(CMO) Đó là cam kết của nhiều doanh nghiệp tham gia Hội nghị hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa vừa được Sở NN&PTNT tổ chức sáng ngày 4/9.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2019 đơn vị phối hợp với các địa phương, các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp xây dựng 7 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng lúa với diện tích gần 7.000 ha, chiếm 9,2 diện tích canh tác trong toàn tỉnh, với sản lượng lúa khoảng 35.000 tấn.
Trong đó, sản xuất và tiêu thụ lúa an toàn chất lượng cao, hỗ trợ kết nối 4 HTX với 6 doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa quy mô 6.553 ha, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn Quốc tế giữa 3 HTX với 3 doanh nghiệp với quy mô 380 ha, tại huyện Thới Bình.
Các thành viên HTX Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc thu mua lúa sản xuất theo chuỗi giá trị
Hầu hết diện tích lúa sản xuất theo chuỗi liên kết được các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết, đầu tư lúa giống cho HTX và bà con nông dân. Đồng thời bao tiêu toàn bộ lúa thương phẩm của nông dân và HTX sản xuất với giá cao hơn thị trường từ 100 – 200 đồng/kg đối với lúa an toàn và từ 500 – 1.000 đồng/kg đối với loại lúa hữu cơ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp, HTX và người dân tham gia chuỗi liên kết ngành hàng lúa còn ít, quy mô nhỏ, chỉ khoảng 9,2 % diện tích canh tác trong toàn tỉnh. Việc đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, các mối liên kết dọc và ngang chưa thật sự phát triển đúng tầm. Thông tin và mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất chưa kịp thời, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên. Hợp đồng bao tiêu sản phẩm thể hiện tính pháp lý chưa cao, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua nên dễ bị phá vỡ.
Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch và bảo quản nông sản sau thu hoạch chưa đáp ứng nhu cầu, tỷ lợi thất thoát nhiều, lợi nhuận giảm
Đặc biệt, cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa tôm còn rất khó khăn, toàn vùng sản xuất hiện chỉ có 15 máy gặt đập mini, công suất gặt từ 1,5- 2 ha/ngày. Nên chi phí công lao động tăng cao, lợi nhuận giảm. Đặc biệt, các chính sách để thúc đẩy, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được triển khai, làm cho chuỗi sản xuất ngành hàng lúa kém hiệu quả.
Năm 2020, Sở NN&PTNT tỉnh tiếp tục tăng cường liên kết xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất ngành hàng lúa, quy mô khoảng 15.000 ha, chiếm 19,5% diện tích canh tác, tăng gấp 2 lần với năm 2019./.
Trung Đỉnh