ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 6-10-24 21:10:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðò dọc, đò ngang…

Báo Cà Mau (CMO) Khi hạ tầng đường bộ phát triển, hệ thống cầu, đường nối nhịp qua những con sông, cũng là lúc những hoạt động liên quan đến đời sống sông nước ngày càng ít đi. Cũng kể từ đây, tất cả những dòng sông vắng bóng con đò, phương tiện đã từng gắn bó mật thiết với biết bao thân phận mưu sinh bằng nghề đưa, rước khách.

Hồi học tiểu học, tôi ở với anh chị và ông bà ngoại trên thị xã, cha mẹ và đứa em tôi ở quê. Hàng tháng, cha tôi đi tàu đò ra tiếp tế thực phẩm, cũng có khi tôi và người anh về quê vận chuyển ra. Thức ăn ngoài gạo là thứ không thể thiếu, còn có cá, mắm, trứng gà, trứng vịt, chuối, dừa…, nói chung là trong vườn có đồ gì ngon đều ưu tiên cho “tuyến đầu”. Mỗi khi tàu ra tới Cà Mau, do đồ nhiều không thể xách tay đi bộ, lúc này phương tiện đường bộ có xe lôi, nhưng chúng tôi thường chọn đi đò dọc vì giá rẻ và thuận tiện hơn đi xe nhiều.

Ðò dọc trên sông Cà Mau lúc đó là loại phương tiện rất phổ biến cũng giống như xe Honda grab trên bộ bây giờ. Ðó là những chiếc xuồng tam bản phía trước mũi người ta chụp cái vỏ xe vào để bảo vệ mũi xuồng khi có va đập với các phương tiện khác. Những người hành nghề chèo đò không phân biệt tuổi tác, nam nữ, tập trung ở các bến tàu để đón khách. Họ là những chàng trai, cô gái hãy còn tuổi thiếu niên, vì hoàn cảnh gia đình không đủ điều kiện đến trường phải vào đời sớm; cũng có những ông bà cụ vào tuổi xưa nay hiếm thay vì ở nhà hưởng thụ thì lại phải vất vả mưu sinh. Hai đối tượng này thường bị thất thế hơn so với những thanh niên hoặc trung niên trong việc tranh giành khách.

MH: Minh Tấn

Vào thập niên 80, thị xã Cà Mau có hai bến tàu. Bến tàu A ở Phường 1 dành cho hành khách đi các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và U Minh. Bến tàu B đặt ở Phường 7, sau này là bến cao tốc, đi các huyện Ðầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn và Ngọc Hiển. Do nhu cầu đi lại của người dân rất lớn nên vào thời cao điểm, mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu đò ra vào bến. Theo đó, cũng thu hút đông đảo những người chèo đò hoạt động xuyên suốt. Hàng ngày, khi trời chưa sáng tỏ thì cũng là lúc tàu đò từ các vùng quê xuất phát vào lúc nửa đêm vừa ra đến thị xã. Ðây là thời điểm đội quân chèo đò hoạt động nhộn nhịp nhất trong ngày. Ðò dọc thường bắt khách ngay khi tàu gần tới bến, từng người buông chèo chạy ra mũi tiếp cận vào thành tàu. Bằng những động tác thuần thục, họ quăng dây vòng qua các thanh cửa sổ hoặc nắm chặt thành tàu để bắt khách, mặc cho sóng nước nhấp nhô làm chiếc đò chòng chành, nghiêng ngã. Tàu chuẩn bị cập bến, từng động tác tiến lùi được tài công điều khiển vô lăng không ngừng xoay, cùng lúc bàn chân của anh ta liên tục nhấp sợi dây ga làm cho tiếng máy tàu loại Yanmar gầm rú inh ỏi, kèm theo đó là những cuộn khói bốc lên cuồn cuộn bay vào không trung. Hoà trộn vào âm thanh máy tàu là những tiếng lao nhao của hành khách, tiếng rao hàng và nhiều tạp âm khác, nhưng rõ nhất vẫn là tiếng mời gọi bắt khách của những người chèo đò. “Vô chợ không chị?”, “Ði về đâu chú, qua con chở cho?”, “Em về phường mấy, anh lấy rẻ cho”… Tất cả tạo nên một thứ thanh âm hỗn độn, làm tăng lên không khí náo nhiệt, sôi động trên một vùng sông nước.

