Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.
Trẻ hoá nguồn nhân lực
Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, thông tin: “Người hoạt động ở ấp Kinh Hòn Bắc đều trẻ, có trình độ, năng lực thực tiễn và uy tín. Dù đang ở trong độ tuổi lao động, là trụ cột chính trong gia đình nhưng các vị luôn thể hiện tinh thần cống hiến cho địa phương, trở thành những người đứng mũi, chịu sào, tin cậy của Nhân dân. Ðặc biệt, người trẻ có nhiều điều kiện phát huy trong kỷ nguyên số hiện nay”.
Sau khi hoàn thành chương trình đại học với chuyên ngành Kế toán, anh Trần Văn Phú (sinh năm 1987, hiện là Bí thư Chi bộ ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây) chọn quay về địa phương để cống hiến sức trẻ và có điều kiện gần gũi gia đình.
Anh Phú bộc bạch: “Sau khi tốt nghiệp, làm việc tại TP Hồ Chí Minh được 2 năm thì tôi quyết định về quê. Ðể cha mẹ yên tâm là một phần lý do, nhưng tôi nghĩ rằng, không ở đâu bằng quê nhà, và người trẻ hoàn toàn có thể xây dựng cuộc sống ổn định ngay trên quê hương mình. Về địa phương, khi thấy tấm gương cống hiến của các cô chú lớn tuổi công tác tại ấp, ý thức và trách nhiệm của người trẻ với quê hương từng ngày được bồi đắp trong tôi. Khi tham gia công tác, được các cô chú lớn tuổi dìu dắt để tiến bộ, trưởng thành, rồi làm bí thư chi bộ ấp, tôi càng hiểu, càng trân trọng công việc, vai trò và đóng góp của những người hoạt động ở ấp”.
Những người hoạt động không chuyên trách ở ấp Kinh Hòn Bắc tham quan mô hình nuôi cá đồng ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Trưởng ấp Kinh Hòn Bắc là chị Thái Bé Ngoan (sinh năm 1991), một trong những trưởng ấp trẻ nhất ở xã Khánh Bình Tây nói riêng, huyện Trần Văn Thời nói chung. Chị Ngoan chia sẻ: “Mẹ tôi trước đây cũng công tác ở ấp với thâm niên rất lâu, tôi được truyền lửa nhiệt huyết ấy và muốn góp sức trẻ cho công việc chung”.
Khi nói về đội ngũ hoạt động của ấp hiện nay, chị Ngoan tâm tình: “Trước hết, chúng tôi đã được các cô chú đi trước dìu dắt, hướng dẫn, trưởng thành nên không quá bỡ ngỡ với công việc. Tôi nghĩ, ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có cái ưu, cái khuyết, quan trọng là mình phát huy mặt tốt, từng bước khắc phục mặt còn hạn chế. Người trẻ chúng tôi trước tiên có sức khoẻ, có khát vọng, được đào tạo bài bản, nhanh nhạy và mạnh dạn trong việc tiếp thu, triển khai những cái mới. Thực tiễn đã giúp người trẻ chúng tôi nghiệm ra rằng, phải tiếp tục cầu thị, học hỏi, không ngừng hoàn thiện bản thân để sống và làm việc tốt hơn”.
Những người hoạt động không chuyên ở ấp Kinh Hòn Bắc vận động người dân không lấn chiếm lòng lề đường, tránh nguy cơ tai nạn giao thông.
Tin tưởng, đề bạt và giao việc
Trở lại xã Khánh Thuận, huyện U Minh, cảm nhận được sự thay da đổi thịt của địa phương từng mệnh danh xã nghèo nhất của tỉnh, mới thấy hết những đóng góp của đội ngũ hoạt động ở ấp trong hành trình vươn lên của nơi đây. Ông Nguyễn Minh Lắm, Bí thư Chi bộ Ấp 13, xã Khánh Thuận, bộc bạch: “Hồi trước, người ta hỏi mình quê ở đâu, mình trả lời là Khánh Thuận, U Minh thì ai cũng cười cười (như muốn nói: biết rồi, xã nghèo nhất ở tỉnh này), mình mắc cỡ lắm. Từ chuyện đó, khi tham gia công tác ở ấp, anh em chúng tôi cùng nhau nỗ lực, cố gắng, công việc thì nhiều, không thể đặt tên, kể số, mà chỉ biết cố gắng cùng với bà con xứ mình chung sức, đồng lòng phấn đấu cho cái nghèo, cái khó lùi xa, từng bước vươn lên phát triển”.
