(CMO) Nhiều ngày qua, người dân tỏ ra hoang mang khi nhận được hoá đơn tiền điện tháng 3/2019, bởi số tiền phải đóng tăng khá cao so mức bình thường. Không chỉ vậy, giá xăng cũng tăng, đánh mạnh vào tiêu dùng lẫn sản xuất, khiến người dân lẫn doanh nghiệp phải “gồng gánh”.
“Giật mình” với tiền điện tháng 3
Là hộ kinh doanh nhà khách tại Phường 8, TP Cà Mau nhiều năm nay, nhưng với giá điện tăng cao bất thường trong tháng 3 khiến anh Tăng Hồng Thanh, chủ cơ sở kinh doanh này không khỏi bất ngờ. Anh Thanh chia sẻ: “Thông thường điện hàng tháng chỉ đóng dao động từ 6-7 triệu đồng, nhưng tháng này tăng lên gần 10 triệu đồng. Vẫn biết thông tin điện tăng giá nhưng không nghĩ tăng nhiều đến như vậy”.
Không riêng gì hộ kinh doanh mà đối với những hộ dân sử dụng điện sinh hoạt bình thường cũng tỏ ra bức xúc. Chị Huỳnh Yến Nhi, Phường 5, TP Cà Mau, phân trần: “Nhà đâu có kinh doanh gì, chỉ sử dụng một số thiết bị điện cho sinh hoạt gia đình mà tháng rồi tiền điện cũng tăng lên 500 ngàn đồng. Đương nhiên mùa nóng nhu cầu sử dụng có cao hơn chút nhưng tăng như vậy cũng giật mình”.
Đem thắc mắc của người dân đến Công ty Điện lực Cà Mau, được Phó giám đốc Hồ Mộng Đợi giải thích: “Những ngày qua, công ty cũng có ghi nhận nhiều ý kiến. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan khiến tiền điện tháng 3 tăng cao. Trong đó, một phần do yếu tố thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cao; Đặc biệt, trong sinh hoạt do sử dụng nhiều thiết bị làm mát như máy điều hoà, quạt tần suất cao hơn”.
Theo số liệu theo dõi của Công ty Điện lực Cà Mau, sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày tăng trung bình từ 4,37 triệu kWh những ngày cuối tháng 3/2019 lên đến gần 4,77 triệu kWh vào những ngày đầu tháng 4/2019, tăng 400 ngàn kWh/ngày, tương ứng tỷ lệ tăng 9,15% so với tháng 3/2019. Cao điểm là giữa tháng 4, điện năng tiêu thụ lên đến trên 5 triệu kWh/ngày.
Doanh nghiệp lo lắng khi điện, xăng đồng loạt tăng giá. |
Bên cạnh đó, tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công thương công bố vào ngày 20/3/2019 theo Quyết định 648/QĐ-BCT đã làm tăng đáng kể chi phí điện kỳ tháng 3 của người dân. Với mức tăng 8,36%, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang theo đó tăng từ 8,33-8,40%.
Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện Lực Cà Mau Nguyễn Thanh Tân nhẩm tính: “Nếu một khách hàng có chỉ số điện năng tiêu thụ tháng 3 là 1 ngàn kWh thì hộ sử dụng điện đó chỉ tăng khoảng 206 ngàn đồng/tháng. Người dân thấy cao so với tháng trước là do sự chênh lệch hoá đơn tiền điện tháng 3 nhiều ngày hơn (31 ngày) so với kỳ hoá đơn của tháng 2 (28 ngày). Ngoài ra, việc khách hàng chênh lệch với nhau tiền điện khi cùng chỉ số còn do phiên ghi điện khác nhau. Hàng tháng, công ty điện lực có 6 phiên ghi chỉ số điện. Dao động từ ngày 4-15 đầu tháng. Nếu khu vực nào rơi vào phiên cuối cùng (phiên số 6) thì sản lượng điện tiêu thụ hầu như nằm trong khung tăng giá mới”.
Xăng được đà đội giá
Cùng lúc giá điện tăng cao, xăng cũng đội giá. Đây là lần thứ 2 trong tháng giá xăng tăng mạnh. Như vậy, chỉ hơn 2 tháng nay, giá xăng có 3 lần “nhảy múa”, khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp lao đao. Cụ thể, đối với xăng RON 95 đã tăng tổng cộng 3.630 đồng/lít và tăng 3.430 đồng/lít đối với xăng E5, RON 92.
Biểu đồ thể hiện mức giá bán lẻ điện tăng qua từng năm. |
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các khu chợ, hiện nay giá các loại mặt hàng nông sản vẫn giữ ổn định, chỉ một số mặt hàng “rục rịch” tăng giá nhẹ. Còn một số mặt hàng khác thay đổi giá theo cung cầu. Song, cả tiểu thương lẫn người tiêu dùng đều tỏ ra lo lắng với tình hình điện, xăng cứ đồng loạt tăng giá như hiện nay. Chị Nguyễn Thị Cẩm Vuông, tiểu thương chợ Phường 7, TP Cà Mau, cho biết: “Mấy hôm nay giá rau cải cũng có nhích lên, còn một số mặt hàng khác giá thay đổi theo thị trường, khi nào “hút” hàng giá tăng cao. Nhưng tình hình điện, xăng cứ tăng kiểu này hoài cũng khó buôn bán, sinh sống. Cuộc sống cứ chật vật mà giá cả thì cứ tăng từng ngày”.
Xăng tăng, điện lên giá, các mặt hàng nông sản cũng “rục rịch” leo thang, không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn. Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú Phan Văn Tâm lo lắng: “Hiện nay, do điện, xăng mới tăng giá nên chưa có con số thống kê cụ thể chi phí phát sinh. Nhưng việc tăng giá này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, các chi phí đầu vào, vận chuyển sẽ tăng lên. Công ty rất lo lắng. Thật ra hiện nay giá thành con tôm của tỉnh Cà Mau đang ở mức cao so với thế giới, đã là một sự cạnh tranh. Giờ đây chi phí đầu vào lại đội lên nữa, một là doanh nghiệp lợi nhuận sẽ thấp đi, hai nữa nếu đẩy giá lên chắc chắn cạnh tranh sẽ rất khó khăn”.
Để giảm thấp nhất chi phí đầu vào cũng như giảm sự ảnh hưởng của giá điện, xăng lên sản xuất, hiện nay công ty đang lên kế hoạch tiết kiệm điện từng máy móc, từng công đoạn để giảm giá thành sản phẩm, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa đem lại lợi nhuận cho công ty./.
Từ năm 2009 đến nay, Bộ Công thương có 11 lần điều chỉnh tăng giá điện, với mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 948,5 đồng/kWh lên 1.864 đồng/kWh. “Lần điều chỉnh giá điện này, bên cạnh việc tính toán tác động tới các nhóm khách hàng, cơ quan quản lý còn đánh giá tác động tới nền kinh tế chung. Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê tính toán, với mức tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm 0,22% GDP và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,29%”, Phó giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau Hồ Mộng Đợi cho biết. |
Hồng Nhung