn so với vụ hè thu.

Hỗ trợ nông dân kết nối, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử

Chiều 1/11, Hội Nông dân tỉnh và Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Felix tổ chức lễ ký kết hợp tác hỗ trợ hội viên, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nông dân lên sàn Thương mại điện tử Nông sản B2B (Felix.store), kết nối giao thương, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ để tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các viện, trường, nhà khoa học; các sở, ngành, chính quyền địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp; người trực tiếp sản xuất để xác định được các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn địa phương. Đồng thời, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp về nhân lực, khoa học và công nghệ, tín dụng và các ngành phụ trợ để giải quyết các vấn đề sản xuất mà Cà Mau đang gặp phải. Đây là mục tiêu đặt ra của Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống”, do Sở KH&CN tổ chức sáng 1/11.

Sản lượng và lợi nhuận của người nuôi tôm phải song hành

Đó là chủ đề chính được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo tham vấn về giải pháp nuôi tôm hiệu quả, vừa được Cục Thuỷ sản phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức sáng 31/10.

Thêm thu nhập từ soi ốc bươu vàng

Trên các cánh đồng bồn bồn của bà con huyện U Minh, ốc bươu vàng sinh sản nhanh. Soi ốc bươu vàng ban đêm thời gian gần đây đã tạo thêm thu nhập cho bà con, đồng thời góp phần giảm lượng ốc, bảo vệ cây trồng.