Không xoáy sâu hay lên gân bằng những cốt truyện lắt léo hoặc khó hiểu, những câu chuyện trong tập truyện “Bèo không trôi ra biển” của tác giả Hạ Nguyên dẫn dắt người đọc bằng những chi tiết gần gũi, nhẹ nhàng nhưng thâm trầm và gợi lên những cảm xúc sâu xa trong lòng mỗi người.
Không xoáy sâu hay lên gân bằng những cốt truyện lắt léo hoặc khó hiểu, những câu chuyện trong tập truyện “Bèo không trôi ra biển” của tác giả Hạ Nguyên dẫn dắt người đọc bằng những chi tiết gần gũi, nhẹ nhàng nhưng thâm trầm và gợi lên những cảm xúc sâu xa trong lòng mỗi người.
Đó có thể là câu chuyện của một chàng trai trẻ với những bỡ ngỡ, rạn vỡ đầu đời; đó có thể là nỗi buồn tưởng chừng như “sáng nắng, chiều mưa” của một cô gái trẻ nhưng có mấy ai biết câu chuyện thực sự đằng sau nguyên nhân của một hành động (mà người lớn cho là bồng bột, sốc nổi): tự tử? Hay có ai thấy được những giọt nước mắt của một cô gái tỉnh lẻ khóc cho mối tình đầu tan vỡ. Và còn nhiều, nhiều nữa những câu chuyện về nỗi buồn vui, niềm ám ảnh, ước mơ, sự thất vọng hoặc kỳ vọng… của những người trẻ, rất trẻ trước cuộc đời!
Mà cuộc đời đôi lúc rộng vô chừng, đôi lúc lại quá bé nhỏ như không thể chứa thêm một ước mơ, không “nới” thêm được một chút để cô gái nhỏ từ quê vào phố làm việc mà trong “những ngày mới vào đây, tối nào Hồng cũng lả đi vì mệt, ngồi một mình trên sàn nước đầy những chén bát dơ, thức ăn thừa, nước mắt len lén chảy, Hồng thấy mình bơ vơ, nhớ má, nhớ em, Hồng thấy tủi. Dần dần rồi cũng quen. Nhận lương, vuốt từng đồng tiền phẳng phiu gửi về cho má, Hồng thấy cực nhọc như vậy cũng đáng”.
Ðáng - bởi ngoài số tiền gửi về kia, cô gái nhỏ tên Hồng ấy còn có một mơ ước về tương lai mạnh mẽ, nơi ấy, cô nuôi em ăn học, có được cho mình một mái ấm gia đình, nhỏ thôi, nhưng phải chắt chiu để đạt được. Bởi thế, khi nghe tin người yêu cần tiền học nghề để lo cho tương lai, Hồng tin (bởi yêu với con tim trọn vẹn). Vậy mà, sau khi nhận tiền, chàng trai ấy đã dần rời xa Hồng chỉ vì những lý do tưởng chừng như không đâu.
Ngây thơ, Hồng chỉ nhận ra lý do ấy khi tận mắt chứng kiến chàng trai mình yêu thương đang vuốt má một cô gái trẻ khác (chắc cũng giống như Hồng) khi Hồng mang quà sinh nhật đến. “Hồng thấy mình không còn sức lực để dợm bước đi. Hồng ước gì bây giờ trước mặt mình là biển, để Hồng ngồi khóc xải lai trên bãi cát. Nhưng không phải, trước mặt Hồng là một ngã tư, xe chạy miệt mài. Chẳng ai để ý đến con bé vừa ôm hộp quà vừa khóc" (Tuổi chớm buồn).
Và những câu chuyện tưởng chừng như đã nghe qua, đã biết qua từ cuộc đời của những con người thực, những câu chuyện thực, dưới ngòi bút của Hạ Nguyên bỗng trở nên liền lạc, những con chữ bỗng chốc gợi lên nỗi buồn, niềm vui, sự da diết, thương, xót, ngậm ngùi… cho những nhân vật, những số phận.
Từ mối tình đầy ắp yêu thương nhưng cũng vô cùng chật vật trước dòng xoáy của cơm, áo, gạo, tiền của đôi tình nhân trẻ “Có trưa trốn máy lạnh công ty xách hộp cơm ra công viên ăn trưa, nhìn dòng người ngược xuôi xuôi ngược, nhìn nắng đan qua kẽ tay, Huyên rút điện thoại ra nhắn cho Hoà một tin, “Em thương hai đứa mình lắm”. Rồi ngồi ngẩn ngơ không biết hôm nay Hoà được phân giao hàng ở quận nào, trời nắng có bịt khẩu trang không" (Những dày vò ngày mai).
Ðến những thất bại đầu đời, may mà vẫn còn có gia đình luôn bên cạnh của một chàng trai khởi nghiệp làm ăn, giờ chưa biết nên an phận làm công hay mộng ước về một dự án khởi nghiệp khác khi thấy “ba vẫn không nói nặng câu nào khi dắt xe đò vào thành phố chăm Thành khi Thành suy nhược nặng phải nhập viện sau lần dốc hết vốn vào một dự án “khủng”. Lại trắng tay như hồi mới ra trường. Nhưng từ đó Thành đi chậm hơn và nhận ra, quay nhìn lại, bao giờ cha mẹ cũng ở đó dõi theo" (Một thoáng qua đường).
Hoặc có ai hiểu chăng cho những khủng hoảng của người trẻ khi trong một khoảnh khắc nào đó, họ không thể vượt qua, rồi buông xuôi?! “Khanh gặp bốn đứa kia ở đám tang. Cả bọn liếc nhau không nói gì, nhưng hình như chừng đó đứa đều đồng tình, con Lan ác quá, giờ mỗi lần nhìn vào điện thoại, chắc ai cũng thấy, nửa phần hồn đã rơi từ tầng 40 xuống, chết ngắt theo Lan. Khanh thì nghĩ, bữa đó mà Khanh bắt máy, tỉ tê, Chủ nhật rảnh tao dẫn đi ăn sương sa hạt lựu, mới biết chỗ này ngon bá cháy, thì con Lan tham ăn đã chịu xách đôi giày leo từ thành sân thượng xuống, ngồi xuôi xị nghĩ tới bánh trái mà ở lại thêm ít năm" (Thả mây về trời).
Có thể nói, với tập truyện “Bèo không trôi ra biển” của mình, tác giả Hạ Nguyên đã thành công khi chuyển tải những câu chuyện về người trẻ, về những khát khao, những vụng dại, những ước mơ, buồn, vui, tủi, dằn vặt… để lại những xúc cảm cho người đọc. Mặc dù không có nhiều “cái kết có hậu”, cái kết đẹp cho những câu chuyện nhưng vẫn đọng lại, để lại dư âm như một bản nhạc cuộc đời, để lắng lại, để hy vọng, để vẫn tin và bước tiếp cuộc hành trình của cuộc sống, để cuộc sống này sẽ mãi tiếp diễn như vốn dĩ, bởi như lời của một nhân vật trong truyện ngắn “Chuyện kể từ ban công” thì: “Khánh sẽ kể lại nhưng câu chuyện trên đường, có thiện lương, ấm áp, có cả cái ác, chân thực, vẹn nguyên. Có những chuyện, nếu không được kể ra, con người sẽ không dám ngẩng cao đầu"./.
Ngọc Lợi