(CMO) Đó là mối nguy hại được nhiều lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, đại diện Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam và các địa phương trong cả nước quan tâm đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay 11/2. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông đồng chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện nay tổng đàn gia cầm trong cả nước có hơn 515 triệu con, đàn heo 28 triệu con, đàn trâu, bò 6,5 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 6,7 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 17,5 tỷ quả.
Năm 2021, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 125 xã của 33 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 457 ngàn con gia cầm, tăng 1,6 lần so với năm 2020. Có 3 chủng vi-rút cúm gia cầm lưu hành, bao gồm: cúm A/H5N1, cúm A/H5N6 và cúm A/H5N8 mới xâm nhiễm vào Việt Nam từ tháng 6/2021.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) đã xảy ra tại 3.154 xã của 60 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 288.668 con heo, cao gấp hơn 3,2 lần so với năm 2020. Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 321 xã của 36 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 19.628 con heo; hiện nay, cả nước có 168 ổ dịch tại 73 huyện của 31 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau. |
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, nhận định, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi và thủy sản vào đầu năm 2022 là rất cao do tổng đàn gia súc, gia cầm (GS,GC) rất lớn, trong khi đó tỷ lệ GS,GC được tiêm phòng thấp, nhiều đàn chưa hoặc không được tiêm phòng. Nguy cơ bệnh DTHCP tái phát và phát sinh là rất cao, do vi-rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Hiện chưa có thuốc, vắc xin phòng bệnh; chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Việc buôn bán, vận chuyển GS,GC và các sản phẩm GS,GC tăng mạnh vào các tháng đầu năm.
Đặc biệt, chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có GS,GC buộc phải tiêu hủy và chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh. Mức thù lao cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh thấp hơn so với ngày công thực tế, do vậy, việc huy động các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Công tác chủ động giám sát, phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời; chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Riêng tại tỉnh Cà Mau, địa phương hiện có tổng đàn gia cầm trên 5,7 triệu con, tổng đàn heo 173.132 con. Năm 2021 đã xảy ra 1 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm, 3 ổ dịch dại trên chó, mèo. Đặc biệt, DTHCP xảy ra tại 28 xã/phường/thị trấn của 6 huyện và TP Cà Mau, số heo buộc phải tiêu hủy 998 con, tổng trọng lượng gần 75 tấn. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, DTHCP xảy ra tại 24 xã, phường, thị trấn của 6/9 huyện và TP Cà Mau.
Hiện nay, toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm trên 5,7 triệu con, tuy nhiên nền chăn nuôi chậm phát triển, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm tăng mạnh, khó kiểm soát trong dịp Tết và các tháng đầu năm, nguy cơ lây lan dịch bệnh. |
Cà Mau có tổng diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh 7.927 ha. Diện tích thiệt hại do bị bệnh là 97,73 ha, chiếm 1,2% tổng diện tích nuôi, giảm 38,47 ha so với năm 2020. Khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay đó là, tỉnh có diện tích lớn về nuôi trồng thủy sản, sông ngòi chằng chịt nên các công ty, trại sản xuất, cơ sở kinh doanh tôm giống phân bố xây dựng rải rác trên địa bàn các huyện trong tỉnh, không tập trung theo quy hoạch; xây dựng theo quy mô vừa và nhỏ lẻ, hộ gia đình là chính nên việc đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thú y, việc không thực hiện kiểm dịch động vật thủy sản nội tỉnh đối với các công ty, trại sản xuất, cơ sở kinh doanh tôm giống dẫn đến cơ quan quản lý (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) không kiểm soát về chất lượng tôm giống một cách khách quan và chính xác về số lượng và chất lượng để phục vụ cho người nuôi trên địa bàn tỉnh, đây cũng là nguyên nhân chính xảy ra dịch bệnh nhiều và liên tục trong năm.
Dịch bệnh trên tôm nuôi tuy có giảm, nhưng tình trạng tôm nuôi bị chết vẫn còn xảy ra, do nguồn nước bị ô nhiễm và thời tiết thay đổi thất thường. |
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do bệnh DTHCP cũng như chính sách hỗ trợ cho lực lượng cán bộ thú y cơ sở. Bộ NN&PTNT hỗ trợ thuốc sát trùng phòng, chống dịch bệnh trên đàn GS,GC; hỗ trợ vắc-xin dại tiêm ngừa cho đàn chó, mèo theo Chương trình Phòng, chống dại giai đoạn 2022-2030.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị, các địa phương tiếp tục chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch Quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật; theo dõi, dự báo tình hình và có kịch bản ứng phó kịp thời đối với các loại dịch bệnh. Đặc biệt, xây dựng vùng nuôi an toàn với dịch bệnh; giám sát tốt công tác giết mổ, vận chuyển và mua bán; triển khai nhanh nghiên cứu sản xuất vắc-xin để đưa công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả nhất.
Thứ trưởng yêu cầu các chủ vật nuôi, doanh nghiệp chuẩn bị tốt cơ sở, con giống, thức ăn, vật tư để bước vào vụ sản xuất mới; phát huy tinh thần tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật; kết nối cung cầu để đảm bảo duy trì kế hoạch sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa ổn định trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra./.
Trung Đỉnh