Ông Lắm chia sẻ thêm: “Có công việc gì ở ấp là chúng tôi xông vô làm, làm để bà con thấy, bà con tin, rồi cùng làm theo. Nói vậy chớ, tính ra công việc của anh em nhiều không kể xiết đâu. Việc lớn có, nhỏ có, cả những công việc không tên, như chuyện nhà dân mất con gà; hàng xóm, vợ chồng hục hặc; một học sinh có nguy cơ bỏ học; một hoàn cảnh ngặt nghèo... Ở mọi chỗ, anh em chúng tôi đều có mặt để trực tiếp cùng với bà con chia sẻ, tháo gỡ”.
Nói về những công việc đã làm được mà mình tâm đắc nhất, ông Lắm phấn chấn, cười tươi: “Ðời sống người dân, diện mạo của Ấp 13 nói riêng và xã Khánh Thuận nói chung hiện nay đã phát triển vượt bậc so với trước. Có gì vui bằng khi nơi mình sống ngày càng giàu đẹp, đang băng băng về đích xã nông thôn mới”.
Năm 2021, ông Lắm mạnh dạn giới thiệu bầu anh Thái Văn Ðông (sinh năm 1992) làm Trưởng ấp. Ông Lắm tâm đắc: “Trong quá trình làm việc với nhau, tôi nhận thấy Ðông là một người trẻ năng động, rất có trách nhiệm trong công việc. Sau khi họp dân, bầu cử, anh Ðông được tín nhiệm rất cao”.
Anh Thái Văn Đông kiểm tra mô hình chăn nuôi mà anh đã vận động nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo trên địa bàn ấp.
Không phụ lòng tin tưởng của Nhân dân và đặc biệt là của bí thư chi bộ, người dẫn dắt mình, anh Ðông ra sức cống hiến sức trẻ cho quê hương. Anh tâm tình: “Dù đã từng tham gia công tác ở ấp với vai trò bí thư chi đoàn, nhưng khi đảm nhận vai trò trưởng ấp, tôi cũng có chút bối rối. Chuyện gì chưa làm được thì hỏi ý kiến của cô chú đi trước để gỡ khó, tìm hướng, tìm cách. Chuyện gì giúp được dân là quyết tâm làm cho bằng được, từ đó bản thân ngày càng vững vàng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.
Từ khi làm trưởng ấp, anh Ðông đã đứng ra vận động, hỗ trợ nhiều căn nhà cho người nghèo có nơi ở ổn định; tranh thủ các nguồn vốn giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, vị trưởng ấp trẻ còn tự xây dựng mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ, hỗ trợ người dân nhân rộng. Ðến thời điểm hiện tại, toàn Ấp 13 chỉ còn 8 hộ nghèo.
Là một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo, anh Lê Văn Toàn chia sẻ: “Gia đình tôi rất khó khăn, trước đây phải bỏ quê lên Bình Dương mưu sinh. Rồi tôi bị bệnh, phải về quê điều trị. Thấy hoàn cảnh tôi quá khó khăn, anh Ðông đến tìm hiểu và vận động mạnh thường quân hỗ trợ gia đình tôi cất được căn nhà để có chỗ che mưa che nắng. Mấy anh ở ấp còn hỗ trợ 4 con heo để nuôi, ơn nghĩa đó tôi không bao giờ quên”.
Theo thông tin của ấp, gia đình anh Toàn sẽ thoát nghèo trong năm 2024 này./.
Hải Nguyên - Kim Cương
Bài cuối: Bàn về giải pháp