Như bao hành khách khác, khi mặc cả xong, hàng của tôi được chuyển từ tàu sang đò dọc, người lái đò là một chú trung niên nhanh nhảu tháo dây, xô đò ra khỏi tàu và nhắm hướng đến của khách chèo đi. Lúc này trên mặt sông ken đặc xuồng ghe, người chèo đò có lúc phải xuôi chèo để lần qua từng chiếc thoát khỏi khu vực “kẹt đò”. Gần Tết, gió xuân thổi hầy hậy trên mặt sông mang theo không khí mát mẻ trong lành. Ngồi trên đò với chiếc ghế nhỏ dành cho khách, tôi thả hồn miên man theo những hoạt động diễn ra trên đoạn đường đi qua. Từ bến tàu B Phường 7 đến bến đò Vựa cá Phường 5, biết bao hình ảnh sống động được thu vào tầm mắt cậu học trò đang ở cái tuổi thích khám phá những điều mới lạ. Qua khỏi cầu Phán Tề, nay là cầu Gành Hào, là cảnh ngược xuôi của các loại ghe tàu, ngoài xuồng chèo còn có xuồng chạy máy Kohler 4 hay máy BS9 “huyền thoại”, đôi lúc có chiếc ghe chài to cao chở gạch khẳm lừ đừ lướt qua, tạo nên những vệt sóng ập vào mạn đò làm nước văng tung toé.

Ðò dọc có những chiếc còn mới, sạch sẽ, khô ráo, nhưng cũng có nhiều chiếc cũ kỹ, xì mội nước vô ngập cả cong xuồng; thỉnh thoảng người chèo đò buông chèo khum xuống tát vội vài gàu nước rồi đứng lên chèo tiếp. Hai bên bờ là hai dãy nhà sàn mua bán tấp nập. Qua khỏi cầu Phán Tề một đoạn đã thấy xuất hiện nhiều chiếc ghe treo bẹo bán rau củ quả, đó là dấu hiệu cho thấy gần tới khu vực chợ nổi. Chợ nổi nằm ngay ngã ba sông phía trước Chùa Bà mà người dân thường gọi là ngã ba Chùa Bà, nơi hội tụ ba nhánh sông: một nhánh chảy về kinh xáng Phụng Hiệp, một nhánh đổ ra sông Gành Hào, nhánh còn lại thoát về Giồng Kè - Tắc Thủ. Chợ nổi Cà Mau có tiếng ở miền Tây, thời hoàng kim chỉ xếp sau chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Hàng ngày, vào buổi sáng, hàng trăm ghe xuồng tập trung về đây trao đổi hàng hoá; có nhiều ghe chở rau củ quả từ vùng trên (tức miệt Vĩnh Long, Cần Thơ) xuống và cũng có nhiều xuồng ghe của bà con trong vùng nông thôn chở “cây nhà lá vườn” ra, tạo nên một khu chợ nhộn nhịp trên sông từ bến Công Chánh đến cầu Phán Tề.

Càng gần tới chợ nổi, đò càng đi chậm lại vì có quá nhiều xuồng ghe lưu thông. Lúc này người chèo đò cứ liên tục buông tay, xuôi chèo để tránh va chạm. Nhìn ông chèo đò liên tục thay đổi động tác, mồ hôi nhễ nhại trên mặt, tôi cảm nhận được công việc mà ông đang làm không chỉ đơn giản như chèo xuồng ngoài sông lớn, chỉ một đường thẳng mà đi, không bị cản trở bởi chướng ngại nào. Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng của nó, nghề chèo đò lại càng vất vả hơn khi người chèo cần phải có sức khoẻ. Trong khi hành nghề trên đoạn sông này còn có cả thiếu niên, phụ nữ và những người già.

Qua khỏi chợ nổi, như vừa được cởi trói, ông chèo đò lấy sức chèo; một chân phía trước, một chân đứng sát mũi sau chiếc đò, cứ thế ông đẩy hai mái chèo đưa chiếc đò nhảy sóng phầm phập trên mặt nước.

Chẳng mấy chốc chiếc đò đã đưa tôi đến bến. Ðó là một trong những bến đò đông đúc nhất trên sông Cà Mau: Bến đò Vựa Cá. Ðây là bến đò mà mỗi khi về quê trở ra tôi đều phải ghé. Bây giờ, bến đò không còn nữa, nhưng mỗi khi có dịp đi ngang qua, nhìn cảnh cũ tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh những chiếc đò nhảy sóng ra vào bến tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong thời kỳ gian khó.

Cùng với nghề chèo đò dọc, còn có những người chuyên chèo đò ngang. Khác với đò dọc - chèo dọc theo sông, đi xa, những người chèo đò ngang chỉ chèo qua lại hai bến sông. Thời kỳ này trên sông Cà Mau có khoảng trên dưới 20 bến đò ngang. Có những bến đò ngang nổi tiếng như: bến đò Huê Tinh, bến đò Vựa Cá (từ Phường 5 qua Phường 2), bến đò hẻm Ông Dú (từ Phường 2 qua Phường 7 và Phường 8), bến đò Rạch Rập (Phường 2 qua Phường 8), bến đò Thợ Nhuộm (từ Phường 2 qua Phường 7), bến đò Phường Mười (từ Phường 7 qua Phường 8), bến đò Bệnh Viện, bến đò Xóm Ðạo, bến đò Cống Ðôi (Phường 6 qua Phường 7), bến đò Chùa Ông Bổn, bến đò Xí nghiệp Dược (Phường 1 qua Phường 8)…

