ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 25-9-24 13:33:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đời múa bóng rỗi

Báo Cà Mau (CMO) Hễ nghe có điện thoại thì cô bóng Hùng (Nguyễn Minh Hùng, 53 tuổi, ở TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) lại chuẩn bị khăn gói lên đường đi múa. Hơn 35 năm làm nghề múa bóng rỗi ở các miếu bà, mỗi nơi cô bóng đặt chân tới là những dấu ấn của nghề và câu chuyện về một phận đời múa bóng rỗi.

“Cuộc đời tôi gắn liền với múa bóng mấy chục năm qua và sống rày đây mai đó riết cũng quen, chứ hễ ở nhà là như muốn bệnh vậy. Có lẽ nghề này đã trở thành nghiệp nên không thể nào bỏ được. Lỡ làm thì làm cho đến cuối đời vậy”, cô bóng Hùng tâm sự.

35 năm gắn đời múa bóng

Trước giờ biểu diễn.
Làm nghề có cái tâm là cách để cô bóng Hùng gắn bó với nghề suốt 35 năm qua.
Ở tuổi 53 nhưng cô bóng Hùng vẫn dẻo dai múa hát.

Bước chân vào nghề khi vừa tròn 18 tuổi, đối với một chàng trai mới lớn, những ngày đầu làm nghề là khoảng thời gian hết sức chông gai. Cô bóng Hùng trải lòng: “Ngót nghét 35 năm, ngẫm lại đời bóng rỗi của tôi cũng đã quá dài. Chắc tại cái duyên đưa đẩy mà tôi đam mê cái nghề này. Hồi xưa ông bà già tôi dễ gì mà chịu cho tôi làm nghề này, với lại thời xưa xóm làng người ta hay khinh khi mấy cái chuyện múa may bóng bẩy lắm, trong khi đó tôi lại là con trai”, nói tới đó dường như giọng cô bóng nghẹn lại.

Cô bóng Hùng kể tiếp: “Tình cờ lần đầu tiên tôi gặp ông thầy tôi múa bóng rỗi ở miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc, An Giang nên tôi quyết định gắn đời mình với nghề này. Bị gia đình, chòm xóm phản đối nên tôi phải bỏ nhà lên Kiên Giang sống. Nhờ trời thương mà ông bà già tha thứ nên kêu về cho làm nghề, thế là từ đó tôi được múa bóng cho đến tận bây giờ”.

Và nghề múa bóng rỗi ở các miếu bà đã thật sự đón nhận cô bóng Hùng khi tuổi đời còn quá trẻ. Những gian nan, khổ cực khi phải đi múa rày đây mai đó, đi khắp xứ cùng nơi từ An Giang, Tây Ninh, Cà Mau… để múa mua vui cho bà con vào những ngày lễ vía. “Đam mê thì phải chịu thôi”, cô bóng Hùng nói đùa thế, nghề nào mà không cực nhưng có lẽ đối với cô bóng Hùng, nghề này là cái nghiệp.

"Mấy chục năm trước ai cũng nghèo khổ thì làm gì có cái miếu nào giàu có mà trả tiền để múa đâu. Người ta sống dựa vào niềm tin, tín ngưỡng dân gian nên ngày lễ vía bà mọi người thường cúng bái theo truyền thống là phải có cô bóng múa dâng mâm vàng, bạc cho bà", cô bóng Hùng tâm tình. Thế là ngày vía ở đâu mà người ta cho hay là cô bóng Hùng vui mừng lên đường vì được múa. Người ta thương thì cho tiền còn miếu nghèo thì coi như múa miễn phí luôn.

Có khi lội bộ hàng chục cây số, nhịn đói, nhịn khát, nhưng không hiểu sao cô bóng Hùng không biết cực, chỉ cần được múa, được hát dù là bất cứ nơi đâu cô bóng vẫn không ngần ngại. Cô bóng Hùng nói: “Những năm mới vô nghề, cực không thể tả, đâu có được như bây giờ. Nhiều người khinh khi, chê bai, lúc đó muốn bỏ nghề, nhưng chắc nghiệp của mình nặng nên đeo đuổi cho đến tận bây giờ. Có khi bệnh đi không nổi, vậy chứ nghe người cho hay là đi liền, và hễ được múa hát là khoẻ re à”.

Và những nỗi niềm…

Cuộc đời cô bóng Hùng gắn với múa hát mua vui ở các miếu bà khắp nơi. Mỗi bước chân làm nghề của cô bóng Hùng có cả niềm vui, nỗi buồn, sự trăn trở về cuộc đời mà những người từng trải mới có thể cảm nhận hết.

