(CMO) Hiện nay, phong trào liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, vai trò của doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã (HTX) trong chuỗi liên kết cùng bà con nông dân, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hoá, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng.
Khi HTX tham gia liên kết chuỗi
Năm 2019, các HTX đã liên kết cung ứng 37 tấn lúa giống ST24 và hơn 60 tấn phân, thuốc cho các thành viên trong HTX. Sau thu hoạch, Công ty Tấn Vương thu mua toàn bộ 3.500 tấn lúa tươi với giá 7.100 đồng/kg, cao hơn giá lúa trên thị trường từ 500-1.000 đồng/kg. Giám đốc HTX Dịch vụ lúa - tôm Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) Lê Văn Mưa cho biết, HTX ký kết hợp đồng với Công ty Tấn Vương, ở tỉnh An Giang, cung ứng và bao tiêu toàn bộ lúa trong HTX theo liên kết chuỗi.
Mùa vụ năm nay, HTX phối hợp với Công ty Tấn Vương cung ứng 60 tấn lúa giống ST24 và 70 tấn phân, thuốc. Toàn bộ lúa thương phẩm làm ra được công ty cam kết mua cao hơn giá thị trường từ 100-200 đồng/kg đối với lúa sản xuất an toàn và từ 500-1.000 đồng/kg đối với lúa sản xuất hữu cơ.
Ông Mưa cho biết thêm, trước đây khi vào mùa vụ thu hoạch lúa, nông dân luôn phập phồng với điệp khúc được mùa thì rớt giá, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất quy mô nhỏ, chưa nắm bắt được thị trường, thiếu sự liên kết chuỗi. Từ khi thực hiện chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ, hiệu quả mang lại khá rõ, đó là đầu ra nông sản ổn định, giá lúa cao hơn thị trường, từ đó giúp nâng cao thu nhập cho thành viên HTX.
Cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa còn rất khó khăn, toàn vùng sản xuất hiện chỉ có 15 máy gặt đập nhỏ, công suất từ 1,5-2 ha/ngày nên khoảng 80% diện tích phải thu hoạch thủ công. |
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết, thời gian tới, HTX tiếp tục tìm hiểu, chia sẻ khó khăn để người dân hiểu và tích cực tham gia mô hình. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiêp Ông Muộn (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) Nguyễn Văn Tiếp chia sẻ: “Khi tham gia thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, HTX rút ra kinh nghiệm, để mô hình liên kết phát triển ổn định, cần có sự đồng lòng của cả 3 bên: Nhà nước, DN và HTX. Vì vậy, thời gian tới, HTX mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động, tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả mang lại trong việc liên kết. Riêng DN cần chia sẻ thêm những khó khăn, thiệt thòi của nông dân để việc thực hiện liên kết sản xuất được bền vững”.
Tại hội nghị đánh giá kết quả hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa, gạo, Giám đốc Trường Đào tạo, quản lý doanh nghiệp Cà Mau Nguyễn Lê Thái chia sẻ, các DN luôn có nhu cầu và cần lượng hàng hoá đủ lớn để chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, DN lại không thể trực tiếp ký kết hợp đồng với nông dân có quy mô sản xuất nhỏ lẻ và hướng dẫn kỹ thuật cũng như quản lý đến từng hộ dân. Vì vậy, HTX sẽ là đơn vị đại diện các hộ dân trong vùng trao đổi, xác định nhu cầu DN cần những gì, giá cả như thế nào, số lượng bao nhiêu và ký kết hợp đồng với DN. Trên cơ sở đó, HTX sẽ bàn bạc với các thành viên, lên phương án sản xuất theo đơn đặt hàng của DN, như vậy đáp ứng nhu cầu DN cần và nông dân tiêu thụ tốt sản phẩm mình làm ra, giúp họ yên tâm đầu tư sản xuất, tránh tình trạng bị thương lái ép giá.
Cũng tại hội nghị này, đại diện các DN tham gia liên kết bao tiêu lúa gạo như: Công ty Ngọc Quang Phát, Công ty Cỏ May, Công ty gạo Ông Thọ, Công ty Tấn Vương... cùng đưa ra nhận định, HTX chính là cầu nối giúp tăng tính liên kết giữa các hộ sản xuất, đảm bảo đủ lượng hàng hoá cung ứng cho DN, hạn chế việc mạnh ai nấy làm, sản phẩm làm ra không đồng nhất, không đáp ứng nhu cầu thị trường.
