(CMO) Sự điều hành linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả của các cấp chính quyền địa phương cùng sự năng động, nhạy bén, không khoanh tay trước khó khăn, biến cố của cộng đồng doanh nghiệp và người dân… đã tạo nên những gam màu sáng trên "bức tranh kinh tế" năm 2021, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.
Linh hoạt, nhạy bén trong sản xuất
Những ngày giáp Tết, trở lại vùng sản xuất của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực, không khí lao động vô cùng sôi động và phấn khởi. Cánh đồng lúa hữu cơ, lúa sạch của các thành viên HTX đang vào thời điểm chín vàng, xa xa một số hộ thu hoạch tôm càng xanh, có hộ đang cải tạo vuông chuẩn bị cho vụ nuôi tôm sú mới… Tất cả đều trong tâm trạng phấn khởi, bởi lẽ, vụ mùa này người dân ăn chắc vụ lúa và cả vụ tôm càng xanh, vừa được mùa lại được giá.
Có được vụ mùa thành công này là thành quả của sự năng động, nhạy bén trong sản xuất. Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Trí Lực, bộc bạch: "Nhận thấy sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống không mang lại hiệu quả nên HTX chủ động tìm đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng mối liên kết. Sau bao nỗ lực, cuối cùng cũng gặt hái được thành công, hơn 900 ha nuôi tôm của xã viên được liên kết chuỗi với Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú từ đầu vào đến đầu ra. Riêng cây lúa, liên kết sản xuất với Công ty Tấn Vương được hơn 200 ha theo hướng sản xuất lúa hữu cơ, với giá từ 8.500-9.000 đồng/kg và đặt hàng mua toàn bộ sản lượng của hơn 600 ha lúa an toàn còn lại.
Sự năng động chuyển đổi cách thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết, từ sản phẩm thông thường lên sản phẩm chất lượng góp phần tạo nên những thương hiệu gắn liền với đồng đất Cà Mau. Tỉnh đã xây dựng vùng nguyên liệu lúa an toàn, lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP 19.000 ha và hơn 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế như NOP-USDA, EU, JAS 1.000.
Khi giá thành các loại vật tư đầu vào phục vụ nghề nuôi tôm tăng cao, cùng với đó là thời tiết, môi trường, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp… thì quy trình nuôi tôm thâm canh được cải tiến, phát triển mới, ứng dụng công nghệ cao.
Hơn 1 năm qua, anh Nguyễn Văn Phong, ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước liên tục thành công nhiều vụ nuôi tôm thẻ chân trắng ao bạt. Có những vụ nuôi chỉ 1 ao đã mang về cho anh lợi nhuận hơn 700 triệu đồng, có lúc hơn 400 triệu đồng. Anh Phong chia sẻ, bí quyết giúp anh thành công là thả thưa để nuôi đạt kích cỡ tôm lớn. Với diện tích ao hơn 1.600 m2 nhưng anh chỉ thả tối đa 300.000 con giống. Việc nuôi thưa giúp giảm chi phí thức ăn, các loại phân thuốc, đặc biệt là hạn chế phát sinh dịch bệnh…
Lấy chất lượng bù số lượng, thời gian qua, nhiều mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế, được cấp các chứng nhận Naturland, BAP, EU, Selva Shrimp và VietGAP trên 19.000 ha, với 4.200 hộ dân, sản lượng tôm có chứng nhận trên 10.000 tấn. Ngoài ra, các hình thức nuôi kết hợp, xen canh, luân canh một số đối tượng như cua biển, sò huyết, tôm càng xanh... đem lại giá trị kinh tế cao và bền vững, giúp ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đứng vững trước những biến cố.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, an toàn sinh học tại xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi mang lại hiệu quả cao. |
Người dân chuyển đổi mô hình sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, còn doanh nghiệp thì thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để thích ứng với từng giai đoạn thực tế. Triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ” là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chọn để hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ngưng trệ trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Tân Thành thực hiện giải pháp “3 tại chỗ” để hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ngưng trệ. |
Công ty TNHH MTV Chế biến thuỷ sản Quốc Đạt là một trong những doanh nghiệp ấy. Không chỉ tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” để cung ứng hàng hoá cho các đối tác đã có hợp đồng trước, bà Trần Thị Kiều Oanh, Phó tổng giám đốc công ty, cho biết, công ty chủ động xây dựng thêm kho để dự trữ hàng hoá. Một phần để thu mua sản phẩm cho người dân, một phần chờ điều kiện bình thường trở lại, quan trọng nhất là để hàng hoá được bảo quản đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là thị trường khó tính.
Công ty TNHH MTV Chế biến thuỷ sản Quốc Đạt áp dụng giải pháp “3 tại chỗ” để chuỗi sản xuất cung ứng hàng hoá không bị đứt gãy. |
Trợ lực từ chính sách
Để đạt kim ngạch xuất khẩu 1.100 triệu USD, tăng 8,4% so với năm 2020, phải kể đến những nền tảng trợ lực từ các chính sách. Đầu tiên là các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn sản xuất tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Việc hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với khả năng, điều kiện, nhu cầu của đơn vị và tình hình dịch bệnh tại địa phương... góp phần to lớn để việc sản xuất, cung ứng hàng hoá không bị ngưng trệ.
Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết, việc cập nhật diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng nông sản, vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, tình hình xuất nhập khẩu các nước… diễn ra thường xuyên và thông tin đến các tổ chức, doanh nghiệp, nông dân để có kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng phù hợp.
Hơn 10.000 tấn nông sản, thuỷ sản của người dân và doanh nghiệp được kết nối, tiêu thụ thông qua các hoạt động hỗ trợ kết nối cung ứng hàng nông sản thiết yếu đến các tỉnh, thành phố có nhu cầu. Tuy con số này không quá lớn nhưng phần nào cho thấy sự chung tay góp sức của các đơn vị cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua thách thức.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông hàng hoá, quy trình hoạt động vận tải hàng hoá nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng ra đời. Quy trình được xây dựng trên nguyên tắc đơn giản hoá thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi để vận chuyển hàng hoá an toàn, thông suốt, không để ùn ứ, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Ông Nam cho biết thêm, lĩnh vực thương mại điện tử của tỉnh tiếp tục phát triển tốt, góp phần quan trọng đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn./.
Nguyễn Phú