(CMO) Cà Mau đang tập trung nguồn lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm từng bước đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tương đương bình quân chung của cả nước.
Đột phá toàn diện
Cà Mau phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5%/năm; giá trị sản xuất bình quân 150 triệu đồng/ha, thu nhập của cư dân nông thôn gấp 1,5 lần so với năm 2020 (35 triệu đồng/người/năm). Để đạt mục tiêu này, tất yếu ngành nông nghiệp Cà Mau phải phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh dựa trên nền tảng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng.
Để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trước hết tỉnh xây dựng chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế cho 30.000 ha tôm - rừng, sản xuất lúa - tôm đạt 45.000 ha. |
Tỉnh xác định kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là khu vực đảm bảo cuộc sống, sự phát triển của hầu hết người dân Cà Mau; sản xuất phải đáp ứng yêu cầu thị trường, thị trường xuất khẩu là mục tiêu trọng tâm các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Song song đó, tiếp tục khẳng định thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn; tôm, cua, lúa, chuối, gỗ là những sản phẩm chủ lực. Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh.
Mục tiêu về xuất khẩu, tỉnh phấn đấu nâng cao kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,3 tỷ USD/năm; phát triển nuôi tôm siêu thâm canh đạt 5.000 ha, xây dựng chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế cho 30.000 ha tôm - rừng; sản xuất lúa - tôm đạt 45.000 ha; diện tích rừng sản xuất thâm canh đạt 25.000 ha...
Tỉnh phấn đấu nâng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,3 tỷ USD/năm, củng cố, duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về ngành tôm. |
Đến năm 2030, giá trị GRDP ngành nông nghiệp đạt gấp 1,5 lần so với năm 2025; củng cố, duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về ngành tôm. Sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh cơ bản đạt trình độ hiện đại, bền vững. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tương đương với bình quân của cả nuớc.
Hướng nông nghiệp bền vững
Nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên được tỉnh đề ra là nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Phải hiểu đúng về lợi ích của nông nghiệp bền vững mang lại cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh.
“Việc chọn nội dung đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm để phát triển kinh tế nông nghiệp nhanh, bền vững như thế là phù hợp với quy luật kinh tế thị trường và xu thế hội nhập; khai thác và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, nhất là những lợi thế đặc thù của địa phương”, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, lý giải.
Song song đó, Cà Mau rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng các khu nông nghiệp chuyên canh tập trung rà soát quy hoạch không gian sản xuất trên các lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp. “Quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn phù hợp điều kiện từng vùng sản xuất, như giữ ổn định diện tích sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, thâm canh quy mô lớn ở vùng có đê bao khép kín giữ ngọt thuộc huyện Trần Văn Thời, gắn với cây trồng khác và thuỷ sản nước ngọt”, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh.
Cà Mau tiến hành xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất các đối tượng có lợi thế cạnh tranh ở huyện U Minh; chuyển đổi một số vùng sản xuất chuyên lúa kém hiệu quả sang lúa - tôm (khoảng 5.000 ha) và khôi phục diện tích lúa - tôm ở những nơi đủ điều kiện. Tập trung chuyển đổi trồng rừng thâm canh gỗ lớn ở khu vực U Minh Hạ.
Gỗ vẫn là một trong các mặt hàng được tỉnh chọn là hàng hoá chủ lực trong thời gian tới. |
Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung ở 2 huyện, U Minh và Trần Văn Thời. Tổ chức khai thác lợi thế du lịch trên hệ sinh thái rừng tràm, du lịch nông thôn sinh thái và du lịch văn hoá - lịch sử. Đồng thời, tập trung phát triển nuôi thuỷ sản chủ lực, đẩy mạnh nuôi ven biển, trên bãi bồi với các đối trượng có giá trị kinh tế cao, như hàu, nghêu, sò huyết, nuôi cá lồng, bè ven đảo.
Trước đó, đánh giá về tình hình nông nghiệp tỉnh hiện hữu và đã qua, Cà Mau thẳng thắn nhìn nhận nền sản xuất nông nghiệp thường xuyên bị tác động bởi biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; một số cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp chưa sát thực tế; môi trường kinh doanh nông nghiệp thiếu hấp dẫn; đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển...
Hạn chế lớn nhất hiện nay của ngành nông nghiệp Cà Mau cũng được tỉnh chỉ rõ. Đó là, công tác điều chỉnh quy hoạch còn chậm; chưa có cơ chế tích tụ ruộng đất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô lớn; liên kết chuỗi giá trị vẫn chưa chia sẻ hài hoà lợi ích và rủi ro nên dễ bị đứt gãy. Nguồn lực đầu tư cho công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả còn hạn chế; sản xuất thiếu thông tin thị trường; chưa khai thác được các thị trường mới, tiềm năng; thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến hiện đại còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp còn thấp.
Với quyết tâm thay đổi, nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp chủ lực của tỉnh, trong tương lai Cà Mau sẽ dần phát huy tiềm năng và lợi thế để xứng tầm là 1 trong 4 cực của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL./.
Phong Phú