Điều này cho thấy, HTX đóng vai trò chủ thể, định hướng cho xã viên thay đổi cơ cấu giống lúa, tổ chức sản xuất hợp lý, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng lúa gạo. HTX còn là nơi có điều kiện ứng dụng rộng rãi nhiều tiến bộ kỹ thuật mới nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và sản lượng, vừa tạo tiền đề giúp nghề trồng lúa phát triển bền vững theo hướng hàng hoá, tập trung và đích đến cuối cùng là tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.
HTX Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời thu mua lúa của bà con xã viên. |
Mở rộng liên kết chuỗi
Năm 2020, Sở NN&PTNT tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất ngành hàng lúa, quy mô khoảng 15.000 ha, chiếm 19,5% diện tích canh tác, tăng gấp 2 lần so với năm 2019. Hiện có 5 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ lúa hữu cơ tại huyện Thới Bình, là Công ty Tấn Vương, Cỏ May, Đại Dương Xanh, Hoa Nắng và KingGreen.
Với những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nước mưa, đất đai nhiều chất khoáng và vi lượng, nhất là vùng canh tác lúa ven biển và vùng sản xuất lúa - tôm nên chất lượng hạt gạo rất ngọt, dẻo và thơm. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cà Mau Nguyễn Trần Thức cho biết, theo kết quả phân tích 77 mẫu đất, nước tại các vùng sản xuất chuyên lúa và lúa - tôm trong tỉnh theo QCVN 03-MT; 2015/BTNMT, có 76/77 mẫu nhiễm kim loại nặng dưới ngưỡng quy định, 1 mẫu nhiễm kim loại nặng (Asen) ở mức cho phép. Đặc biệt, qua phân tích 77 mẫu nước ở các vùng sản xuất lúa trong tỉnh theo QCVN 08-MT; 2015/BTNMT, có 16/77 không nhiễm kim loại nặng, còn lại các mẫu có nhiễm dưới mức quy định. Điều này cho thấy, các vùng sản xuất lúa trong tỉnh rất thích hợp cho sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, tại cuộc thi gạo ngon thế giới tổ chức ở Manila, Philippines, gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải Nhất (World's Best Rice). Việc gạo ST25 đứng đầu về gạo ngon thế giới có ý nghĩa quan trọng đối với nông dân sản xuất ra những hạt gạo đạt chất lượng tầm cỡ thế giới.
Điều này cho thấy, chủ trương tái cơ cấu ngành lúa gạo đã đi đúng hướng. Xét về thổ nhưỡng, nguồn nước tự nhiên và diện tích canh tác, Cà Mau có thể sản xuất ra sản phẩm gạo chất lượng cao, có chất lượng vượt trội so với các địa phương khác.
Tuy nhiên, DN, HTX và người dân tham gia chuỗi liên kết ngành hàng lúa còn ít, quy mô nhỏ. Đặc biệt, cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa - tôm còn rất khó khăn, toàn vùng sản xuất hiện chỉ có 15 máy gặt đập nhỏ, công suất gặt từ 1,5-2 ha/ngày nên khoảng 80% diện tích phải thu hoạch thủ công, chi phí công lao động tăng cao, lợi nhuận giảm. Đặc biệt, các chính sách để thúc đẩy, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được triển khai, làm cho chuỗi sản xuất ngành hàng lúa kém hiệu quả.
Ông Nguyễn Trường Đời, HTX Kênh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, kiến nghị, hệ thống thuỷ lợi còn hạn chế, hạ tầng giao thông thuỷ bộ phục vụ việc vận chuyển lúa hàng hoá còn khó khăn. Nhiều nơi cầu, cống nhỏ, hẹp nên việc vận chuyển phải dùng phương tiện nhỏ, phát sinh chi phí, đó là một trong những nguyên nhân khó mở rộng được vùng nguyên liệu. Đặc biệt, khâu bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch rất hạn chế, DN thu mua lúa phải vận chuyển đến tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang để phơi sấy, xay xát, chế biến lúa gạo. Đây chính là nguyên nhân khó mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất lúa theo chuỗi giá trị./.
Trung Đỉnh