“Nghề này bạc bẽo lắm, không ai công nhận, cũng không phản đối. Chúng tôi làm nghề vì đam mê và dù có như thế nào thì tôi vẫn tôn trọng cái nghề mà tôi đã chọn lựa, miễn là không hổ thẹn với lương tâm của mình. Mình có hát hay, múa đẹp thì người ta mới kêu mình và thù lao của mình cũng dựa vào người ta thương thì cho nhiều, người không thích thì cho ít thôi”, cô bóng Hùng bộc bạch.

Cô bóng Hùng nói: “Cúng bái thì cũng phải có nghi thức, cách thức đàng hoàng hẳn hoi chứ không phải muốn múa hát gì cũng được. Phải theo đúng phong tục, bài bản, hát phải có vần có điệu thì người ta mới thích. Làm nghề phải có cái tâm mới được, phải từng ngày học hỏi, nâng cao thì mới sống bền với nghề”.

Có tận mắt theo dõi người múa bóng rỗi biểu diễn mới thật sự cảm nhận hết tâm huyết với nghề của họ. Những giọt mồ hôi thấm áo, giọng nói có thể khàn đi vì phải hát mấy tiếng đồng hồ. Cũng trang điểm phấn son, cũng quần áo lộng lẫy, sặc sỡ nhưng người múa bóng rỗi không phải như một nghệ sĩ được ủng hộ bằng nhiều tiếng vỗ tay của khán giả hay được hát dưới ánh đèn sân khấu, được tung hô ngưỡng mộ. Họ chỉ là những “cô bóng” đúng nghĩa ca hát, múa dưới khói nhang, đèn và hoa quả mà thôi.

Cô bóng Hùng trần tình: “Tôi đã từng nản và bỏ nghề để đi bán trái cây, quần áo dạo. Nhưng rồi đành bán đổ bán tháo vì lỗ vốn, tìm kiếm đủ thứ nghề khác để làm nhưng cuối cùng cũng trở về cái nghề múa bóng rỗi. Đi múa, tất cả vì một chữ duyên mình gieo nên. Nó không phải mê tín dị đoan mà múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đã tồn tại rất lâu đời tại các ngày lễ vía bà”.

Làm nghề ắt phải giữ một chữ tâm để cái nghề của mình luôn trong sáng và được mọi người công nhận. Và nghề múa bóng rỗi, đối với cô bóng Hùng và những người múa bóng khác, họ luôn nỗ lực, bền bỉ vượt qua mọi trở ngại để đâu đó người ta vẫn còn nhớ, còn kể và mong ngóng những nhân vật múa may bóng bẩy, những điệu múa chập chờn khi tham gia các ngày lễ vía Bà./.

Hằng My

"Múa bóng rỗi là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian có từ lâu đời. Miếu Bà Chúa Xứ tại Phường 6, TP Cà Mau được thành lập từ năm 1926, từ hồi còn rất nhỏ tôi đã thấy người ta múa bóng rỗi vào ngày lễ vía bà vào ngày 15, 16 tháng Giêng hàng năm. Trở thành tục lệ từ xa xưa nên mỗi dịp vía bà không thể thiếu cô bóng múa rỗi dâng hoa quả, mâm vàng bạc làm bằng giấy để thay mặt mọi người múa vui cho Bà và cầu xin Bà độ trì cho quốc thới dân an, nhà nhà hạnh phúc, muôn dân ấm no, sung túc", ông Lữ Việt Nam, Trưởng ban Miếu hội Bà Chúa Xứ, Phường 6, TP Cà Mau, thông tin.

 

Tăng cường lập lại trật tự đô thị

Thời gian qua, công tác quản lý, sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường tại các điểm chợ trên địa bàn các xã, phường thuộc TP Cà Mau được triển khai quyết liệt, chuyển biến tích cực, hiệu quả nhằm duy trì thường xuyên, trở thành nền nếp và nâng cao nhận thức của người dân. UBND thành phố phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra công tác sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy...

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

Ấm lòng người khó khăn

Những ngày này, đi qua tuyến đường Châu Văn Ðặng, Phường 5, TP Cà Mau, thấy thật ấm lòng khi bắt gặp thêm một địa chỉ giúp đỡ người khó khăn với mô hình “bánh bao treo”.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; chủ động tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là mục đích được đề ra trong Kế hoạch triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, vừa được UBND tỉnh ban hành.

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.