Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều giải pháp để thu hút, nâng chất, tạo nguồn lực ở ấp, khóm theo xu hướng chuẩn hoá, trẻ hoá. Ðó là yêu cầu thực tế, hết sức cần thiết nhằm đáp ứng sự phát triển của địa phương trong bối cảnh mới. Nhưng câu chuyện chuẩn hoá, trẻ hoá, thu hút và giữ chân đội ngũ này để tạo ra nguồn kế thừa vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được nhìn nhận thấu đáo và những giải pháp khả thi, dài hơi.
Bài 1: Vốn quý của cơ sở
Tỉnh Cà Mau có 101 xã, phường, thị trấn với 883 khóm, riêng đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm hiện có 2.610 người. Trong đó, ấp có từ 350 hộ gia đình, khóm có từ 500 hộ gia đình trở lên; ấp, khóm thuộc xã, thị trấn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự; ấp, khóm ở xã đảo, thị trấn đảo là 1.479 người; ấp, khóm còn lại là 1.131 người.
Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị; xây dựng Ðảng, chính quyền và tổ chức đoàn kết ở địa phương. Ðây là hạt nhân đoàn kết, là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với quần chúng Nhân dân. Về tiêu chuẩn, điều kiện của người hoạt động ở ấp, khóm quy định rất mở, song việc tìm được người đảm đương, cam kết gắn bó không hề dễ dàng, việc chủ động cho nguồn nhân sự kế cận cũng nhiều trăn trở.
Có sự góp sức của những người hoạt động ở cơ sở, diện mạo làng quê thay đổi từng ngày.
Ở 50... vẫn trẻ
Huyện Ðầm Dơi hiện có 132 ấp, khóm thuộc 1 thị trấn và 15 xã, với gần 400 người hoạt động ở ấp, khóm. Công tác nhân sự của đội ngũ này luôn được địa phương hết sức quan tâm nhưng không phải không có khó khăn.
“Việc chọn lựa người đảm đương được nhiệm vụ đã khó, tạo lớp kế thừa để trẻ hoá, chuẩn hoá càng khó khăn hơn. Thực tế cho thấy, số lượng người làm công tác ấp, khóm tại địa phương từ độ tuổi từ 50 trở lên chiếm khá nhiều”, ông Ngô Bá Thành, Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ Ðầm Dơi, thông tin.
Ðiển hình như ở xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, đội ngũ hoạt động ở ấp độ tuổi U60, U70 vẫn đóng vai trò trụ cột. Ông Võ Như Toại, Phó bí thư Thường trực Ðảng uỷ xã Tân Dân, cho biết: “Việc lựa chọn được người phù hợp các chức danh bí thư chi bộ, trưởng ấp, trưởng ban công tác Mặt trận là không hề dễ dàng. Ở đâu cũng vậy thôi, đều muốn chọn người xứng đáng nhất, nhưng với các ấp thì câu chuyện này còn nhiều vấn đề lắm. Mình chọn được rồi, nhưng người được chọn có muốn làm, muốn cống hiến hay không nữa. Ðó là chưa kể, những người làm lâu năm, lớn tuổi, hạn chế về sức khoẻ xin rút. Còn có một số anh em trẻ, mình đã hướng đến để dự nguồn, đào tạo, phát triển, chưa tới đích thì vì nhiều lý do đã bỏ cuộc”.
Ông Toại phân tích: “Người lớn tuổi có nhiều cống hiến, ưu điểm, đó là điều không cần bàn cãi. Uy tín, kinh nghiệm, vốn sống giúp đội ngũ lớn tuổi phát huy rất tốt đối với công việc trực tiếp với dân. Nhưng về lâu dài, cần phải có đội ngũ kế cận. Việc tìm kiếm nhân tố trẻ, có sức khoẻ, có trình độ, có khát vọng cống hiến, đáp ứng được yêu cầu công việc trong điều kiện mới là điều hiển nhiên”.
Khó khăn của Tân Dân cũng là khó khăn ở nhiều địa phương khác khi phần lớn thanh niên trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa, nếu có ở lại địa phương thì cũng tập trung phát triển kinh tế, ít tham gia các hoạt động địa phương, gây khó khăn cho công tác tạo nguồn. Với những người trẻ có trình độ thì việc giữ chân họ để công tác ở ấp càng khó khăn hơn, bởi họ có quá nhiều sự lựa chọn.
Ông Toại bộc bạch: “Thực tế, số lượng sinh viên con em của các gia đình trên địa bàn xã đã tốt nghiệp cũng rất nhiều, nhưng khi về địa phương tìm kiếm cơ hội công việc thì hầu như các vị trí đã có chỗ, các em không thể chờ. Các em phải đi các nơi khác để xin việc, đến khi địa phương cần thì không có nguồn”.
