(CMO) Dự án Làng tái định cư ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, do Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ tài trợ từ năm 2003-2013. Làng gồm 280 căn nhà, 1 trường tiểu học và các công trình phụ như năng lượng mặt trời, hệ thống nước sạch, khu phơi cá, vá lưới, máy sấy tôm và một số hợp phần sinh kế khác... với tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo của Chủ tịch UBND xã Huỳnh Văn Sáu: “Sau khi dự án Làng tái định cư Hố Gùi được hình thành từ năm 2003, với 275 hộ được cấp đất, hỗ trợ xây dựng nhà ở ổn định, đến nay ấp Hồ Gùi đã tăng lên khoảng 400 hộ, do mới nhập khẩu về địa phương, con trưởng thành tách khẩu ra riêng... Các công trình phụ kèm theo của dự án là điện, đường, hệ thống cấp nước, trường học, năng lượng mặt trời, khu phơi cá, vá lưới… cơ bản được duy trì sử dụng hiệu quả; đời sống của Nhân dân được cải thiện rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,5% và giảm dần qua hàng năm…”. Với những thông tin trên, dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng đó là kết quả đáng ghi nhận, đánh dấu việc duy trì, tính bền vững của mô hình dự án tái định cư thuộc vùng ven biển của tỉnh Cà Mau.
Cơ duyên hình thành làng tái định cư Hố Gùi
Nhà mới khang trang tại ấp Hố Gùi. |
Sau cơn bão Linda năm 1997, chứng kiến tận mắt cảnh nhà cửa tan hoang, thuyền ghe vỡ nát, các làng nghèo ven biển Cà Mau tơi bời trong gió dữ, năm 2003, thông qua sự kết nối của Uỷ ban MTTQVN tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các chuyên gia của Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ tiếp tục đến Cà Mau khảo sát và quyết định tài trợ dự án Làng tái định cư tại ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn.
Giai đoạn I của dự án bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2003-2005, gồm 205 căn nhà chống bão và 5 căn nhà công vụ trị giá mỗi căn tương đương 28 triệu đồng; 1 trường tiểu học và hệ thống cấp nước sạch với tổng giá trị viện trợ 7,5 tỷ đồng. Song trùng với các hạng mục công trình của dự án, tỉnh Cà Mau đã bố trí vốn đối ứng, đầu tư xây dựng cơ bản về hệ thống điện, đường. Từ năm 2008-2009, mở rộng triển khai thực hiện dự án giai đoạn II với 30 căn nhà được cải tiến xây dựng (tường bằng gạch), với tổng trị giá mỗi căn 78 triệu đồng. Với kết qủa khả quan của giai đoạn I và II, Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn III với 20 căn nhà đôi (20 cặp nhà có chung tường ngăn) được áp dụng công nghệ phù hợp, có khả năng chống chịu với gió bão, với trị giá mỗi căn nhà 80 triệu đồng. Đặc biệt trong giai đoạn này, Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ đã phối hợp với chính quyền địa phương đầu tư triển khai các hợp phần sinh kế để giúp dân ổn định và phát triển cuộc sống bền vững, thông qua các mô hình: Đào ao nuôi cá, trồng cây; xây dựng khu phơi cá, vá lưới, sửa chữa động cơ tàu thuyền; hệ thống năng lượng mặt trời... với tổng nguồn vốn đầu tư 171.000 USD.
Sự đổi thay
Điều ghi nhận đầu tiên đó là, hầu hết các căn nhà tái định cư được các hộ dân duy trì sử dụng. So với lúc dự án mới hoàn thành, các căn nhà được thiết kế san sát, theo cùng một khuôn mẫu và trơ trọi chỉ là nhà… thì hôm nay hoàn toàn đổi khác. Đường làng rợp bóng cây xanh, nhiều nhà dân có trồng thêm hoa kiểng trông rất đẹp mắt. Xen kẽ với những căn nhà của dự án là những căn nhà mới được đầu tư, nâng cấp khang trang, thậm chí có cả biệt thự. Dọc theo hai bên đường, các hộ dân mở ra dịch vụ sản xuất, kinh doanh, mua bán nhỏ, đã tạo nên một khu dân cư sôi động, sầm uất hơn. Ngoài việc duy trì các hạng mục công trình như điện, đường, trường học, nay được ngân sách đầu tư xây dựng thêm ngôi trường mẫu giáo khang trang toạ lạc ngay trong Làng tái định cư Hố Gùi.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng, ông Lâm Văn Chính cho biết, ông quê ở Trà Vinh, do hoàn cảnh khó khăn nên đã di cư về Hố Gùi sinh sống bằng nghề đánh bắt ven bờ. Cuộc sống bấp bênh, nhà ở tạm bợ, gia đình ông được xét chọn là đối tượng được hưởng lợi từ dự án. Từ khi có nhà ở ổn định, ông tiếp tục làm nghề khai thác, tích luỹ vốn, đến nay ông đã mua được 58 công vuông, mua ghe có công suất 175CV để khai thác đánh bắt xa bờ, tổng thu nhập hàng tháng trừ các chi phí còn trên 20 triệu đồng.
Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông Nguyễn Chí Đoan cho biết thêm: Hiện nay, toàn ấp Hố Gùi có khoảng 80 hộ gia đình còn khó khăn do thiếu vốn sản xuất, phải đi làm thuê, thu nhập không ổn định. Các hộ dân còn lại có mức sống từ trung bình trở lên, trong đó số hộ khá giả chiếm trên 20%. Vấn đề khó khăn ở đây là nước sinh hoạt. Do đã được đầu tư khá lâu, hệ thống nước bị rò rỉ và số hộ di cư tăng lên nên nguồn nước không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Để khắc phục tình trạng trên cần phải đầu tư xây dựng lại hệ thống cấp nước, tuy nhiên, chi phí khá lớn, ngân sách địa phương không đảm bảo, cần có sự chung tay trợ giúp của cộng đồng.
Ghi nhận từ kết quả và những khó khăn sau 7 năm kết thúc thực hiện dự án Làng tái định cư Hố Gùi, do Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ tài trợ, có thể xác định: Đây là một trong những dự án được đầu tư dài hơi, khá toàn diện, mang lại lợi ích rất thiết thực cho người dân sống ở vùng ven biển Hố Gùi. Tác động của dự án không chỉ ở tại địa bàn mà còn là mô hình cần được rút kinh nghiệm, nhân rộng trong công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài; phương thức phối hợp triển khai, quản lý, điều hành dự án giữa tổ chức tài trợ với Ban quản lý dự án và các cấp chính quyền địa phương của tỉnh Cà Mau. Đặc biệt là sự tham gia tích cực, cùng cộng đồng trách nhiệm của người dân là yếu tố quan trọng góp phần cho dự án thành công và phát triển bền vững./.
Tuyết Lệ