Ngay tại cầu Mới và cầu Quay Cũ mặc dù đã có cầu nhưng hai nơi này vẫn có bến đò từ Phường 5 qua Phường 2, rất đông khách. Người đảm trách bến đò Cầu Mới là ông Hai Ðò. Ông thứ Hai, làm nghề chèo đò nên người qua lại thường gọi là ông Hai Ðò. Ông Hai Ðò nhà trong hẻm Mây Hồng, có quán cà phê nhà sàn ven sông cùng dãy vựa cá. Suốt ngày ông để mình trần ngay cả lúc ông bán quán cũng như chèo đò, thân hình ông cong quắp, ốm lộ những cọng xương sườn đếm được. Bình thường ông đứng pha cà phê nhưng khi có khách sang sông, ông giao lại cho con và nhảy xuống đò đưa khách. Ðây là nghề của ông từ sau ngày giải phóng.

Cũng giống như ông Hai Ðò, phần lớn những người chèo đò ngang ở thị xã Cà Mau thời bấy giờ xem đây là nghề tay trái. Nhà ở bờ sông, họ làm nghề gì đó hoặc buôn bán tại nhà, tranh thủ đưa khách sang sông để kiếm thêm thu nhập. Ở những nơi khách qua lại thường xuyên, đôi khi nghề tay trái này lại trở thành thu nhập chính nuôi sống nhiều gia đình.

Ðối với khách đi đò, nhiều bến đò đã trở thành một phần ký ức trong thời kỳ “qua sông phải luỵ đò”. Ðó là những bến đò Phường 10, bến đò Rạch Rập, bến đò Cống Ðôi… đưa khách từ Phường 7, Phường 8 - khi đó như một ốc đảo - sang Phường 2, Phường 6. Các thế hệ học sinh thập niên từ 90 trở về trước, nhắc đến các bến đò là cả một trời kỷ niệm, có những người đi đò mà trở thành bạn thân, cũng có khi yêu nhau từ những chuyến đò.

Việc luỵ đò có rất nhiều chuyện để nói, nhưng gian nan nhất đối với ai hôm nào lỡ có việc đi đâu về khuya quá giờ đưa đò sẽ biết cảnh khổ, vừa đứng đập muỗi, vừa gọi đò, nhiều khi kêu khan cả họng nhưng người đưa đò vẫn không thức.

Cùng với xuồng ghe vùng trên xuống, từ nông thôn ra mua bán, trao đổi hàng hoá, đò dọc, đò ngang đã góp phần tạo nên cảnh hoạt động nhộn nhịp trên sông Cà Mau, đoạn trong lòng thị xã. Một hình ảnh “trên bến dưới thuyền” phồn thịnh trong suốt nhiều thập niên. Tuy là nghề lao động nặng nhọc, nhưng đò dọc, đò ngang đã giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống và cùng với địa phương giải quyết tốt việc đi lại của người dân trong thời kỳ giao thông khó khăn, cách trở./.

 

Hoàng Hải

 

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc - Chính sách có, khó khâu nào?

Ðào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) để thoát nghèo, cải thiện toàn diện cuộc sống gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là chủ trương, chính sách ưu việt, nhân văn của Ðảng, Nhà nước, được triển khai thực hiện bằng nhiều nguồn lực, đa dạng các hình thức hỗ trợ.

Ðiều động, luân chuyển cán bộ - “Luyện vàng, giũa ngọc” - Bài cuối: Ðúng quy định, sát thực tiễn

Công tác cán bộ là công việc hệ trọng của Ðảng ta, nhưng cũng là khâu khó, cần phải được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc; trong tổ chức thực hiện đảm bảo quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch. Ðồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, khẳng định: “Ðối tượng, chức danh bố trí trong điều động, luân chuyển tại Cà Mau đảm bảo đúng Quy định số 65-QÐ/TW”.

Ðiều động, luân chuyển cán bộ - “Luyện vàng, giũa ngọc” - Bài 2: Khoá đào tạo đặc biệt

Quy định của Ðảng về thời gian luân chuyển, điều động cán bộ từ 3 năm trở lên. Ðây được coi là khoá đào tạo cán bộ đặc biệt, là môi trường “luyện vàng, giũa ngọc”, để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, ngang tầm với nhiệm vụ được giao phó. Bởi khi tiếp cận thực tiễn, sâu sát với đời sống Nhân dân, mỗi cán bộ sẽ tích luỹ, bồi tụ cho bản thân rất nhiều điều bổ ích; những bài học kinh nghiệm thiết thân, quý giá. Từ đó mang lại những giá trị cống hiến thực chất, thực sự cho Ðảng, cho Nhân dân.

Ðiều động, luân chuyển cán bộ - “Luyện vàng, giũa ngọc”

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, trọng yếu, thường xuyên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó, xây dựng Ðảng về tổ chức, đặc biệt là công tác cán bộ, được Ðảng ta xác định là vấn đề “then chốt của then chốt”.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.