Nguồn ở ấp, khóm chủ yếu hiện nay tại Cà Mau là nhân lực tại chỗ, đáp ứng đủ điều kiện và có tinh thần cống hiến hoặc tận dụng cán bộ hưu trí về tham gia công tác. Bởi vậy, không lạ khi người hoạt động ở ấp, khóm vẫn được gọi là trẻ, dù ở tuổi 50.
Khó tìm người kế cận
Huyện U Minh có 98 ấp, khóm thuộc 7 xã và 1 thị trấn, đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm hơn 290 người. Ông Phạm Việt Phong, Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ, cho biết: “Ðội ngũ này là hạt nhân ở ấp, khóm, với nhiều vai, nhiều việc. Vai trò, đóng góp của đội ngũ này là rất lớn, rất quan trọng, bởi mọi công việc đều bắt đầu khởi phát, triển khai từ nơi đây. Vì vậy, U Minh rất quan tâm đến việc củng cố, nâng cao chất lượng cũng như tạo nguồn kế thừa chủ động cho đội ngũ này gắn với điều kiện thực tiễn của địa phương. Trẻ hoá, chuẩn hoá là cần thiết, nhất là những yêu cầu, nhiệm vụ của người hoạt động ở ấp, khóm trong bối cảnh mới ngày càng nhiều, càng cao; thế nhưng, công việc này không phải có thể làm ngay được”.
Nói như ông Nguyễn Minh Lắm, Bí thư Chi bộ Ấp 13, xã Khánh Thuận, huyện U Minh: “Xu thế chung thôi, chuẩn hoá, trẻ hoá đội ngũ cán bộ ở cấp nào cũng cần, cũng bức thiết, ở ấp cũng vậy, nhưng khó lắm chớ không dễ. Bởi nhìn rộng ra ở xã Khánh Thuận, rồi các địa phương bạn, người hoạt động ở ấp, khóm lớn tuổi chiếm đa phần. Ưu điểm cũng có, nhưng khó khăn cũng nhiều. Và chúng tôi đâu thể đảm đương công việc mãi, cần phải có lớp anh em kế thừa, trẻ hơn, bản lĩnh hơn, dám nghĩ, dám làm hơn, nhưng chắc vẫn phải chờ thêm”.
Ông Nguyễn Minh Lắm “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ kế thừa.
Còn bà Phan Thu Hồng, Bí thư Chi bộ ấp Tân Long B, nữ Bí thư Chi bộ duy nhất và lớn tuổi nhất (bà Hồng năm nay đã 66 tuổi) ở xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: “Sức khoẻ của tôi cũng không còn như trước, vả lại yêu cầu công tác hiện nay có nhiều đổi khác, phù hợp hơn với những người trẻ tuổi, năng động, có trình độ và mạnh dạn trong nếp nghĩ, cách làm. Ngặt nỗi tìm người để kế thừa không phải chuyện dễ dàng”.
Bà Phan Thu Hồng (bìa trái), Bí thư Chi bộ ấp Tân Long B, hằng tháng đều tới UBND xã nhận tiền giùm các hộ khó khăn không đi lại được.
Ðó cũng là nỗi niềm của những người hoạt động ở ấp, khóm công tác lâu năm, mong muốn có được thế hệ kế cận tiếp sức tại nhiều nơi khác ở Cà Mau. Thực tế, không quá khó để tìm thấy những người có thâm niên công tác vài chục năm, có thay đổi thì cũng chuyển từ vị trí này sang vị trí khác mà thôi. Có khi người công tác ấp, khóm vì lớn tuổi, sức khoẻ không đảm bảo nhưng xin rút cũng... không được. Vì tâm huyết, vì trách nhiệm, vì công việc chung, không ít người lớn tuổi phải “nán lại” để vừa chờ, vừa tìm, vừa ra sức chăm bồi, đào tạo để có người thay thế.
Ðể chuẩn hoá, trẻ hoá đội ngũ hoạt động ở ấp/khóm rõ ràng là công việc không hề dễ dàng và có thể làm được trong ngày một, ngày hai. Không chỉ cần những giải pháp hữu hiệu, linh động, dài hơi, mà quan trọng hơn là cơ chế đủ sức tạo ra sự thu hút, động viên, khuyến khích để người trẻ có điều kiện, cơ hội và chủ động tham gia vào những vị trí công tác ở ấp, khóm./.
Hải Nguyên - Kim Cương
Bài 2: Những tín hiệu tích cực