(CMO) Xác định hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo lợi thế thu hút đầu tư, những năm qua, tỉnh Cà Mau đã chủ động rà soát, triển khai lập và hoàn thiện quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông, trên cơ sở kết nối hợp lý giữa các vùng kinh tế tại địa phương cũng như khu vực lân cận.
Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Cà Mau đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông, qua đó đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế. |
Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, hệ thống giao thông của tỉnh phát triển qua từng năm. Hạ tầng giao thông thuỷ, bộ được đầu tư nâng cấp, xây mới, tạo kết nối thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh với các tỉnh trong khu vực.
Toàn tỉnh hiện có tổng số 4.693 tuyến đường các loại, với tổng chiều dài khoảng 15.093 km. Trên địa bàn có 143 tuyến sông, kênh chính thuộc hệ thống đường thuỷ nội địa do Trung ương, tỉnh, huyện quản lý, với tổng chiều dài 1.820,9 km.
Cầu Năm Căn được khánh thành năm 2015, dài trên 800 m, rộng 12 m, tổng mức đầu tư gần 650 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đất cực Nam Tổ quốc. |
Trên địa bàn tỉnh có tổng số 143 tuyến sông, kênh chính thuộc hệ thống đường thuỷ nội địa do Trung ương, tỉnh, huyện quản lý, tổng chiều dài 1.820,9 km. Mạng lưới giao thông đường thuỷ kết nối mật thiết với giao thông bộ và giao thông biển, gắn liền với các hoạt động kinh tế, xã hội của tỉnh. |
Sân bay Cà Mau được nâng cấp, đường băng dài 1.050x30 m, cho phép loại máy bay nhỏ như: ATR72, AN-2, MIA-17 và các máy bay quân sự cấp 2 hạ cất cánh.
Hiện Sân bay Cà Mau đang khai thác tuyến Cà Mau - TP Hồ Chí Minh và ngược lại, với tần suất 2 chuyến/ngày. Bên cạnh đó, bãi đáp máy bay ở Hòn Khoai và Năm Căn, khi có nhu cầu và điều kiện, vẫn có thể khôi phục để đưa vào sử dụng phục vụ du lịch, an ninh - quốc phòng, thăm dò khai thác dầu khí. Ðây được xem là bước phát triển, cũng như lợi thế về hạ tầng giao thông của tỉnh.
Văn Ðum thực hiện