(CMO) Từ bao đời nay, nhiều thế hệ nông dân Việt Nam luôn khát vọng nâng cao chất lượng hạt gạo để đủ sức cạnh tranh trên thương trường thế giới, cũng như tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Tuy nhiên, do chuỗi liên kết sản xuất lúa, gạo giữa các bên chưa được hình thành nên hiệu quả chưa cao. Nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp nhận định, khi doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và bà con nông dân cùng bắt tay thực hiện chuỗi liên kết đủ mạnh thì mới có thể giúp ngành hàng lúa gạo nâng cao vị thế.
Tại hội nghị đánh giá kết quả hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo vừa được Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức vào đầu tháng 9/2020, các đại biểu đại diện cho nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân khiến cho chuỗi liên kết lúa, gạo bị đứt gãy trong thời gian qua.
Thiếu gắn kết, dễ bẻ hợp đồng
Vùng đất Cà Mau rất thích hợp cho sản xuất lúa sạch, an toàn và sản xuất lúa hữu cơ để nâng cao chất lượng lúa gạo. |
Trong đó, sự thiếu thông tin về thị trường, cùng sự chia sẻ khó khăn giữa doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân là nguyên nhân chính khiến chuỗi liên kết ngành hàng lúa, gạo khó thực hiện trong thời gian dài. Câu chuyện về điệp khúc được mùa, mất giá và chuyện vi phạm hợp đồng liên kết xảy ra thường xuyên. Theo con số thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, có khoảng 90% nông dân tham gia liên kết chuỗi tuân thủ đúng yêu cầu bán lúa cho doanh nghiệp thông qua HTX.
Xã Khánh Bình là một trong những điạ phương có diện tích sản xuất lúa 2 vụ nhiều nhất của huyện Trần Văn Thời. Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Dương Thanh Sang chia sẻ, ngành hàng lúa, gạo luôn đối mặt với nhiều khó khăn, giá cả tăng, giảm liên tục. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân, trong đó phần nhiều từ sự chênh lệch về giá cả. "Đã qua, vấn đề này xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp ở địa phương", ông Sang cho biết.
Kết cấu hạ tầng nhiều nơi còn thiếu và yếu, làm chi phí vận chuyển lúa tăng cao, giảm lợi nhuận của nông dân. |
Giá cả luôn là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng làm chuỗi liên kết bị đứt gãy. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Cà Mau Nguyễn Trần Thức cho biết, việc đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, các mối liên kết dọc, ngang chưa thật sự phát triển đúng tầm. Thông tin và mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất chưa kịp thời, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Hợp đồng bao tiêu nguyên liệu thể hiện tính pháp lý chưa cao, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua nên dễ bị phá vỡ. Một số HTX chưa ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu rõ ràng với doanh nghiệp, chủ yếu bán cho doanh nghiệp qua thoả thuận vào cuối vụ, hình thức này thiếu bền vững.
Lúa gạo là một trong những ngành hàng chủ lực được tỉnh chọn thực hiện trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cây lúa chỉ đứng hạng 2, sau con tôm. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, với tổng diện tích canh tác trên 76.311 ha, diện tích gieo trồng hàng năm trên 111.000 ha và sản lượng lúa đạt trên 520.000 tấn, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho người dân mà còn tham gia xuất khẩu. Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, sinh thái và hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo.
Hình thành mối liên kết chuỗi
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, năm 2019, đơn vị phối hợp với các địa phương, các HTX và doanh nghiệp xây dựng 7 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng lúa với diện tích gần 7.000 ha, sản lượng lúa khoảng 35.000 tấn. Trong đó, sản xuất, tiêu thụ lúa an toàn chất lượng cao, hỗ trợ kết nối 4 HTX với 6 doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa quy mô 6.553 ha, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế (USDA, EU, JAS) giữa 3 HTX với 3 doanh nghiệp, quy mô 380 ha tại huyện Thới Bình.
Hầu hết diện tích lúa sản xuất theo chuỗi liên kết được các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết, đầu tư lúa giống cho HTX và bà con nông dân. Đồng thời, bao tiêu toàn bộ lúa thương phẩm của nông dân và HTX sản xuất ra với giá cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg đối với lúa an toàn và từ 500-1.000 đồng/kg đối với loại lúa hữu cơ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần phải nhìn nhận, khắc phục để phù hợp với xu thế sản xuất mới. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hoá, các khâu bảo quản, chế biến nông sản yếu và thiếu, thất thoát trong khâu thu hoạch còn nhiều; sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân chưa nhiều, chiếm khoảng 9,2% diện tích canh tác trong toàn tỉnh. Đó là những hạn chế cần nhìn nhận để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Ông Nguyễn Trần Thức nêu quan điểm, thâm canh gia tăng năng suất, sản lượng không phải là hướng phát triển bền vững của ngành hàng lúa, gạo. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh tập trung giữ ổn định về diện tích, năng suất và sản lượng nhưng phải ứng dụng khoa học - kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, sản xuất phải theo hướng sạch, an toàn, sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng lúa gạo. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng lúa gạo để phát triển bền vữngu
Bài 2: CHÚ TRỌNG HOẠT ĐỘNG LIÊN KẾT
Trung Đỉnh